Đạo trị quốc: Vong quốc bắt đầu từ việc không tín Thần

Chia sẻ Facebook
15/08/2023 21:48:03

Cổ nhân cho rằng một vương triều sắp diệt vong, xưa nay đều bắt đầu từ việc không tín Thần.


Tương truyền rằng vua Đại Vũ trị thủy, rồi khai sáng ra triều nhà Hạ, là đều có sự trợ giúp của Thiên thượng. Nhưng “Thành-Trụ-Hoại-Diệt” là quy luật của vũ trụ, nên một triều đại cũng là như thế. Tới những năm cuối của triều Hạ, hết thảy đều bước đến con đường bại vong.

Tranh: “Đế vương đạo thống vạn niên đồ” do Cừu Anh, thời nhà Minh vẽ. (Tranh: Public Domain)

Người đầu tiên nhận được thiên tượng về việc triều đại nhà Hạ sắp diệt vong là vị vua Hạ tên Khổng Giáp. Khi Khổng Giáp đi săn tại núi Phụ Sơn, Đông Dương, thì trời đột nhiên tối sầm lại, gió lớn gào thét, Khổng Giáp mất phương hướng. Trong cơn hoảng loạn, ông đã đến nhà một người nông dân. Gia đình này vừa mới sinh con.

Có người nói rằng, ngày mà đứa trẻ sinh ra, có bậc quân vương đến, sau này đứa trẻ chắc chắn là người có phúc. Nhưng cũng có người nói rằng, trời giáng dị tượng, không phải là điềm báo cát tường, sau này nhất định sẽ gặp tai họa.


Bởi vì không tín Thần, cảm thấy bản thân có thể “che Trời” , nên Khổng Giáp yêu cầu để đứa trẻ này làm con trai của ông, thử xem sau này ai còn dám hãm hại nó.

Có được sự bảo hộ của Khổng Giáp, quả thực đứa trẻ đã bình an trưởng thành. Nhưng một lần nọ dầm nhà bị gãy rơi xuống, đập trúng vào cậu ta, khiến chân bị chặt phẳng lì. Thế là cậu ta đành phải đi làm người gác cổng.

Sự việc này cho thấy Khổng Giáp không hề tín Thần, sợ Trời.

Vào thời Khổng Giáp trị vì, một ngày nọ, trên trời rớt xuống hai con rồng, một con trống, một con mái. Rồng vốn là linh vật trên thiên thượng, rớt xuống chốn phàm trần thì rõ ràng là điềm báo không may mắn. Nhưng Khổng Giáp cũng không nghĩ tới việc này, ngược lại còn chiêu mộ nhân tài thuần phục rồng.

Rồng vốn là sinh vật có linh tính nơi Thiên giới, sao có thể bị con người thuần hóa? Vài ngày sau thì rồng chết mất một con. Người nuôi rồng sợ bị Khổng Giáp trách tội, bèn hầm rồng lên, âm thầm làm thành món ăn dâng lên Khổng Giáp. Khổng Giáp ăn xong, lại cử người tìm người nuôi rồng đòi thêm. Người nuôi rồng sợ hãi, vội trốn đi.

Khổng Giáp dâm loạn, đức độ ngày càng suy bại, dẫn đến sự phản nghịch của các chư hầu, vương triều nhà Hạ cũng dần đi đến bại vong. Sau khi Khổng Giáp chết, 2 đời vua nối tiếp thì đến vua Kiệt, vị vua cuối cùng.

Những năm cuối trước thời vua Hạ Kiệt, núi Thái Sơn đã xảy ra một trận động đất lớn. Việc này cũng được ghi chép trong chính sử. Đây là trận động đất lớn nhất tại Trung Hoa cổ đại lúc đó. Sau trận động đất này thì vua Kiệt kế vị.


Trong “Chu Dịch, Hệ Từ Thượng” nói: “Thiên địa biến hóa, thánh nhân phỏng theo; Trời giáng thiên tượng, thấy cát hung, thánh nhân cũng giống như vậy.” Phượng Hoàng bay lượn, Rồng xuất thế, Trời giáng mưa ngọt, đây đều là điềm lành của Trời. Nạn châu chấu, nhật thực, mưa thiên thạch, động đất lại là điềm hung. Bậc quân vương cần lập tức nhìn lại bản thân, nếu không sau này ắt sẽ có tai họa lớn hơn ập xuống.

Có lẽ Thiên thượng từ bi, nhắc nhở vua Kiệt vừa kế vị rằng, nếu kịp thời tu chính bản thân, sẽ có cơ hội thoát khỏi số phận của một vị vua mạt thế. Nhưng nếu không thanh tỉnh, sẽ dẫn vương triều nhà Hạ bước tới con đường diệt vong. Đây chính là vận mệnh của vua Kiệt vậy.


Vua Hạ Kiệt tại vị 30 năm. Trong “Trúc Thư Kỉ Niên” chép rằng: “Trong 10 năm vua Quý (tên của vua Kiệt) lên ngôi, ngũ tinh xoay ngược, trong đêm có mưa thiên thể, động đất, ắt sẽ diệt vong.”

Đây là thiên tượng Trời giáng, một lần nữa cảnh báo vua Kiệt. Nhưng ông lại điên cuồng trượt dài trên con đường hủy diệt nhà Hạ, không thể kìm hãm.


Hạ Kiệt “vứt bỏ lễ nghi, dâm loạn với phụ nữ” . Ông ta cho xây bể rượu lớn đến mức có thể chèo thuyền, đêm ngày thiết tiệc rượu vui đùa cùng phi tử và cung nữ. Đồng thời còn tụ hợp 3.000 người uống rượu, để những người này uống trong bể rượu, đến say mèn mà chết chìm.


Đại phu Quan Long Phùng , tay nâng “Hoàng Đồ” đến gặp vua Kiệt. “Hoàng Đồ” là bức tranh nói về công trạng của các bậc đế thời cổ đại, lưu lại cho các hoàng đế đời sau xem, nhằm mô phỏng cách các vị đế vương tiên hiền trị vì thiên hạ. Bức “Hoàng Đồ” mà Quan Long Phùng dâng lên là bức tranh vẽ cảnh Đại Vũ trị thủy. Ông muốn vua Kiệt noi gương tiên đế, tiết kiệm thương dân như vua Đại Vũ, khiến quốc gia được trường cửu. Nếu vẫn phóng túng vô độ, tùy tiện giết người như hiện nay, thì ngày vong quốc chẳng còn xa. Vua Kiệt không chỉ không nghe theo lời trung ngôn này, ngược lại còn giết hại Quan Long Phùng, và cảnh báo các triều thần rằng: “Sau này ai còn dám can gián như Quan Long Phùng, nhất loạt đều bị chém đầu”. Thế là hiền thần mất dấu, những lời can gián biến mất, vua Kiệt lại càng thêm kiêu ngạo, hống hách.


Trong “Đế Vương Thế Hệ” có ghi lại như sau:


Y Doãn nâng ly hướng đến vua Kiệt, can gián rằng, bậc quân vương không nghe lời quần thần, thì ngày vong quốc chẳng còn xa. Vua Hạ Kiệt nghe xong, không hề để tâm, bật cười mà rằng: “Ngươi lại nói những lời yêu ma mê hoặc dân chúng. Trên trời có mặt trời, như ta có con dân, mặt trời mất ta mới vong.”


Không ngờ các thần dân nhà Hạ lại chỉ lên mặt trời mắng nhiếc vua Hạ Kiệt rằng: “Khi nào ngài diệt vong, ta nguyện cùng diệt vong với ngài.”


Giữa tháng 10 mùa Đông buốt giá, vua Kiệt nô dịch bách tính đục đồi để khơi thông dòng chảy. Các quan đại phu, những người cao tuổi dâng tấu can gián rằng: “Làm hao tổn thiên khí, khai quật những vật cất giấu dưới lòng đất, thiên tử thất đạo, sau ắt bại vong.” Những người can gián này đều bị xử chết.


Các chư hầu không thể nhẫn chịu nền bạo chính hoang dâm của vua Hạ Kiệt, từ đó không phục tùng vương triều nhà Hạ. Đợi đến năm thứ 30 khi Hạ Kiệt trị vì thì “sửng sốt vì núi lở thành đầm, nước sâu 9 thước, núi thành khe sâu, trên dưới đảo lộn.” Đàn tế Thần quan trọng nhất của nhà Hạ cũng bị rung chuyển, nứt gãy và đổ sập, khí hậu lại càng loạn. “Nhật nguyệt thất thường, nóng lạnh bất chợt, ngũ cốc khô cháy, ma quỷ gào thét, hạc kêu suốt 10 ngày đêm.”

Sau những dị tượng này, thời khắc chuyển giao thiên mệnh đã tới. 31 năm vua Hạ Kiệt cai quản kết thúc, quân Hạ bại trận, vua Kiệt bị lưu đày, nhà Hạ diệt vong.

Nếu người cầm quyền lấy nhân nghĩa trị quốc, biết tín Thần, kính sợ Trời mà ước thúc bản thân, tu tâm dưỡng tính, ắt thiên hạ sẽ thái bình, giang sơn vững chắc. Ngược lại, triều đại diệt vong chỉ là chuyện sớm muộn.


Theo Sound Of Hope
Văn Tư Mẫn biên tập

Thiên tượng triều đại diệt vong: Nhật thực, động đất, lũ lụt, ôn dịch, châu chấu


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook