Đào tạo tiến sĩ: Trường bài bản vắng học viên, học viên có xu hướng né trường 'khó nhằn'

Chia sẻ Facebook
22/05/2022 16:49:21

Người học bây giờ thường tìm cơ sở đào tạo "dễ chịu" để học tiến sĩ và né các trường "khó nhằn". Những trường được cho là "khó" nhiều năm nay tuyển sinh tiến sĩ không đủ chỉ tiêu.

Nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: LÝ NGUYÊN


Các chuyên gia cho rằng chính sự dễ dãi của các cơ sở đào tạo đã làm xuất hiện hàng loạt luận án kém chất lượng và cho ra lò nhiều tiến sĩ dỏm.


Hiện nay dù có quy chế đào tạo chung và chuẩn chung trong đào tạo tiến sĩ, nhưng một thực tế đang tồn tại là việc quản lý chất lượng của các cơ sở đào tạo rất khác nhau. Do vậy, người học bây giờ thường tìm cơ sở đào tạo "dễ chịu" để làm nghiên cứu sinh.

TS Nguyễn Đức Danh (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)


Tìm trường "dễ chịu"

Theo nhiều chuyên gia, hiện đang có không ít học viện, viện nghiên cứu và trường đại học các tỉnh đào tạo tiến sĩ khá "dễ chịu". Trong khi ở TP.HCM có hàng chục trường đại học đào tạo hầu hết các chuyên ngành, nhưng nhiều người ở đây lại chọn làm nghiên cứu sinh ở các viện ở Hà Nội hoặc các tỉnh xa.

Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) từ năm 2018 đến 2021 số nghiên cứu sinh trúng tuyển vào trường giảm, trung bình mỗi năm trường chỉ tuyển được 1/3 chỉ tiêu.

Các ngành đều có nghiên cứu sinh dự tuyển, riêng ngành ngôn ngữ Nga không có nghiên cứu sinh dự tuyển. Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), kết quả tuyển sinh tiến sĩ các năm 2019, 2020, 2021 được số nghiên cứu sinh lần lượt là 37, 43, 62.

So với trước đó, mấy năm gần đây số nghiên cứu sinh dần tăng nhưng vẫn chưa năm nào đủ chỉ tiêu hằng năm của trường (khoảng 100 chỉ tiêu).

TS Nguyễn Đức Danh (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng: "Hiện nay dù có quy chế đào tạo chung và chuẩn chung trong đào tạo tiến sĩ, nhưng một thực tế đang tồn tại là việc quản lý chất lượng của các cơ sở đào tạo rất khác nhau.

Do vậy người học bây giờ thường tìm cơ sở đào tạo "dễ chịu" để làm nghiên cứu sinh, họ không dám vào các trường quản lý đào tạo chặt".


Sau 9 năm mới tốt nghiệp tiến sĩ

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời gian đào tạo tiến sĩ từ 3 - 5 năm, nhưng đợt tốt nghiệp tháng 4-2022 ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) có tỉ lệ nghiên cứu sinh tốt nghiệp 5 - 6 năm chiếm 50% (6 nghiên cứu sinh tốt nghiệp sau 5 năm, 2 nghiên cứu sinh 6 năm, 6 nghiên cứu sinh 7 năm và 3 nghiên cứu sinh 9 năm).

Trong năm 2021, số nghiên cứu sinh tốt nghiệp sau 3 - 5 năm khoảng 50%, đặc biệt có một nghiên cứu sinh tốt nghiệp sau hơn 2 năm.

PGS.TS Hoàng Trang - trưởng phòng đào tạo sau đại học nhà trường - cho hay trường hợp đặc biệt được kéo dài thêm thời gian học đều có lý do chính đáng và nhà trường đều xin ý kiến cấp trên.

"Một khó khăn đối với nghiên cứu sinh là hầu hết họ có công việc khác nên không thể tập trung toàn thời gian để nghiên cứu, học tập khi làm nghiên cứu sinh. Tôi có làm một nghiên cứu cho thấy để làm nghiên cứu sinh bài bản từ khi vào học đến khi tốt nghiệp mất khoảng 8.000 - 10.000 giờ nghiên cứu.

