Đạo trị quốc của cổ nhân: Tu nội mà an ngoại
Trong việc trị quốc hay thực hiện một sách lược, để đạt được thành tựu, bậc cao nhân hay minh quân thời xưa đều tuân thủ nguyên tắc “tu nội mà an ngoại”, khiến lòng dân cùng hướng về. Một đất nước mà từ quan tướng đến thứ dân đều tôn sùng đạo đức, học theo quân chủ, thì tự nhiên thiên hạ sẽ thái bình an ổn, kẻ địch cũng không dám dòm ngó.
Một trong những bậc minh quân hiểu thấu đạo lý “tu nội mà an ngoại” và làm tốt được đạo lý ấy là Ngụy Văn Hầu, quân vương khai quốc của nước Ngụy, một trong bảy nước lớn chủ đạo thời Chiến Quốc.
“Sử Ký” của Tư Mã Thiên viết rằng, Ngụy Văn Hầu là vị quân chủ cung kính lễ ngộ người hiền năng, coi người nhân đức là báu vật, nhờ vậy mà vua tôi đồng lòng. Dưới thời Ngụy Văn Hầu, nhân đức đã trở thành phong thái quốc gia, khiến người trong thiên hạ đều ca tụng, cũng khiến nước Tần hùng mạnh không dám xâm phạm. Việc này chính là “không đánh mà khuất phục người”, “người nhân đức thì không có kẻ thù”.
Thời Chiến Quốc, Đoàn Can Mộc là người nước Tấn. Thuở nhỏ gia đình ông rất nghèo khó, địa vị thấp kém nên chí hướng của ông khó thực hiện được. Ông du học ở Tây Hà, bái sư Tử Cống, một học trò của Khổng Tử. Sau này ông trở thành một người có học vấn uyên bác.
Những nhân sỹ hiền năng cùng với Đoàn Can Mộc ngụ cư ở nước Ngụy như Điền Tử Phương, Lý Khắc, Trạch Hoàng, Ngô Khởi… đều được Ngụy Văn Hầu trọng dụng, đều làm quan to. Duy chỉ có Đoàn Can Mộc vẫn kiên trì chí hướng của mình, không muốn làm quan. Ngụy Văn Hầu muốn yết kiến ông, ông bèn nhảy qua tường đi, không gặp Ngụy Văn Hầu.
Một hôm Ngụy Văn Hầu đi ra ngoài cung, đi qua ngõ mà Đoàn Can Mộc cư trú. Ngụy Văn Hầu hai tay nâng thanh gỗ ngang phía trước xe biểu thị lòng kính trọng đối với Đoàn Can Mộc. Người đánh xe của Ngụy Văn Hầu không hiểu được hành động này bèn hỏi: “Quốc quân, sao ngài lại nâng đòn ngang xe bày tỏ cung kính như vậy?”
Ngụy Văn Hầu nói: “Đoàn Can Mộc là một bậc hiền năng, trước quyền thế ông cũng không thay đổi tiết tháo của mình, có Đạo của người quân tử. Ông ấy ẩn cư ở trong ngõ nhỏ nghèo khó này, nhưng thanh danh lại vang xa ngoài ngàn dặm. Ta đi qua nơi ở của ông ấy, sao có thể không bày tỏ cung kính với ông ấy được? Ông ấy có được vinh dự vì đức hạnh, còn ta có được vinh dự vì chiếm lĩnh đất đai. Ông ấy có nhân nghĩa, ta chỉ có của cải. Đất đai không thể sánh với đức hạnh được, của cải không thể sánh với nhân nghĩa được. Đây chính là người mà ta nên tôn kính, học tập.”
Người đánh xe nói: “Nếu đã như vậy thì sao ngài không mời ông ấy ra làm tướng quốc?”
Thế là Ngụy Văn Hầu liền mời Đoàn Can Mộc làm tướng quốc, nhưng Đoàn Can Mộc khéo léo tạ từ. Văn Hầu cũng không miễn cưỡng, sau này ông vẫn thường xuyên đến thăm Đoàn Can Mộc. Trong khi đàm đạo với Đoàn Can Mộc, Văn Hầu đều cung kính đứng ở một bên, mệt mỏi vẫn không dám ngồi xuống nghỉ. Đoàn Can Mộc rất cảm động.
Hai người cuối cùng trở thành người bạn tâm giao. Ngụy Văn Hầu thường xuyên thỉnh giáo Đoàn Can Mộc. Thấy Đoàn Can mộc cuộc sống khó khăn, Văn Hầu tặng ông một số tiền và vải nhưng Đoàn Can Mộc lần nào cũng đều kiên quyết từ chối.
Người nước Ngụy nghe nói quốc quân của mình tôn kính, dùng lễ mà đãi ngộ người hiền tài đức độ như thế thì hết thảy đều rất vui mừng. Dân chúng khắp thiên hạ cùng nhau ca tụng rằng: “Quốc quân của chúng ta yêu quý người chính trực, đối với Đoàn Can Mộc, lễ ngộ rất cung kính. Quốc quân của chúng ta yêu mến người trung tín, đối với Đoàn Can Mộc, lễ tiết rất long trọng”.
Sau đó không lâu, nước Tần muốn đem quân tấn công nước Ngụy, nhưng quan tư mã Đường Thư can gián với quốc quân nước Tần rằng: “Đoàn Can Mộc là bậc hiền năng, nước Ngụy cung kính lễ ngộ với ông ấy, thiên hạ không ai không biết. Một quốc gia như thế này e rằng không thể dùng quân đội mà chinh phục được đâu.”
Quốc quân nước Tần thấy lời can gián rất có lý, thế là án binh bất động, không dám thực hiện ý định của mình nữa. Câu chuyện lịch sử này là bài học vô cùng quý giá đối với việc trị quốc không chỉ thời xưa mà cả thời nay.
An Hòa biên tập
Đạo trị quốc: Xem được mất của người như được mất của mình
Mời xem video :