Đạo trị quốc của cổ nhân: Biết thưởng phạt chỉ là “hạ sách”
Dùng lợi ích hay tiền tài lôi kéo, dùng hình pháp khiếp sợ để giải quyết vấn đề là hạ sách trị quốc, không bằng dùng đức để cảm hóa thiên hạ.
Trong thiên “Chủ thuật”, sách “Hoài Nam Tử”, tác giả Lưu An viết: “Trị vì quốc gia, thượng sách là cảm hóa tinh thần con người, sau đó là dùng lễ chế để ước thúc dân chúng không làm điều sai trái, còn khen thưởng hiền tài và trừng phạt bạo ngược chỉ là hạ sách cuối cùng”.
Hoài Nam Tử phân tích như sau:
Thánh nhân giản lược sự vụ mà trị vì đơn giản, dục vọng ít mà dễ dàng thỏa mãn, không cần thi ân mà có thể tỏ rõ được lòng nhân ái, không cần dùng lời nói mà tỏ rõ được sự thành khẩn chân thật, không cần đòi lấy mà vẫn có được, không cần làm gì mà trái lại vẫn có thể thu được hiệu quả. Họ an nhiên tự tại mà thủ giữ bản tính chân thật của mình, ôm giữ đạo đức, dùng tấm lòng thành thật để đối nhân xử thế, người trong thiên hạ đều quy thuận theo họ giống như tiếng vang đáp lại thanh âm, giống như bóng đi theo hình vậy. Đây là bởi vì thánh nhân tu dưỡng bản thân, dùng đạo trị quốc. Sử dụng hình phạt không thể thay đổi được phong tục, không thể thay đổi được tập tục nếp sống xã hội, dựa vào giết chóc cũng không thể ngăn chặn được tà ác, xảo trá. Chỉ có cảm hóa về mặt tinh thần và đạo đức mới là cái gốc, cái căn bản, mới có thể thu được hiệu quả kỳ diệu và xảy ra những biến hóa không ngờ tới mà thôi.
Lớn tiếng la hét cũng chỉ có thể khiến cho người ở trong phạm vi một trăm bước chân nghe thấy, còn tâm chí tinh thần thì sức ảnh hưởng của nó lại có thể vượt ra hơn cả ngàn dặm. Ánh mặt trời trong mùa đông và sự mát mẻ của mùa hè đều khiến vạn vật yêu thích, không ai yêu cầu vạn vật phải làm như vậy. Cho nên, thứ tối thuần tịnh, không cần triệu gọi nó tự nhiên đến, không cần điều khiển nó cũng tự mình trở về, có thể khiến sự vật tự nhiên thành công. Điều huyền diệu này, cho dù là trí giả cũng không có cách nào nói rõ được, người giỏi biện luận cũng không có cách nào miêu tả được.
Trong sử sách có ghi chép rất nhiều ví dụ cho đạo lý trị quốc này.
Cao Dao bị bệnh ở cổ họng không thể nói chuyện được, nhưng ông đã đảm nhận chức quan tư pháp, chủ trì về hình pháp thời Đế Thuấn. Mặc dù trong thiên hạ không có hình phạt tàn khốc nhưng vẫn khiến đất nước thịnh vượng.
Sư Khoáng bị mù lại đảm nhận nhiều chức quan đứng đầu của nước Tấn, vẫn khiến cho nước Tấn không xảy ra hỗn loạn.
Dưới thời Sở Trang Vương, khi Tôn Thúc Ngao làm tướng ở nước Sở đã thi hành giáo hóa, trên dưới hòa hợp, phong tục tốt đẹp, giảm nhẹ hình phạt, quan lại không tham nhũng, giặc cướp không nổi lên, vì vậy không nước nào dám làm hại quân dân nước Sở. Nước Sở không cần dùng đến đao thương nhưng lại có thể xưng hùng thiên hạ. Trong cách trị quốc, rất nhiều khi mặc áo giáp, mắt trợn trừng, tay cầm kiếm phẫn nộ lại có công hiệu kém xa việc lấy đức thu phục lòng người. Dùng lợi ích hay tiền tài lôi kéo, dùng hình pháp khiếp sợ để giải quyết vấn đề là hạ sách trị quốc, không bằng dùng đức để cảm hóa thiên hạ.
Lúc Cừ Bá Ngọc ở nước Vệ làm thừa tướng, Tử Cống đã đến bái phỏng ông. Tử Cống hỏi Cừ Bá Ngọc: “Ngài dùng phương pháp gì để thống trị đất nước?” Cừ Bá Ngọc đáp: “Dùng ‘không trị’ để trị vì đất nước”. Khi Triệu Giản Tử chuẩn bị chinh phạt nước Vệ đã phái Sử Mặc đến nước Vệ để thăm dò. Sử Mặc trở về nói: “Cừ Bá Ngọc là thừa tướng nước Vệ, không thể dụng binh đánh nước Vệ được. C ho dù thành trì vững chắc và địa thế hiểm trở cũng khó có thể chiến thắng được họ.”
Cho nên quân vương anh minh, không cần mở miệng nói mà lại có thể thực hành được chính lệnh, không cần mở mắt nhìn mà lại có thể thấy được rõ chân tơ kẽ tóc mọi việc. D ân chúng được cảm hóa không phải dựa vào lời nói đầu môi của bậc quân chủ, mà dựa vào hành vi của bậc quân chủ. Đây chính là giáo hóa tốt nhất. Hành vi của quân chủ không ngay chính thì không có cách nào thi hành giáo hóa được.
Thời Xuân Thu, Tề Trang Công rất thích sự dũng mãnh, không nghe lời khuyên nhủ của hạ thần. Cho dù ông không yêu cầu dân chúng phải đánh lộn tranh giành lẫn nhau nhưng thần dân nước Tề vẫn chuộng điều ấy. Tề Trang Công lại ham nữ sắc, không chịu nghe lời khuyên can, dẫn đến việc Thôi Trữ tác loạn mà hành thích vua.
Sở Tương Vương cũng là người tham luyến nữ sắc. Cho dù ông không công khai truyền bá nhưng vẫn khiến dân chúng dâm loạn, chính trị u tối, cuối cùng dẫn đến thảm cảnh mất nước, bản thân phải chạy trốn khỏi kinh thành.
Cho nên, càng giữ chức trách lớn càng phải thật thận trọng về tâm tính và việc làm của bản thân, như vậy mới có sức ảnh hưởng mà cảm hóa tinh thần đối với dân chúng. Cảm hóa tinh thần và đạo đức của con người giống như mùa xuân khiến cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Bậc quân chủ trị vì quốc gia giống như xạ thủ vậy, chỉ cần nhắm chệch một chút bằng cái lông tơ cũng sẽ đưa đến hậu quả khác biệt rất lớn nơi bia bắn xa trăm bước.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Mời xem video :