Do không thể có toàn thời gian nghiên cứu nên nhiều nghiên cứu sinh phải học thời gian kéo dài hơn", ông Trang cho biết thêm.

TS Trần Văn Thắng - trưởng phòng đào tạo sau đại học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng cho biết thời gian đào tạo tiến sĩ của trường hiện nay là 4 năm đối với người tốt nghiệp đại học và 3 năm đối với người có bằng thạc sĩ.

Nghiên cứu sinh được phép gia hạn tối đa 24 tháng, khi hết thời gian đào tạo. Thời gian để nghiên cứu sinh tốt nghiệp tại trường từ 5 - 6 năm. Đối với nghiên cứu sinh trúng tuyển từ khóa tuyển sinh năm 2017 trở về trước được phép trình luận án để bảo vệ trong thời gian tối đa 7 năm.


Đam mê nghiên cứu mới theo được

Cũng theo ông Trang, tại Trường ĐH Bách khoa, khi tuyển sinh tiến sĩ, thí sinh phải bảo vệ đề cương đầu vào. Nghiên cứu sinh phải thường xuyên làm việc với giáo viên hướng dẫn để ra đề cương nghiên cứu, rồi bảo vệ đầu vào.

"Tuyển sinh đầu vào bậc tiến sĩ ở trường chúng tôi không khó, chỉ có quá trình quản lý chất lượng đào tạo làm rất chặt chẽ. Sau khi trúng tuyển vào học, cứ mỗi sáu tháng nghiên cứu sinh phải báo cáo tiến độ nghiên cứu, thực hiện tiểu luận chuyên đề với các giáo viên trong và ngoài trường để được góp ý đánh giá.

Nếu nghiên cứu sinh nào thật sự không đam mê nghiên cứu thì sẽ ngại việc này nên chọn trường khác dễ hơn" - ông Trang nói.

Để được bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải đáp ứng yêu cầu đầu ra về ngoại ngữ, có tối thiểu 2 bài báo quốc tế, bảo vệ qua hội đồng cấp khoa, cấp trường... Về mặt chuyên môn, từ đề cương đầu vào cho đến các tiểu luận hội thảo (4 - 5 hội thảo) giúp nghiên cứu sinh đảm bảo chất lượng nghiên cứu.

"Về đầu ra của bậc tiến sĩ, bộ chỉ yêu cầu nghiên cứu sinh cần có 2 bài báo khoa học, nhưng nhà trường yêu cầu các bài báo này phải đăng trên tạp chí quốc tế uy tín. Trung bình mỗi nghiên cứu sinh của trường đến khi tốt nghiệp có 6 bài báo", ông Trang cho biết thêm.


Làm kỹ các khâu

Về việc xét duyệt đề tài luận án, ông Trần Văn Thắng cho biết chủ tịch hội đồng tuyển sinh trường ra quyết định thành lập tiểu ban chuyên môn xét tuyển trình độ tiến sĩ.

Người hướng dẫn có trách nhiệm hướng dẫn nghiên cứu sinh xây dựng và hoàn thiện đề cương nghiên cứu.

Tiểu ban chuyên môn tổ chức đánh giá hồ sơ dự tuyển, bài luận/đề cương nghiên cứu và việc trình bày, trao đổi xung quanh dự định nghiên cứu của thí sinh dự tuyển.

Điều kiện để nghiên cứu sinh được đăng ký đánh giá luận án cấp đơn vị chuyên môn là nghiên cứu sinh phải công bố tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án,

trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí khoa học ISI-Scopus hoặc đã công bố tối thiểu 2 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế uy tín, có phản biện, xuất bản bằng tiếng nước ngoài hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài uy tín và có phản biện...

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm tại Học viện Khoa học xã hội, như học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác, sổ cấp phát văn bằng còn tẩy xóa, sửa chữa, thiếu thông tin về nghiên cứu sinh...

Chia sẻ Facebook