Đạt 30,25 điểm, nữ sinh dân tộc vẫn phải đi làm thuê để có tiền đi học

Chia sẻ Facebook
26/09/2022 18:32:29

Gia cảnh thuộc diện hộ nghèo trong xã, bố mẹ thì khuyên bỏ học để đi xuất khẩu lao động nhưng cô nữ sinh dân tộc Thổ vẫn không từ bỏ, một lòng giữ vững ý chí theo đuổi con chữ.

Sau một thời gian dài hồi hộp chờ đợi, điểm chuẩn đã được các trường đại học trên toàn quốc công bố. Đây là thời điểm các tân sinh viên bắt đầu nô nức chuẩn bị cho một khởi đầu mới đầy ắp những trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, bên cạnh bầu không khí hào hứng đó, vẫn còn không ít những trường hợp khó khăn dù điểm cao nhưng vẫn phải chật vật trong giấc mơ “con chữ” bởi vì hoàn cảnh gia đình.

Nỗi lo không có tiền của nữ sinh dân tộc Thổ đạt 30,25 điểm

Báo Công an Nhân dân chia sẻ, nữ sinh Trương Thị Hiền từng là học sinh lớp 12C2 của Trường Phổ thông Dân tộc Nội Trú THPT số 2 tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, trên là mẹ mắc bệnh nặng về tinh thần, dưới là 2 em thơ vẫn còn đang tuổi ăn tuổi học, gia đình lại chỉ làm nông nên Hiền luôn cố gắng học tập thật giỏi để mong rằng sau này có thể giúp bố gồng gánh nỗi lo kinh tế.

Có những thời điểm, vì điều kiện kinh tế của gia đình rơi vào cảnh kiệt quệ nên tưởng chừng Hiền đã phải nghỉ học. Nhưng may sao, nhờ chế độ nội trú dành cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số, Hiền đã có thể tiếp tục đi học, giảm thiểu được nỗi lo “cơm áo gạo tiền” của người cha khắc khổ đang phải chăm sóc mẹ già, vợ ốm đau và những đứa con thơ.

Giấc mơ được đến trường của nữ sinh dân tộc Thổ gặp nhiều khó khăn bởi hoàn cảnh gia đình. (Ảnh: Dân Trí)

Nuôi mộng lớn từ bé, dù cuộc sống đôi khi quá khắc nghiệt với một cô gái chỉ mới mười mấy tuổi nhưng Hiền chưa bao giờ chán nản hay than vãn, kể cả khi bố mẹ muốn em từ bỏ việc học ở dưới tỉnh. Thêm vào đó, Hiền cũng thể hiện rõ tính cách độc lập, mạnh mẽ trong từng suy nghĩ và hành động. Hiền học tốt hầu như ở tất cả các môn nhưng nổi trội hơn về khối xã hội. Cô bạn cũng rất năng nổ trong các hoạt động và phong trào của trường lớp. Sự yêu mến và ủng hộ của thầy cô cũng là một trong những nguyên nhân giúp Hiền đạt được thành tích cao chót vót trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2022.

Học không chỉ là giấc mơ mà còn là con đường duy nhất để giúp Hiền vượt qua được nghịch cảnh. Nhiều năm liền, Hiền luôn là học sinh giỏi của trường. Trong kỳ thi năm nay, cô bạn dân tộc Thổ đã đạt được 30,25 điểm ở tổ hợp khối C00, đã cộng cả điểm ưu tiên. Với kết quả vô cùng khả quan này, Hiền đã điền nguyện vọng vào nguyện vọng vào ngành Quan hệ công chúng - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nguyện vọng 2 là Sư phạm Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1.

Hiền đậu đại học với số điểm lần lượt là Ngữ văn 9,25 điểm, Lịch sử 9,5 điểm, Địa lý 8,75 điểm. (Ảnh: Dân Trí)

Biết mình có khả năng đậu đại học, trong thời gian đợi điểm, Hiền đã xin vào làm công nhân tại một nhà máy lắp linh kiện điện tử ở Bắc Ninh. Với Hiền, đây là cơ hội tốt để em có thể tự trang trải cuộc sống và cho bản thân cơ hội để trải nghiệm nhiều công việc. Nhưng từ ngày làm ở công ty, Hiền nhận ra rằng việc lựa chọn đi học là quyết định đúng đắn hơn bao giờ hết. Sau gần 1 tháng đi làm, Hiền đã phải quay về quê nhà Nghệ An do mẹ trở bệnh nặng.

Ngay khi có kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1 khoa Quan hệ công chúng, Hiền vui mừng khôn xiết nhưng rồi lại nhanh chóng lo lắng vì không biết xoay sở học phí ra sao. Bố mẹ thì cứ thủ thỉ rằng Hiền nên nghỉ học đi xuất khẩu lao động vì không đủ khả năng để lo cho Hiền khiến em rất buồn bã.

