Đạo trị quốc của cổ nhân: 4 câu nói là thiên cơ trong Thượng Thư

Chia sẻ Facebook
29/08/2023 08:32:15

Thượng Thư đề cao việc “lấy dân làm gốc, lấy Lễ làm yêu cầu”, thể hiện sâu sắc lý niệm “nhân chính” (nền chính trị nhân từ), có ảnh hưởng rất lớn đến các đời quân vương và quan lại. Dưới đây là bốn đạo lý được xem là tinh hoa, cũng tiết lộ thiên cơ về đạo trị quốc cho người đời sau.


Cuốn Thượng Thư là bộ tài liệu lịch sử có từ rất sớm, do Khổng Tử biên soạn, nội dung chủ yếu đề cập đến bốn vương triều cổ đại là Ngu, Hạ, Thương, Chu. Thượng Thư là một trong các kinh điển của Nho gia, còn có tên gọi khác là Kinh Thư. Thượng Thư từng có thời kỳ thất truyền, bộ sách hậu thế có được dường như không đầy đủ, văn tự lại là loại văn tự cổ, khiến nó vô cùng khó hiểu, cũng rất uyên thâm. Thời xưa đây là cuốn sách phải đọc cho các hoàng đế, công tử, vương hầu, công khanh của các triều đại vì bao hàm rất nhiều đạo lý trị quốc.

(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

“Thị đức giả xương, thị lực giả vong”


“Thị đức giả xương, thị lực giả vong” , thủ giữ nhân đức để đối đãi với dân chúng thì nhất định sẽ được hưng thịnh lâu dài, còn dựa vào bạo lực cường quyền để giữ địa vị của bản thân thì cuối cùng sẽ bị diệt vong.


Bất luận là việc quốc gia đại sự hay đối nhân xử thế đều phải dựa vào đức hạnh cao thượng để đối xử với người. Dựa vào bạo lực mà làm thì có thể khiến người khác khuất phục tại một thời điểm, nhưng cuối cùng chỉ có thể là “mua dây buộc mình” , tự rước lấy sự hổ thẹn mà thôi. Lễ Ký cũng viết: “Con người tâm phục bởi đức, không phục bởi lực”.

Các bậc hiền nhân trong lịch sử đều dựa vào lòng bao dung mà phục chúng. Dẫu cho dành hàng chục năm của cuộc đời chinh chiến, Đường Thái Tông Lý Thế Dân vẫn được hậu thế nhớ tới bởi những sách lược trị vì nhân từ, và ông đã tạo nên một thời kỳ thịnh thế chưa từng có trong lịch sử Trung Nguyên. Trong khi đó, Tùy Dạng Đế cũng dành hàng chục năm trên lưng ngựa, nhưng ông lại bị cho là kẻ thích dùng bạo lực, lạm sát dân chúng, khiến nhà Tùy trở thành vương triều yểu mệnh trong lịch sử.

“Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích, thì nãi thiên đạo”


“Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích, thì nãi thiên đạo” , cuồng vọng tự mãn tất sẽ chiêu mời tổn hại cho bản thân, khiêm tốn có Lễ thì nhất định sẽ khiến bản thân được lợi, đây là thiên đạo tự như thế.

Người tự mãn, tự phụ thường cố chấp, không nghe ý kiến góp ý của người khác cho nên không có khả năng tiếp thu lời giáo huấn của người khác, tự mình cô lập chính mình. Trái lại, người khiêm tốn có thể tiếp thu được góp ý, kiến giải hay, từ đó làm phong phú tri thức của bản thân, cũng làm tăng thêm cơ hội cho bản thân, cuối cùng khiến bản thân được lợi.

Chu Công Đán thời nhà Chu là một người tài hoa nổi tiếng, là danh thần phụ chính của triều Chu. Nhưng ông chẳng những không kiêu ngạo, không keo kiệt mà trái lại còn phi thường khiêm tốn, cung kính. Sau khi vua mất, ông vừa để tâm đến việc triều chính, vừa đồng thời ân cần giáo dục cháu là Chu Thành Vương. Chuyện kể rằng ông gội đầu mà có người hiền cầu kiến thì lập tức ngừng gội, đi giải quyết công việc. Ông ăn cơm mà gặp lúc có khách đến thăm thì nhả cơm ra mà đi đón tiếp, có bữa làm như vậy đến ba lần. Bởi vậy cuối cùng Chu Công Đán đã tạo nền móng vững chắc, ổn định và an bình cho vương triều nhà Chu.

Hàm nghĩa sâu xa của “Chính trị” trong lý niệm cổ nhân

“Nhật nguyệt quang hoa, đán phục đán hề”


“Nhật nguyệt quang hoa, đán phục đán hề” , ánh sáng mặt trời và mặt trăng luân phiên cho nhau, trời đất chưa bao giờ ngừng vận động. Câu này trong Thượng Thư có ý rằng an nguy cùng với được mất và họa phúc đều chỉ là tương đối, chúng có thể chuyển hóa cho nhau bất kể lúc nào. Cho nên người trị quốc càng sống ở trong bình an thì càng cần suy nghĩ đến những mối nguy ẩn náu trong sự an nhàn đó.


Mạnh Tử viết: “Sống bởi gian khổ, chết bởi an nhàn” . Ở vào thuận cảnh, hầu hết người ta sẽ quên mất việc tự xét lại mình, quên mất việc cần phải cẩn thận, quên cố gắng vươn lên, dẫn đến ngày càng muốn an nhàn hưởng lạc, tâm tự mãn ngày càng tăng, cuối cùng là trở nên sa đọa và thất bại. Đây là bản tính tự nhiên của con người.


Trong “Đình huấn cách ngôn” , Hoàng đế Khang Hy cũng viết:

Con người sống trên đời đều thích an nhàn, không thích vất vả. Nhưng ta lại cho rằng chỉ khi con người vất vả mới hiểu thế nào là an nhàn thực sự. Nếu luôn ở trong cảnh nhàn tản, thì căn bản sẽ không biết an nhàn là thứ gì, khi gặp cảnh khốn khó cũng không thể nhẫn chịu. Cho nên trong Kinh Dịch nói: Trời vận động mạnh mẽ, người quân tử nên cố gắng không ngừng. Như vậy xem ra, thánh nhân coi khó nhọc là phúc, an nhàn là họa.

“Bất căng tế hành, chung luy đại đức”


“Bất căng tế hành, chung luy đại đức” nghĩa là không suy xét đến những việc nhỏ thì rốt cuộc sẽ làm hại đến đức lớn. Cổ ngữ cũng có câu: “Con đê ngàn dặm bị sụp đổ bởi một lỗ kiến hổng” , một sai lầm hay một khuyết điểm nhỏ cũng chính là một việc ác nhỏ, nếu không kịp thời sửa chữa thì sẽ dần dần trở thành sai lầm lớn không cách nào cứu vãn lại được.

Thượng Thư có chép về Trụ Vương là vua cuối cùng của nhà Thương. Lúc mới lên ngôi, Trụ Vương thể hiện ra tài năng hơn người. Bấy giờ có người đem dâng Trụ Vương đôi đũa ngà voi, Trụ Vương có vẻ thích thú. Đại thần Cơ Tử thấy vậy đã than rằng:

Đũa ngà voi chắc chắn không thể phối với đồ gốm, mà phải phối với bát làm bằng sừng tê giác, chén mài từ ngọc trắng. Có chén ngọc rồi, bên trong chắc chắn không thể đựng canh rau dại và cơm nấu bằng gạo thô, mà phải đựng sơn hào hải vị mới tương xứng.

Ăn sơn hào hải vị rồi thì sẽ không muốn mặc áo quần thô, cũng không muốn ở nhà đơn sơ, mà phải mặc quần áo gấm vóc, ngồi xe xa hoa, ở nhà cao phòng rộng. Nếu cứ như vậy thì phẩm vật của thương nhân trong nước sẽ không thể thỏa mãn dục vọng của vua, mà còn phải đi thu gom mọi vật trân quý của các nước phương xa. Từ đôi đũa ngà voi, ta thấy được kết quả của tương lai sau này. Thật không thể không lo lắng vì nhà vua được.

Cuối cùng, điều lo lắng của Cơ Tử đã trở thành hiện thực. Dục vọng của Trụ Vương quả nhiên càng ngày càng lớn. Ông xây Lộc Đài, lấy rượu làm ao, treo thịt làm rừng, ham mê nhục dục, thu thập đồ trân quý của khắp nơi, khiến cho người dân oán thán. Sau khi Trụ Vương bại trận, ông đã tự thiêu mình trong ngọn lửa cháy rừng rực tại Lộc Đài.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Vì sao Trụ Vương vô đạo lại được phong Thần?


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook