Đặt tên cho các ngoại hành tinh
Một ngôi sao trong ngoại hành tinh hoàn toàn có thể mang tên của bạn nếu bạn tham gia cuộc thi do Hiệp hội Thiên văn Quốc tế tổ chức.
Ngoại hành tinh là những ngôi sao khổng lồ
NameExoWorlds là cuộc thi do Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 với mục tiêu để các nhà nghiên cứu và người yêu khoa học trên khắp thế giới có thể tham gia vào việc chọn tên cho các ngoại hành tinh mới được phát hiện. Năm 2022, Việt Nam cũng sẽ có đề xuất được gửi tới IAU.
Ở cuộc thi năm 2019 (Việt Nam chưa có nhóm tham dự), đã có một số quốc gia ở Đông Nam Á thành công trong việc đưa một cái tên nào đó của họ lên bầu trời.
Nhóm dự thi của Thái Lan đã được chấp thuận tên gọi đặt cho sao WASP-50 trong chòm sao Eridanus và hành tinh được phát hiện của nó - WASP-50b - lần lượt là Chaophraya và Maeping - tên của hai con sông lớn nhất của Thái Lan.
Nhóm dự thi ở Brunei đã được chấp thuận tên Mastika cho hành tinh HD 179949 b. Những tên được IAU chấp thuận này đều được coi là tên gọi chính thức của các ngoại hành tinh.
WASP-50 là một sao có quang phổ G thuộc dãy chính (tương tự như Mặt trời của chúng ta), nằm cách Trái đất hơn 600 năm ánh sáng trong khu vực của chòm sao Eridanus (chòm sao mang tên một con sông trong thần thoại Hy Lạp, nơi các linh hồn đi qua sau khi chết).
Một hành tinh chuyển động quanh ngôi sao này đã được phát hiện thông qua phương pháp quá cảnh, WASP-50 b. Nó là một sao Mộc nóng có khối lượng lớn gấp 1,4 lần sao Mộc của chúng ta và có quỹ đạo rất gần sao mẹ.
Các “sao Mộc nóng” là những ngoại hành tinh có khối lượng tương đương hoặc lớn hơn các hành tinh khí khổng lồ của Hệ Mặt trời nhưng có quỹ đạo gần ngôi sao của chúng. Việc đó khiến chúng là một trong những loại hành tinh dễ được phát hiện nhất bởi chu kỳ ngắn và tác động trực tiếp lên sao mẹ rõ rệt hơn so với những hành tinh ở xa và có khối lượng nhỏ.
Một hành tinh như vậy với khối lượng gấp hơn 6 lần sao Mộc của chúng ta (đừng quên rằng trong Hệ Mặt trời, riêng khối lượng của sao Mộc đã lớn hơn cả 7 hành tinh còn lại cộng lại) được phát hiện vào năm 2003, chuyển động trên quỹ đạo quanh ngôi sao HD 104985, cách chúng ta hơn 300 năm ánh sáng, trong chòm sao Camelopardalis (Hươu cao cổ).
Ngôi sao này là một sao khổng lồ đỏ, với khối lượng lớn hơn Mặt trời một chút nhưng kích thước lớn hơn rất nhiều do nó đã tiêu thụ hết lượng hydro trong lõi và đang phình to ra trước khi lớp vỏ bị vỡ ra sau nhiều năm nữa, để lại lõi trong là một sao lùn trắng.
Sao La là cái tên được chọn nhiều nhất
Năm 2022, Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam tham gia cuộc thi NameExoWorlds của IAU với mong muốn lần đầu tiên có một cái tên của Việt Nam trên bầu trời. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên có một cái tên tiếng Việt được đặt cho một đối tượng thiên văn. Tên gọi này sẽ là chính thức và được sử dụng song song với ký hiệu ban đầu của hành tinh.
Hiện tại, tỷ lệ bình chọn đang là gần 60% cho Saola (Sao la) trong số 3 phương án mà nhóm dự án đưa ra. Saola là tên được chọn nhiều nhất vì nó là tên con vật có tính biểu tượng không chỉ với Việt Nam mà còn được coi là loài động vật cực hiếm và đang ở mức bị đe dọa nghiêm trọng trong sách đỏ. Nó thậm chí được chọn làm linh vật cho SEA Games 2021 (còn chuyện thiết kế đẹp hay xấu thì không phải lỗi của con vật đó).
Saola là tên thuần Việt, không có yếu tố Hán - Việt như các gợi ý khác của chính chúng tôi đưa ra (Giao Long và Bạch Mã) cũng như những gợi ý khác của nhiều đã tham gia. Nó không cần được dịch sang tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào khác. Trong các văn bản tiếng Anh, bạn sẽ thấy con vật này được viết là “saola” (viết liền, không có dấu cách). Do đó nó là một từ mang tính phổ quát cao.
Tên Saola dễ phát âm với bất cứ đặc điểm ngôn ngữ nào trên thế giới. Không cần có phiên âm quốc tế thì gần như cũng không mấy người phát âm quá sai khi nhìn thấy từ này lần đầu.
Từ năm 1995, khi hành tinh đầu tiên quay quanh một ngôi sao dạng Mặt trời được phát hiện - cho tới nay, đã có tất cả hơn 5.000 hành tinh như thế - những “ngoại hành tinh” - được xác nhận bởi các nhà thiên văn, và chắc chắn con số sẽ tăng lên rất nhanh.
Tìm kiếm và hiểu về các hành tinh bên ngoài hệ Mặt trời không chỉ để tìm một điểm đến cho tương lai xa của nhân loại mà còn là cách để chúng ta hiểu hơn về chính cách mà chúng ta đã ra đời, những gì sẽ đợi hành tinh của chúng ta trong tương lai và hiểu biết hơn về câu hỏi liệu chúng ta có cô đơn trong vũ trụ?
Tháng 12/2021, kính thiên văn không gian James Webb - chiếc kính thiên văn không gian lớn nhất, cũng là kính thiên văn hồng ngoại lớn nhất trong lịch sử - đã được phóng vào không gian.
Nửa năm sau, ở nơi cách Trái đất 1,5 triệu km, nó đã bắt đầu gửi về cho các nhà khoa học những hình ảnh đầu tiên với độ sắc nét chưa từng có về vũ trụ. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chiếc kính này chính là tìm kiếm và xác định đặc điểm của các ngoại hành tinh.
Nhân dịp này, hiệp hội IAU tổ chức cuộc thi đặt tên cho các ngoại hành tinh lần thứ ba, với mục tiêu là tìm ra những tên gọi phù hợp và tôn vinh giá trị ngôn ngữ, văn hóa đặc điểm tự nhiên của các quốc gia khác nhau trên thế giới cho 20 ngoại hành tinh đầu tiên mà Webb quan sát được.
Robot NASA chụp được "đại dương có sự sống" ở hành tinh khác