Trái quan điểm với bố, Hiền luôn nghĩ rằng được đi học là con đường duy nhất giúp cô bạn có thể vượt lên nghịch cảnh. (Ảnh: Dân Trí)

Hiền biết mỗi lần mẹ nhập viện là mỗi lần bố phải vay mượn khắp nơi, lại thêm lo cho 2 em đang học lớp 11 và lớp 8 nhưng cô bạn nghĩ rằng, chỉ có con đường học hành mới giúp hoàn cảnh của gia đình bớt khó khăn hơn. Chính vì vậy, Hiền vẫn quyết tâm một lòng được đi học và khẳng định sẽ tự kiếm tiền trang trải cuộc sống tại thủ đô. Nghe lời cầu xin của con gái nhỏ, bố Hiền không đồng tình cũng chẳng phản đối, ông chỉ thở dài với gánh nặng nhọc nhằn dần lớn trên vai.

Là giáo viên chủ nhiệm của Hiền suốt 3 năm cấp 3, lại biết gia cảnh của học trò nên cô Hồ Thị Hợi đã bày tỏ mong muốn được cho Hiền vay tiền, khi nào đi làm có tiền trả lại cô cũng được. Thế nhưng, Hiền đã từ chối và lễ phép cảm ơn cô vì biết cuộc sống gia đình cô cũng chưa dư dả được bao nhiêu.

Dù phía trước còn nhiều khó khăn, Hiền vẫn nở nụ cười vì đã đạt được ước nguyện của bản thân. (Ảnh: Dân Trí)

Ngày hôm nay 26/9, Hiền sẽ bắt đầu làm thủ tục nhập học tại trường. Trước mắt em cũng tiết kiệm được chút ít rồi vay người thân, tạm thời có thể chi trả được các chi phí đầu năm. Đợi khi nào ổn định về chỗ trọ rồi, Hiền sẽ đi làm thêm để tự trang trải cho cuộc sống.


Chênh vênh giấc mơ đi tìm con chữ

Cũng trong hoàn cảnh tương tự như Trương Thị Hiền, nhưng cô bạn Thân Thị Bình (ở thôn Đại Đồng, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) lại éo le hơn khi phải có nguy cơ không được đến trường dù đạt 27,25 điểm khối C00. Gia đình nữ sinh có 8 thành viên sống chủ yếu dựa vào 3 sào ruộng. Để có tiền lo cho 6 người con ăn học, bố mẹ Bình phải làm thêm nhiều nghề khác. Mặc dù hai vợ chồng quanh năm chắt bóp, tằn tiện vẫn chỉ đủ nuôi 6 người con ăn học.

Đạt 27,25 điểm khối C00 nhưng Bình lại không thể theo đuổi giấc mơ đèn sách đang dở dang do hoàn cảnh gia đình. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Mẹ của Bình buồn bã vì không thể giúp gì cho con gái. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Khó khăn này chưa qua tin dữ khác lại đến, 2 năm trước, cô Minh (mẹ của Bình) phát hiện bản thân mắc bệnh K tuyến giáp. Gia đình đã dốc toàn lực hơn 100 triệu đồng để phẫu thuật và mua thuốc điều trị. Một mình bố Bình phải gồng gánh nuôi cả gia đình nhưng cũng chẳng được bao lâu. Chính vì thế, hiện tại kinh tế gia đình đã rơi vào tình trạng kiệt quệ. Em chăm chỉ đi làm thêm để phụ kinh tế cho gia đình. Hiểu gia cảnh gia đình khó khăn, nếu không thể đi học tiếp, Bình sẽ đi làm công nhân để giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.

Bố của Bình còn lên rừng chặt củi khô, đem đốt thành than bán kiếm tiền. Còn mẹ em trước khi bị bệnh thường buôn ve chai. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Bình hy vọng rằng nếu kinh tế ổn định, em có thể trở thành cô giáo và giúp đỡ bố mẹ có cuộc sống tốt hơn. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Tuổi 18, cái tuổi mà bao nhiêu ước mơ và nhiệt huyết vẫy gọi thì những nữ sinh này lại gặp nhiều gian nan, vất vả vì điều kiện không cho phép. Thế nhưng, vượt qua nghịch cảnh, họ vẫn cố gắng vươn lên, nỗ lực học tập khiến ai cũng phải cảm phục. Bạn nghĩ sao về nghị lực của những nữ sinh này? Hãy chia sẻ bằng cách để lại bình luận ngay bên dưới nhé.


Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn tại YAN!

Dù sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nhưng những nữ sinh trên đều không phó mặc cho số phận, vượt qua nghịch cảnh để vừa chăm chỉ học tập vừa có thể phụ giúp bố mẹ. Giấc mơ đến với cánh cổng đại học khó khăn là vậy nhưng đây lại chính là con đường giúp các em thoát nghèo, mang đến cho bố mẹ cuộc sống tốt hơn. Mong rằng trước sự nỗ lực và kiên cường của các em, sẽ có thêm nhiều cánh tay vươn ra để đưa các em đến gần hơn với với ước mơ, mở rộng tương lai.

Chia sẻ Facebook