Đất Vân Phong rục rịch tăng giá sau khi 'vỡ bong bóng'

Chia sẻ Facebook
23/05/2022 10:15:28

Tại bắc Vân Phong từng chứng kiến sốt đất cách đây nhiều năm, sau đó thị trường chững lại, "vỡ bong bóng". Gần đây, giá đất tại khu vực này lại được môi giới rục rịch đẩy lên.

Theo quy hoạch, khu kinh tế (KKT) Vân Phong có diện tích 150.000 ha. Trong đó, diện tích phần đất liền và đảo khoảng 70.000 ha thuộc 2 huyện Vạn Ninh (bắc Vân Phong) và thị xã Ninh Hòa (nam Vân Phong).

Hiện, UBND tỉnh Khánh Hòa đang khẩn trương lập đồ án quy hoạch, trình Thủ tướng phê duyệt.


Nợ tiền tỷ vì lao theo cơn “sốt đất” Vân Phong

Thời điểm 2017, khi thông tin một phần huyện Vạn Ninh được quy hoạch thành đặc khu kinh tế Vân Phong - bắc Vân Phong - giá đất nơi đây tăng từng giờ.

“Khi cơn sốt đất ập đến, mọi người tranh nhau bán đìa, bỏ lồng tôm, cá để đi buôn đất. Quê nghèo gần như không ngủ, tiền tỷ trao tay mà không cần ai làm chứng hay công chứng gì”, ông Hà Văn Thìn - ngụ thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh - nhớ lại.

Đất khu vực ven biển ở thị trấn Vạn Giã có thời điểm lên 80 triệu đồng/m2. Ảnh: Xuân Hoát.

Giữa năm 2017, nhiều khu vực ven biển ở thị Trấn Vạn Giã giá đất lên 80 triệu/m2, trong khi một năm trước chỉ có giá khoảng 20 triệu đồng/m2. Không chỉ đất phố, mà đất đìa tôm, ốc hương, trồng rong nho cũng tăng chóng mặt từ vài trăm nghìn đồng/m2 đã lên đến 2-3 triệu đồng/m2.

Ông Thìn cho biết hàng trăm sàn bất động sản mọc lên khắp thị trấn Vạn Giã, kèm theo các dịch vụ cà phê, quán ăn, nhậu khiến thị trấn nhỏ lúc nào cũng rộn ràng.

Khi giá đất vượt quá ngưỡng thực tế, mất kiểm soát, giữa năm 2018, UBND tỉnh Khánh Hòa vào cuộc chỉ đạo dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại khu vực quy hoạch đặc khu bắc Vân Phong.

Lúc này, hàng trăm người ồ ạt bán tháo khiến giá đất trở về lúc chưa sốt. Nhiều người ôm nợ hàng chục tỷ vì trót đầu cơ vào đất.

Thời điểm cuối 2018, giá đất ở khu vực trung tâm thị trấn Vạn Giã xuống còn 30-40 triệu/m2, khu vực đìa tôm, nuôi ốc hương giá xuống bằng lúc chưa sốt năm 2016.

Tháng 6/2020, Thủ tướng đồng ý tạm dừng triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) bắc Vân Phong.

Một lần nữa giá đất khu vực bắc Vân Phong rớt thảm, hàng trăm đầu nậu bán tháo đất gỡ gạc vốn, những người nông dân lỡ bán đất rồi vay mượn để đầu cơ giờ ngơ ngác vì không hiểu vì sao mình nợ tiền tỷ chỉ trong ít tháng.


Giá đất bắc Vân Phong rục rịch tăng?

Hồi tháng 4, Thủ tướng ban hành quyết định số 451 về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Động thái này ngay lập tức được giới buôn bất động sản, cò đất hưởng ứng tích cực. Sau 4 năm nằm im, khu vực từng được quy hoạch đặc khu giá đất bắt đầu tăng trở lại.

Ông Bùi Thành Hệ - một môi giới - cho biết mình vừa giao dịch thành công hàng chục lô đất tại bắc Vân Phong. Vị này cho rằng giá đất đang ở mức tháng 4/2018. Khu vực đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Vạn Giã khoảng 60-65 triệu đồng/m2, các khu tái định cư khoảng 20-25 triệu đồng/m2, còn các đường ngang thị trấn khoảng 25-30 triệu/m2. Riêng các khu công nghiệp Vạn Thắng và Dốc Đá Trắng khoảng 6 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, nhóm đất ruộng, đất đìa và đất rẫy giao dịch không nhiều, số cò đất, sàn săn đất cũng giảm chứ không tăng - theo ông Hệ.

Còn ông Hải - chủ một sàn giao dịch bất động sản - cho biết giá đất khu vực có tăng, tuy nhiên tập trung vào những vị trí đẹp, có tiềm năng thương mại. Hiện các nhà đầu tư chỉ tìm mua đất ở, còn đất cây lâu năm, nông nghiệp không còn như trước do sợ dính quy hoạch.

Khu vực bắc Vân Phong được đánhg giá có nhiều tiềm năng để phát triển khi được quy hoạch sân bay charter, cảng quốc tế, khu phi thuế quan cũng như hàng loạt đô thị du lịch quy mô lớn.

Tuy nhiên nhiều người vẫn “e dè” đầu tư vào bắc Vân Phong khi họ cho rằng quy hoạch chung KKT Vân Phong chưa có nên vẫn tiềm ẩn rủi ro nhất định, đặc biệt là giới đi lướt.

Nhiều sàn bất động sản ở Vạn Ninh đã hoạt động trở lại sau nhiều năm nằm im. Ảnh: Xuân Hoát.


Chủ động công khai quy hoạch

Dù thông tin lập quy hoạch KKT Vân Phong đã được công bố, tuy nhiên không chỉ giới đầu tư, mà chính quyền đã chủ động để tránh xảy ra tình trạng tương tự như năm 2017-2018.

Trao đổi với Zing, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Vạn Ninh Lê Văn Khải cho biết để giảm thiểu tình trạng “sốt đất” trên địa bàn, UBND huyện đã chủ động công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 để người dân nắm được.

Theo ông Khải, huyện cũng phối hợp với ban quản lý KKT Vân Phong và các đơn vị tư vấn tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án điều chỉnh quy hoạch xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050.

“Huyện cũng thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân. Cái nào không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì không được phê duyệt”, ông Khải cho biết.

Cũng theo Trưởng phòng TN&MT huyện Vạn Ninh, thời gian tới địa phương sẽ phối hợp với ban quản lý KKT Vân Phong công bố công khai điều chỉnh quy hoạch xây dựng KKT Vân Phong sau phê duyệt.

Đồng thời, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép.

Ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa - cho biết khoảng 3 năm trở lại, giá đất nền vùng ven tại các huyện, thị của Khánh Hòa liên tục “lập đỉnh” và tiềm ẩn nguy cơ khi cơn sốt qua đi sẽ để lại hậu quả nặng nề.

"Vì lợi nhuận nên họ bất chấp và người mua sau cùng sẽ gánh rủi ro lớn nhất nếu có sự cố. Trong khi người có nhu cầu mua đất thật có thể không mua được hoặc phải mua với giá quá cao so với thực tế. Còn các nhà đầu tư F0 thì có nguy cơ gặp phải nợ xấu, cắt lỗ khi giá đất có thể quay về giá trị ban đầu khi nhận ra đó là chiến trường của sốt đất ảo", ông Quý phân tích.

Chia sẻ Facebook