Đặt người dân là trung tâm của quá trình phục hồi, phát triển kinh tế
Các nước ASEAN cần đặt mục tiêu an toàn và sức khỏe của nhân dân lên hàng đầu, ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Nhằm đánh giá tiến trình phục hồi và triển vọng của các nền kinh tế trong khu vực sau đại dịch và trong bối cảnh biến động thế giới, Hội nghị Liên đoàn các Hội Kinh tế Đông Nam Á (FAEA) lần thứ 45 (FAEA-45) đã được diễn ra tại Hà Nội sáng 25/11 với chủ đề “Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế có những biến động lớn”.
Kinh tế toàn cầu trước nhiều biến động khó dự báo
Phát biểu khai mạc hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Từ đầu năm 2022, vừa thoát ra khỏi thời điểm khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 , nền kinh tế toàn cầu đã hứng chịu nhiều biến động mạnh và những cú sốc lớn, khó dự báo như xung đột Nga-Ukraine, lạm phát tăng vọt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất, gây sức ép rất lớn đối với việc ổn định tỷ giá và cán cân thanh toán của nhiều nền kinh tế đang phát triển”.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng chỉ ra rằng, các dự báo đều cho thấy, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn sẽ giảm mạnh và kinh tế thế giới sẽ rất khó khăn trong năm 2023 trong bối cảnh lạm phát và mặt bằng lãi suất cao, giá cả năng lượng trồi sụt, tổng cầu yếu và đơn hàng giảm sút, niềm tin của người tiêu dùng ở mức rất thấp và dư địa chính sách đang thu hẹp rất nhanh ở hầu hết các nước.
Những yếu tố trên đã tác động mạnh đến các nền kinh tế ASEAN vốn vẫn lệ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài. Chính vì vậy, phục hồi và phát triển kinh tế đã trở thành tâm điểm tại hội nghị các cấp của ASEAN và là chủ đề quan trọng của các cuộc trao đổi, thảo luận giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác liên tục trong những tháng qua
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, yêu cầu cấp bách về phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch đòi hỏi mỗi nước ASEAN vừa phải tự mình có quyết sách linh hoạt, vừa phải tăng cường gắn kết trong nội khối, vừa phải nỗ lực nâng cao vị thế, thúc đẩy hợp tác với bên ngoài.
Mỗi quốc gia cần xác định rõ động lực tăng trưởng riêng có của mình, sớm khắc phục các đứt gãy về cung ứng, lao động, thị trường, huy động các nguồn lực cho sự phát triển. Chính điều đó giúp ASEAN có được sự tự cường, thống nhất trong đa dạng, tiếp tục là điểm sáng của thế giới về ổn định và tăng trưởng kinh tế bao trùm, bền vững.
Các phương thức phục hồi và phát triển kinh tế
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh yêu cầu phát huy “Phương thức ASEAN” - một phương thức đồng thuận, đoàn kết, cùng nhau chia sẻ rất đặc biệt trong việc xử lý các vấn đề của khối - trong giải quyết vấn đề ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế.
Trong đó, các nước khu vực cần đặt người dân ở vị trí trung tâm của quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế; đặt mục tiêu bảo vệ an toàn và sức khỏe của nhân dân lên vị trí hàng đầu; ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động; thực hiện chính sách tăng trưởng bao trùm và bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, giải quyết các vấn đề kinh tế không thể tách rời các vấn đề ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ môi trường.
Liên đoàn FAEA và các hội thành viên cần thúc đẩy vai trò tiên phong trong việc truyền tải, lan toả những ý tưởng mới, thúc đẩy những chuyển đổi phát triển lớn trong khu vực và ở mỗi nước, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng cân bằng với môi trường và công bằng với mọi người…
Bên cạnh đó, cần phát huy trách nhiệm và trí tuệ của các nhà kinh tế học, chú trọng công tác phân tích, dự báo, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển mới, có tính đột phá sáng tạo với phương châm “tư duy toàn cầu, tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương, trách nhiệm của từng cá nhân và cộng đồng”.
Riêng về tình hình Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng nhận định nước ta hiện đang đứng trước những rủi ro và thách thức không nhỏ. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế đã phải trải qua nhiều trạng thái, với các ưu tiên liên tục được điều chỉnh, từ chỗ phục hồi đà tăng trưởng sau đại dịch trong những tháng đầu năm chuyển sang tập trung vào kiểm soát lạm phát từ thời điểm giữa năm, sau đó là ổn định tỷ giá và hiện nay là ưu tiên xử lý vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng .
Từ thực tiễn trên, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cần tiếp tục phát huy những nghiên cứu, đánh giá sâu sắc, khách quan về trạng thái của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng chậm hơn; xuất khẩu giảm tốc; tiêu dùng tăng chậm lại khi việc làm bị thu hẹp và thu nhập khó khăn hơn; từ đó, có những kiến nghị, đề xuất chính sách sát thực, hữu ích góp phần đưa nền kinh tế dịch chuyển suôn sẻ sang trạng thái cân bằng mới.
GS. Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết: Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam được thành lập gần 50 năm. Từ sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, Hội đã gia nhập Liên đoàn các Hội Khoa học Kinh tế ASEAN (FAEA). Từ thời điểm đó, Hội đã được giao chủ trì Hội nghị FAEA các năm 2002, 2008 và 2015. Những hội nghị trên là cơ hội để các nhà kinh tế trong khu vực cùng nhau trao đổi về các vấn đề hội nhập quốc tế hay về phát triển kinh tế bền vững. Năm 2022, các hội kinh tế thuộc FAEA đã đồng thuận chọn Việt Nam là nước chủ trì Hội nghị FAEA-45. Đây là vinh dự lớn cho Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và cũng là cơ hội để giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước và con người Việt Nam.