Đạo trị quốc của cổ nhân: Đại trí nhược ngu, khiêm tốn cầu hiền

Chia sẻ Facebook
12/09/2022 01:39:01

Đối với bậc quân vương mà nói, “Đại trí nhược ngu” được biểu hiện ở sự tôn kính, nể trọng, hạ mình đối với người khác. Trong lịch sử thật...


Thành ngữ cổ có câu: “Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp”, kẻ tài trí giả như ngu dốt, kẻ dũng mãnh giả như khiếp sợ. Lão Tử cũng giảng: “Đại âm vô thanh, đại tượng vô hình”, tiếng lớn ầm ầm như không có tiếng, hình lớn hiện ra như không có hình. Những lời này đều có ý nói rằng người có tài trí cao nhưng luôn khiêm tốn, không để lộ tài năng, vẻ ngoài biểu hiện ra giống như một người bình thường hay ngu dốt, nhưng thực ra lại là người có trí tuệ phi phàm. Đối với bậc quân vương mà nói, “Đại trí nhược ngu” được biểu hiện ở sự tôn kính, nể trọng, hạ mình đối với người khác. Trong lịch sử thật sự có nhiều bậc quân vương hay các vị quan đại thần nhờ dựa vào “nhược ngu, nhược khiếp” mà thành tựu được sự nghiệp to lớn.

(Tranh: Lưu Tùng Niên, thời Tống, Public Domain)


Thời Chiến Quốc, vua nước Yên hỏi lão thần Quách Ngỗi: “Thỉnh ngài chỉ giáo cách làm thế nào mới khiến quốc gia cường thịnh?”


Quách Ngỗi đáp: “Thời Tam Hoàng Ngũ Đế đối đãi với đại thần giống như đối đãi với bậc thầy. Quân Vương có đức kết giao với thần tử giống như những người bạn. Minh chủ hùng mạnh đối đãi với đại thần tôn kính như đối với khách. Chỉ có Quân Vương mất nước mới đối đãi với thần tử giống như người tù tội. Xin Đại Vương tùy ý lựa chọn cách làm.”


Yên Vương nghe xong đáp: “Ta nguyện ý học tập, nhưng lại không có người thầy tốt chỉ dạy.”


Quách Ngỗi nói: “Nếu Đại Vương thực sự có chí nguyện mong muốn quốc gia giàu mạnh, thần nguyện ý làm người dẫn đường cho Đại Vương đọc sách trong thiên hạ.”

Thế là Yên Vương lập tức xây dựng cung thất cho Quách Ngỗi, đồng thời còn bái ông ta làm thầy. Chưa đầy ba năm sau đó, người ở các nước nghe việc Yên Vương thực lòng muốn cầu hiền tài, tôn kính hiền tài nên đã ùn ùn kéo đến yết kiến. Trong đó có Tô Đại nước Tề, Nhạc Nghị từ nước Triệu, Khuất Cảnh từ nước Sở đến cống hiến. Yên Vương uỷ thác việc nước cho những người ấy, tạo nên một giai đoạn cường thịnh cho nước Yên.

Vua Vũ vì để cầu hiền tài đã đi khắp nơi, không một phút buông lỏng, bê trễ, vất vả gian nan đến mức thân thể tiều tụy mà cuối cùng mới tìm được các vị hiền tài Cao Dao, Bá Ích, Trực Thành, Hoàng Cách trợ giúp mình. Người đời sau ngưỡng mộ công tích và đức độ của Đại Vũ, đã tôn thờ ông là một trong Nhị Đế Tam Vương. Trong Đạo giáo, ông được tôn là Thủy Quan Đại Đế.

Chu Văn Vương gặp Khương Tử Nha câu cá ở sông Vị Thủy mà mang về bái làm thái sư. Chu Vũ Vương lên kế vị đã tôn Khương Tử Nha làm Thượng phụ. Trong 11 năm Chu Vũ Vương dấy binh phạt Trụ, Khương Tử Nha là vị tướng, vị quân sư trụ cột nhất, là công thần khai quốc đệ nhất của nhà Chu.


Ngụy Văn Hầu là một trong Thất Hùng thời Chiến Quốc, là quân vương khai quốc của nước Ngụy. Để cầu người hiền tài là Đoàn Can mộc, ông đã vô cùng thành tâm. Thậm chí khi đi qua ngõ mà Đoàn Can Mộc cư trú, Ngụy Văn Hầu hai tay nâng thanh gỗ ngang phía trước xe để biểu thị lòng kính trọng đối với Đoàn Can Mộc. Khi Đoàn Can Mộc từ chối làm tướng quốc, Ngụy Văn Hầu cũng không miễn cưỡng, sau này thường xuyên đến thăm, khi đàm đạo thì đứng ở một bên, mệt mỏi vẫn không dám ngồi xuống nghỉ. Sau này khi nước Tần hùng mạnh muốn tấn công nước Ngụy, quan tư mã Đường Thư can gián với quốc quân nước Tần rằng: “Đoàn Can Mộc là bậc hiền năng, nước Ngụy cung kính lễ ngộ với ông ấy, thiên hạ không ai không biết. Một quốc gia như thế này e rằng không thể dùng quân đội mà chinh phục được đâu.” Vậy là nước Tần lại thôi.

Thời Tam Quốc, trên phương diện trị quốc, Gia Cát Lượng được người đời đánh giá là người toàn năng. Đối với Lưu Bị mà nói, văn phải nhờ đến Gia Cát Lượng, võ thì không thể rời xa Quan Vũ, Trương Phi. Ấy thế nhưng ba người họ lại một lòng tôn kính Lưu Bị. Đó là vì Lưu Bị biết thật tâm cầu người hiền.


Lời khuyên “Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp” hay câu nói “Đại âm vô thanh, đại tượng vô hình” không chỉ là thể hiện của sự khiêm tốn mà còn là một loại trí tuệ cao thượng. Bậc đại trí biểu hiện ra như kẻ khờ, bởi vậy người bình thường khó mà hiểu được họ, càng khó mà dùng cái “được – mất” ở thế gian để luận anh hùng. Chỉ người không so đo tính toán “được – mất” ở thế gian, luôn dùng tâm đại nhẫn, “tôn người hạ mình” mà thiện đãi tất cả mọi người trong thiên hạ mới đúng là biểu hiện của bậc đại trí tuệ chân chính.


An Hòa biên tập

Đạo trị quốc của cổ nhân: Kính trời yêu dân


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook