Đất "vàng" cho cây xanh, được không?

Chia sẻ Facebook
04/07/2022 08:32:51

Ai cũng thấy TP.HCM, nhất là ở khu vực trung tâm đang thiếu mảng xanh, thiếu công viên. Mọi cái thiếu ấy đều do thiếu đất. Ngặt nỗi, lâu nay chúng ta có thói quen đã là đất vàng, đất vị trí kim cương phải được ưu tiên cho kinh tế.


"Tôi vẫn còn giấc mơ", ông Phan Chánh Dưỡng nói vậy khi cuốn Ký ức theo dòng đời của ông đã in ấn, khi sự nghiệp của ông với Công ty Cholimex, với nhóm Thứ Sáu, với Khu chế xuất Tân Thuận, với khu đô thị Phú Mỹ Hưng, với quỹ từ thiện Lawrence S. Ting đã thành công.


Vậy nhưng ông vẫn miệt mài vẽ giấc mơ với những dải băng xanh chạy dọc ngang thành phố, những công viên, đô thị mới ở khu Nam Sài Gòn, hướng thẳng ra Biển Đông...


"Khi chúng tôi bắt đầu, quận 7 hiện giờ là đầm lầy ngập mặn, dân nghèo và thưa thớt thuộc huyện Nhà Bè. 30 năm, chúng tôi mới chỉ hiện thực hóa được một phần giấc mơ của mình, và phần lớn còn lại vẫn là chờ đợi thế hệ sau.


TP.HCM sẽ phát triển và vươn ra Biển Đông chính từ cửa ngõ phía Nam này. Tôi mong mỏi vùng đất giàu tiềm năng này sẽ được tô điểm bởi những người trẻ giỏi chuyên môn và giàu hoài bão cống hiến cho xã hội. Hoài bão ấy sẽ là tiền đề của sáng tạo, khám phá...", ông Dưỡng nói.

"Chúng ta sẽ lại bắt đầu từ Khu chế xuất Tân Thuận một lần nữa", ông Dưỡng nói như khi mấy mươi năm trước ông đã bảo vệ đề án xây dựng khu chế xuất đầu tiên của thành phố tại xã Tân Thuận Đông sình lầy nhưng gần trung tâm thành phố, cạnh cảng và tỉnh lộ.

"Ngày ấy chúng tôi đã tính sẵn. Đã hơn 30 năm, Khu chế xuất Tân Thuận giờ trở thành khu công nghiệp kỹ thuật cao, khu thương mại đa năng, cầu nối kinh tế thị trường TP.HCM với thế giới. Đến năm 2041, Khu chế xuất Tân Thuận hoàn thành nhiệm vụ, các xí nghiệp sẽ dời đến Khu công nghiệp Hiệp Phước, và TP.HCM sẽ có 300ha đất kim cương ven sông.

Ngay từ bây giờ, lãnh đạo TP.HCM cần phải tích lũy những ý tưởng quy hoạch sử dụng đúng hướng và đúng tầm, không thể để vùng đất này bị chia năm xẻ bảy lệch hướng vào xây dựng dân dụng".

Từ ước mơ của ông Phan Chánh Dưỡng cho chúng ta thấy, mất nhiều năm để vùng sình lầy Nhà Bè thành Khu chế xuất Tân Thuận. Rồi phải sau nửa thế kỷ, chúng ta mới có cơ hội thay công năng, diện mạo của khu vực này.

Tương tự, không ít người sống ở Sài Gòn trước đây từ khi sinh ra đến khi nghỉ hưu mới thấy vị trí nơi đã từng là nhà máy X, xưởng Y nay trở thành đất vàng, đất vị trí kim cương dần được thay thế bằng khu dân cư, trung tâm thương mại.

Thế mới biết, thay đổi diện mạo một khu vực, một đô thị cần vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Vì vậy, một quyết định nặng về kinh tế, thương mại lúc này có thể tạo ra trên đất vàng những khu dân cư sầm uất nhưng chật chội, ngột ngạt mà nhiều khi sau này không có cơ hội sửa sai.

Có sự mâu thuẫn là ai cũng kêu cần phải tạo thêm nhiều khoảng thở cho đô thị TP.HCM nhưng rồi nhiều khu đất đẹp, vị trí vàng khi có cơ hội "đổi đời" lại được nhồi nhét vào đó cao ốc càng làm cho đô thị thêm chật chội, khó thở.

Đến bao giờ chúng ta mới nghĩ khác, làm khác thói quen bao lâu nay đó là đưa vào tầm ngắm những khu đất vàng, đất có vị trí kim cương để làm công viên, trồng thêm cây xanh, không gian công cộng..., tạo ra diện mạo xanh, thân thiện cho đô thị TP.HCM?

9 cây xanh trên các tuyến đường quanh hồ Con Rùa bị sâu bệnh đang được Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cho chặt bỏ trồng mới, một số cây nằm tại khu vực cải tạo vỉa hè nhưng công ty khẳng định không phải chặt cây để làm dự án.

Chia sẻ Facebook