Đạo trị quốc của người xưa: Lấy đức làm gốc, pháp luật là bổ trợ

Chia sẻ Facebook
08/02/2023 09:38:13

Tư tưởng trị quốc lấy đức làm gốc và bổ trợ bằng pháp luật này đã được miêu tả trong chương “Luận công bình” của cuốn sách "Trinh Quán...


Chúng ta ngày nay thường cho rằng xã hội pháp quyền là xã hội lý tưởng hoàn thiện nhất, nhưng kỳ thực pháp quyền mà mất đi cốt lõi nền tảng đạo đức thì sẽ đi đến cùng đường mạt lộ. Hiện tại quy định pháp luật trong xã hội càng ngày càng nhiều nhưng nhân tâm lại đang càng ngày càng bại hoại, những hiện tượng hỗn loạn trong xã hội xuất hiện không ngừng, cho thấy mặt hạn chế của pháp luật, chỉ trị được ngọn mà không trị được gốc. Pháp luật chỉ có thể làm phương tiện phụ trợ cho việc giáo hóa đạo đức. Tư tưởng trị quốc lấy đức làm gốc và bổ trợ bằng pháp luật này đã được miêu tả rõ ràng trong chương “Luận công bình” của cuốn sách “Trinh Quán chính yếu”, cho thấy kiến thức anh minh sáng suốt của các Quân vương thần tử cổ đại. Mà những kiến thức này là được vun bồi từ nền giáo dục truyền thống lấy đạo đức làm trung tâm.

(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)


Trong “Luận công bình” đã ghi chép về việc Ngụy Trưng viết một bản tấu chương lên Đường Thái Tông, trong đó có phân tích quan hệ giữa pháp luật và đạo đức:

Thần nghe nói, về sự cao thượng và sâu dày của đạo đức, không người nào có thể vượt qua Hoàng Đế và Nghiêu Đế, về sự vĩ đại của lòng nhân nghĩa, không người nào có thể so được với Thuấn Đế và Đại Vũ. Nếu muốn kế thừa phong phạm của Hoàng Đế và Đường Nghiêu, đi theo bước chân của Ngu Thuấn và Đại Vũ, thì chỉ có thúc đẩy đạo đức nhân nghĩa, cử hiền tài mà bổ nhiệm, nghe thiện ngôn mà trị lý đất nước.


Nếu như không thể tuyển chọn người hiền tài có đạo đức cao thượng, mà đem chính quyền ủy thác cho người thế tục không có kiến thức, thì bởi vì họ không có tầm nhìn và trí tuệ, sẽ khiến quốc gia mất đi nền tảng gốc rễ. Họ chỉ có thể thực thi pháp luật hà khắc để nhanh chóng khống chế bách tính và thiên hạ, như vậy sẽ không thể đạt được “vô vi nhi trị” như các vị tiên cổ thánh vương thời xưa.


Cho nên quân chủ thánh minh trị lý thiên hạ sẽ lấy việc sửa đổi phong tục xấu làm gốc, mà không dựa vào hình phạt nghiêm khắc, chính là thực thi hai chữ “nhân nghĩa” , không có “Nhân” thì không thể triển khai rộng rãi toàn thiên hạ, không có “Nghĩa” thì không thể tự ngay chính bản thân, dùng Nhân để thi ân khắp thiên hạ, dùng Nghĩa để ngay chính bản thân, như vậy các việc chính sự của quốc gia có thể không cần dùng pháp luật nghiêm khắc mà vẫn có thể đạt được thái bình, giáo hóa có thể không cần quá nghiêm khắc mà vẫn có thành tựu. Cho nên mới nói Nhân Nghĩa là căn bản của việc trị quốc, còn hình phạt chỉ là phương pháp phụ trợ trong việc trị quốc.

Trong việc trị quốc có thể dùng hình phạt, giống như việc điều khiển xe ngựa là không thể tránh khỏi phải dùng roi để điều khiển nó đi đúng hướng. Nếu người dân đều minh tỏ thiện ác, từ đó tự giác đi trên con đường đúng đắn, như thế hình phạt là không còn chỗ đứng trong xã hội nữa. Nếu ngựa có thể tự giác băng băng chạy đúng đường, như vậy roi vọt cũng không còn cần nữa. Từ đó có thể thấy rằng, hình phạt không thể khiến cho quốc gia đạt được thái bình từ gốc, đạo lý này là rất minh hiển.

Ngụy Trưng không hổ là bậc đại Nho thông thái cao minh, ông hiểu được trách nhiệm trọng đại của người trí thức chính là lãnh đạo quốc gia, quy chính nhân tâm. Phương pháp dẫn dắt đất nước căn bản nhất chính là lấy đạo đức giáo hóa bách tính, để người dân hiểu được thế nào là đúng sai thiện ác. Nếu lòng người thiện lương tự nhiên sẽ không đi làm việc xấu nữa, quốc gia tự nhiên thái bình, hình phạt bất quá chỉ có thể cưỡng chế quy chính hành vi, nhưng không thể quy chính nhân tâm, vào lúc không ai thấy họ vẫn đi hành ác. Cho nên hình phạt không thể giải quyết tận gốc vấn đề.


Người xưa cho rằng người làm Đế Vương cũng như là cha của thiên hạ, mà bách tính là con dân. Trong Tam Tự Kinh có câu “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá” (nuôi mà không dạy, là lỗi của cha), vô luận là một gia đình nhỏ hay một quốc gia lớn thì vẫn là cùng một đạo lý, trách nhiệm giáo dục con cái là trách nhiệm được đặt lên hàng đầu của người làm vua và người làm cha. Người xưa coi việc giáo dục đạo đức, giáo dục nhân phẩm cho con cái quan trọng hơn sự thỏa mãn về vật chất. Do vậy những nho sinh, sỹ phu chân chính, đều phải hiểu được làm sao để trị quốc, làm thế nào để hướng dẫn các Hoàng đế đời sau noi theo những tấm gương của các Hoàng đế cổ đại như Nghiêu và Thuấn, khuyên răn họ noi theo đạo Nhân Nghĩa của Khổng Tử. Bởi vì nền tảng giáo dục của Khổng Tử chính là đang kế thừa và tuyên dương tinh hoa văn hóa trị quốc mà các Thánh vương thời cổ đại lưu lại, những văn hóa này đều lấy đạo đức làm trung tâm. Nếu rời khỏi những kiến thức này thì sẽ hình thành pháp luật bất công bất nghĩa (ác pháp) để duy hộ tư dục cá nhân. Mặc dù nhất thời việc lấy ác trị ác này có hiệu quả, nhưng sau đó sẽ trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Càng tệ hơn thì hình phạt sẽ càng ngày càng nghiêm khắc, và cuối cùng sẽ đi đến điểm kết.


Ngụy Trưng khuyên Thái Tông trị quốc thì không nên dùng pháp luật mà rời bỏ đức, không nên chọn quan mà không xét đến đức. Lấy đức làm gốc, pháp luật là ngọn để giáo hóa dân tâm, khiến cho bách tính hiểu được thiện ác để làm người, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ lớn nhất của Hoàng Đế. Nhưng quản lý một quốc gia là việc quá lớn, đế vương cần phải biết cách nhìn nhận con người và dùng người, từ đó tuyển chọn người có đức có tài để trợ giúp giáo hóa bách tính, cùng nhau thay đổi phong tục, hoàn thành việc tốt lớn nhất này, như vậy chính là cách quản lý thành công nhất, “vô vi nhi trị” cao minh nhất, cũng chính là đi trên con đường Thánh hiền trị quốc của các đế vương thời cổ đại. Đây là Vương đạo lấy đức trị quốc thực sự.

Nếu như tuyển dụng người phàm tục không có đức làm quan, tầm nhìn tất nhiên sẽ nông cạn, họ sẽ chỉ tập trung vào cái lợi trước mắt, không nghĩ sâu xa, như thế càng trị quốc thì vấn đề xuất hiện càng nhiều. Không để ý gì đến đại cục, ác pháp sinh sôi, hậu quả không thể tưởng tượng. Cho nên Ngụy Trưng khuyên Thái Tông làm theo các vị Thánh Vương, cần biết bản thân mang trách nhiệm làm Đế Vương thì phải nắm chắc hai chữ Nhân Nghĩa, dùng Nhân ban ơn huệ, cảm hóa bách tính, lấy Nghĩa để chính bản thân, trở thành tấm gương, trên làm dưới noi theo. Làm được như vậy tự nhiên sẽ quy chính nhân tâm.


Ở một tấu chương khác, Ngụy Trưng gọi việc trị quốc lấy đạo đức giáo hóa làm gốc này là “đồng đức” , gọi sự quản lý của bọn gian thần vô đạo là “kết đảng” . Đây cũng chính là cốt cách thực sự của người trí thức thời cổ đại: minh bạch được rằng sứ mệnh lớn nhất của người đọc sách chính là phải trở thành người quân tử nhân nghĩa, giúp đỡ đất nước truyền bá rộng rãi đạo nhân nghĩa, quy chính đạo đức xã hội trở nên cao thượng. Đây là nhiệm vụ trọng yếu của bậc quân vương và thần tử, cũng chính là mục đích căn bản của giáo dục thời xưa.


Theo “Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu”: Ngụy Trưng luận đạo trị quốc – Lấy đức làm gốc, pháp luật là bổ trợ”
Đăng trên Chanhkien.org
Tác giả: Lưu Như

Đạo trị quốc của cổ nhân: Hoàng Đạo, Đế Đạo, Vương Đạo và Bá Đạo


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook