Đắp lá trộn muối chữa gout, nam bệnh nhân mất ngón chân

Chia sẻ Facebook
24/03/2023 14:55:13

Khi khớp sưng đau, anh M. nghe lời người quen đắp lá trộn với muối để chữa bệnh. Tuy nhiên lợi chưa thấy đâu hại đã đến.


Theo Vienamnet , nam bệnh nhân tên M. phát hiện bị gout và tiểu đường ở tuổi 33. Anh được các sĩ tư vấn anh cần hạn chế rượu bia cũng như điều chỉnh chế độ ăn nhiều rau, ít thịt đỏ, hải sản,… Tuy nhiên khi xuất viện về nhà, anh M. tuân thủ kiêng cữ vài tháng, bệnh ổn định. Nghĩ rằng cơn đau gout chỉ thoáng qua, thêm vào đó, yêu cầu công việc cần tiếp khách nhiều, anh M. quên dần chế độ ăn uống như lời dặn của bác sĩ.

Sau khoảng 2 năm, anh lại bị sưng đỏ bàn chân và đầu gối. Theo lời người quen, anh đâm nhuyễn lá trà tươi, pha muối và đắp lên vết sưng. Bốn ngày sau, chân anh đau nhức dữ dội, có dấu hiệu nhiễm trùng và phải vào Bệnh viện Thống Nhất (Tp.HCM) điều trị.

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định anh M. bị tái phát gout, biến chứng nặng, các khớp bị xốp, vết thương nhiễm trùng, phải tháo khớp 3 ngón chân bên phải, cắt lọc các mô hoại tử.

Được biết đây không phải trường hợp hiếm gặp bị biến chứng nặng do tự điều trị gout. Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thị Kim Chi, Khoa Nội Cơ xương khớp, Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ, một bệnh nhân nam 28 tuổi khác cũng nhập viện trong tâm trạng hoảng loạn vì gout mạn tính, nhiễm trùng, hội chứng Cushing… Gần một tháng sau, anh phải cắt lọc mô hoại tử.

Theo người nhà, ban đầu bệnh nhân uống thuốc Tây nhưng cơ thể bị nóng và đau nhiều nên chuyển sang uống thuốc của một thầy lang. Hiệu quả giảm đau rất nhanh, ăn ngủ được nên anh theo thầy lang suốt thời gian dài. Tuy nhiên, khi nhập viện, tình trạng bệnh của anh đã rất nặng.

Bác sĩ Chi cho hay trước đây, bệnh gout thường gặp ở nam giới tuổi trung niên. Hiện nay, nhiều bệnh nhân mắc gout chỉ 30-40 tuổi. Bệnh viện Thống Nhất cũng thường xuyên tiếp nhận người trẻ bị gout nặng, nhiều biến chứng.

Vị chuyên gia này đánh giá nhiều nguyên nhân gây ra bệnh gout. Trong đó, lý do chủ yếu là rối loạn chuyển hóa nhân purin làm tăng axit uric trong máu, gây lắng đọng các tinh thể urate ở các khớp. Bên cạnh đó, chế độ ăn nhiều nội tạng, hải sản, thịt đỏ, bia rượu,… cũng khiến tình trạng nặng nề hơn, nhất là ở người trẻ.

Bệnh nhân mắc gout được chăm sóc tại viện. Ảnh: Vietnamnet.


Trước đó, trao đổi với VTV PGS.TS Nguyễn Đình Khoa cho hay, gout là một bệnh do rối loạn chuyển hóa chất purine trong cơ thể,dẫn đến lắng đọng các tinh thể muối urate ở khớp và một số cơ quan khác, gây ra những đợt sưng đau khớp tái diễn. Những cơn viêm khớp gout ban đầu hay gặp ở ngón chân cái, cổ chân, hay khớp gối thường rất khủng khiếp, gây đau đớn chẳng khác nào bị dao đâm chọc vào khớp và nhiều khi đến thật bất ngờ, thậm chí ngay trong hoặc sau một bữa tiệc thịnh soạn hay đang trong một giấc ngủ ngon về ban đêm. Nếu không được chữa trị một cách hợp lý, những cơn viêm khớp này có xu hướng tái đi, tái lại và thường sẽ tiến triển đến viêm đa khớp mạn tính, nổi các nốt cục (được gọi là tophi) ở nhiều nơi và có thể gây sỏi thận, suy thận và những biến chứng khác. Mặc dù bệnh hay gặp nhất ở nam giới, tuổi trung niên trở lên; song nam giới trẻ tuổi và phụ nữ (thường ở độ tuổi sau mãn kinh) cũng có thể bị bệnh.

Một khi được chẩn đoán bệnh gout, người bệnh cần có chế độ điều trị hợp lý, kết hợp giữa việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và sử dụng một số thuốc đặc trị bệnh gout một cách thường xuyên và lâu dài, ngay cả khi không có triệu chứng gì. Việc điều trị bệnh gout sẽ bao gồm hai vấn đề chính là khống chế và dự phòng các đợt viêm khớp (bằng các thuốc kháng viêm) và hạ thấp nồng độ axit uric trong máu (thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống và sử dụng các thuốc hạ axit uric máu). Các biện pháp điều trị cụ thể sẽ do bác sĩ chỉ định tùy vào giai đoạn và tình trạng cũng như cơ địa của người bệnh.

Để phòng ngừa các cơn viêm khớp gout tái phát, người bị bệnh gout hoặc có nguy cơ bị bệnh gout cần tiếp tục duy trì các thuốc điều trị đã được bác sĩ kê toa. Việc ngưng thuốc đột ngột, dù vào bất cứ thời điểm nào đều có nguy cơ làm cho bệnh bùng phát.

Người bị bệnh gout cũng cần nhớ phải duy trì việc uống đầy đủ nước hàng ngày; tăng cường ăn rau xanh và các loại trái cây tươi, đặc biệt là các loại rau quả giàu vitamin C và có thể uống sữa, ăn sữa chua bình thường; đồng thời tiếp tục duy trì kiểm soát bữa ăn của mình một cách hợp lý để không bị tăng cân, thừa cân.

Để cho khớp viêm được nghỉ ngơi bằng cách nằm nghỉ tại giường, hạn chế tối đa cử động khớp, tránh đi lại tỳ đè lên khớp đau; tháo bỏ giầy dép, mặc quần áo rộng để tránh quần áo cọ xát vào khớp đau.

Khi nằm, nên kê cao khớp viêm cao hơn một chút so với mặt giường, ví dụ như kê chân đau lên trên một cái gối.

Chườm lạnh: Dùng đá lạnh đã được bọc trong khăn vải chườm nhẹ hoặc đắp lên quanh khớp bị sưng đau khoảng 20-30 phút mỗi lần, vài lần mỗi ngày khi khớp vẫn còn đang sưng đau tấy đỏ nhiều.

Uống nhiều nước, kiêng tuyệt đối rượu bia và tuân thủ chế độ ăn uống như đã trình bày ở trên.

Khi cơn viêm khớp ổn, tiếp tục duy trì việc điều trị bệnh gout theo chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook