'Dấu chân' Kita Group ở GGG
GGG là mã chứng khoán của CTCP Ô tô Giải Phóng – 'nơi' nhà sáng lập Kita Group Nguyễn Duy Kiên và phu nhân Đặng Thị Thuỳ Trang được bầu làm Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kể từ tháng 4/2022.
6 tháng đầu năm 2022, HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2027 của CTCP Ô tô Giải Phóng (Mã CK: GGG) chỉ họp và thông qua duy nhất 1 nghị quyết.
Nghị quyết này được biểu quyết thông qua tại tầng 4 của một số nhà ở ngõ 75 phố Trần Thái Tông – địa chỉ mà GGG cho biết là văn phòng Hà Nội của công ty. Phía mặt tiền toà nhà này, bảng hiệu của một 'tay chơi' địa ốc mới nổi được treo nổi bật, đề rõ: Kita Group.
Họ được bầu vào HĐQT GGG kể từ tháng 4/2022, đảm trách chức vụ Thành viên HĐQT không điều hành ở doanh nghiệp này.
'Bóng' Kita Group ở GGG
Có nguồn tin nói với VietTimes rằng, cái tên "Kita" được bắt nguồn từ sự kết hợp giữa tên của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Duy Kiên – Đặng Thị Thuỳ Trang.
Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Tập đoàn Kita (Kita Group) tiền thân là CTCP Thực phẩm đồ uống F1 (F1), ban đầu có ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn đồ uống, với doanh thu chỉ đạt vài tỉ đồng mỗi năm.
Tính đến tháng 8/2016, ông Nguyễn Duy Kiên và phu nhân Đặng Thị Thuỳ Trang lần lượt sở hữu 55% và 22,5% vốn điều lệ của F1.
Tới tháng 6/2018, doanh nghiệp này tăng vốn gấp 5 lần, lên 100 tỉ đồng, và đổi tên thành Kita Group. Chưa đầy 2 năm sau đó, cập nhật tới tháng 7/2020, Kita Group đã tăng vốn điều lệ lên 750 tỉ đồng.
Trong giai đoạn này, vợ chồng doanh nhân Nguyễn Duy Kiên cũng thành lập hàng loạt doanh nghiệp 'họ' Kita, kể như: CTCP Tập đoàn Kita Group, CTCP Kita Holding (Kita Holding), CTCP Kita Invest (Kita Invest), CTCP Kita Land (Kita Land).
Như VietTimes từng đề cập , Kita Invest là đơn vị trúng đấu giá khu đất rộng 60ha thuộc dự án Khu dân cư Phường Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Khu đất này từng được Sacombank rao bán đấu giá với mức khởi điểm lên tới 3.424 tỉ đồng.
Sau khi về với nhóm Kita Group, dự án nêu trên được quảng bá với tên gọi Stella Mega City nhưng với quy mô rộng tới 150 ha.
Bên cạnh đó, Kita Group còn là chủ một dự án khác có tên Stella 927 tại địa chỉ 927 Trần Hưng Đạo (Phường 1, Quận 5, TP. HCM). Dự án này cũng từng được Sacombank rao bán đấu giá 16 tầng (từ tầng 12 đến tầng 27).
'Bóng hình' Kita Group cũng được thể hiện tại CTCP Đầu tư thương mại Bình Tân ( Bình Tân ) - doanh nghiệp đã ký hợp đồng đặt cọc với Vimedimex Group để mua bán/chuyển nhượng “Dự án công trình trung tâm thương mại trên lô đất TM01” thuộc dự án Khu đô thị Nam Thăng Long, nằm ngay dưới chân cầu Nhật Tân, Hà Nội.
Dấu ấn Kita Group ở GGG
Sau 11 năm thua lỗ liên tiếp, tính đến ngày 31/12/2021, số lỗ luỹ kế của GGG lên tới 286,5 tỉ đồng, vượt qua vốn đầu tư của chủ sở hữu. Bên cạnh đó, nợ ngắn hạn cũng lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 213,9 tỉ đồng. Các yếu tố này được đơn vị kiểm toán đánh giá có ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động liên tục của công ty.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo GGG cho biết đã tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ 3. Trong năm 2021, một số khoản vay ngân hàng đã được bán nợ cho đối tượng khác, các tài sản thế chấp tại ngân hàng cũng đã được giải chấp.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã bán khoản nợ gồm cả gốc lẫn lãi là 116 tỉ đồng (nợ gốc: 40,2 tỉ đồng; nợ lãi:75,8 tỉ đồng) cho ông Đàm Thận Mạnh. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã bán khoản nợ gốc lẫn lãi 36,1 tỉ đồng cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sài Gòn Thiên Phú. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) bán khoản nợ cả gốc lẫn lãi 15,7 tỉ đồng cho ông Trần Tấn Hồng Cương.
Trong đó, ông Đàm Thận Mạnh, nên biết, là người đại diện theo pháp luật của CTCP Kita Holding. Ông Trần Tấn Hồng Cương được biết tới là Phó Tổng Giám đốc Kita Group.
Sự đóng góp của nhóm Kita Group trong hoạt động tái cơ cấu GGG còn được thể hiện ở nội dung nghị quyết HĐQT mà VietTimes đề cập ở đầu bài viết, cụ thể là việc thông qua hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ cho doanh nghiệp này.
Theo đó, HĐQT GGG quyết nghị triển khai việc phát hành 19,7 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ của công ty cho 6 chủ nợ, bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sài Gòn Thiên Phú, ông Trần Tấn Hồng Cương, ông Đàm Thận Mạnh, bà Nguyễn Thị Nga, ông Nguyễn Cương và ông Nguyễn Hà Đức. Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Việc bổ sung thêm GGG vào 'hệ sinh thái' sẽ mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ thị trường chứng khoán cho Kita Group, giúp giới chủ doanh nghiệp này giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, trái phiếu.
Được biết, trong tháng 5/2020, Kita Invest đã 'hút' về 2.100 tỉ đồng từ 6 đợt phát hành trái phiếu, kỳ hạn 3 năm. Trong khi đó, vào tháng 11/2021, Bình Tân đã phát hành 1.300 tỉ đồng trái phiếu, kỳ hạn 60 tháng.
Trong năm 2022, ban lãnh đạo GGG dự kiến sẽ hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch và chủ trương đầu tư khu đất 1,5ha tại Cam Thượng, Ba Vì, Hà Nội, để thực hiện dự án logistics.
Cùng với đó, trên cơ sở 'đối tác chiến lược giới thiệu', GGG sẽ nghiên cứu và xúc tiến việc đầu tư vào 1 dự án bất động sản tại Hoà Lạc, cụ thể là mua lại 51% vốn của chủ đầu tư. GGG cho biết, dự án này đã được cấp đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đủ điều kiện để triển khai trong năm 2022.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Nguyễn Duy Kiên – nhà sáng lập Kita Group – còn nắm giữ cổ phần của CTCP Kinh doanh Phát triển nhà và đô thị Thành Tín. Doanh nghiệp này được biết tới là chủ đầu tư dự án V Melody, quy mô 83.804m2, tại xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất, Hà Nội./.