Đảo Solomon vay 66 triệu USD từ Trung Quốc để xây tháp viễn thông
Tập đoàn công nghệ Huawei từng bước thâu tóm ngành viễn thông của quốc gia Thái Bình Dương.
Chính phủ quần đảo Solomon đã đảm bảo một khoản vay 66 triệu USD từ Trung Quốc để xây dựng 161 tháp viễn thông, sẽ được thực hiện bởi tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc.
Động thái của Huawei được chính quyền đảo Solomon coi là “mối quan hệ đối tác tài chính lịch sử” giữa 2 quốc gia và sẽ “hợp tác chặt chẽ để đảm bảo việc thực hiện thành công dự án”.
Khoản vay 66 triệu USD sẽ đến từ Ngân hàng Exim của Trung Quốc, với mức lãi suất 1%.
Úc cũng đang xây dựng 6 tòa tháp di động trên 3 tỉnh ở quần đảo Solomon, nhưng 161 tòa tháp của Huawei sẽ làm hạn chế cơ sở hạ tầng do Úc xây dựng trên toàn quốc. Tháng trước, Telstra đã mua Digicel Pacific với giá 1,3 tỷ USD để ngăn chặn một cuộc đấu thầu cạnh tranh viễn thông từ Trung Quốc.
Huawei nổi bật trên toàn cầu do bối cảnh lo ngại về an ninh về mối liên kết của Huawei với Trung Quốc. Năm 2019, Mỹ đã ban hành lệnh cấm chia sẻ công nghệ với Huawei.
Vào năm 2020, chính phủ Anh đã ban hành lệnh yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải ngừng lắp đặt thiết bị Huawei trong mạng 5G của quốc gia này.
Quần đảo Solomon đã thông báo họ hy vọng sẽ lắp đặt 48% cơ sở hạ tầng vào tháng 11/2023. Khi quốc gia này lên kế hoạch tổ chức thế vận hội Thái Bình Dương , một chương trình hàng đầu do Thủ tướng Manasseh Sogavare chủ trì.
Ông McKinnie Dentana, thư ký thường trực của Bộ Tài Chính Solomons cho biết: “Việc tổ chức thế vận hội Thái Bình Dương sẽ giúp người dân ở các vùng nông thôn có thể tận hưởng thế vận hội, ngay cả khi họ không thể đến Honiara”.
Việc đăng cai Thế vận hội Thái Bình Dương là lý do được Thủ tướng Sogavare đưa ra để trì hoãn các cuộc bầu cử quốc gia, dự kiến vào giữa năm 2023. Thủ tướng nói rằng đất nước không có khả năng tổ chức cả 2 cuộc bầu cử và sự kiện thể thao trong cùng một năm.
Quần đảo Solomon có tỉ lệ sử dụng internet chưa đến 30% và chính phủ đã công bố ý định tăng mạnh con số này lên để các cơ sở dịch vụ công cộng, trường học và phòng khám trên khắp đất nước có thể truy cập internet.
Phần lớn các tháp viễn thông hiện có trong nước thuộc sở hữu của Công ty TNHH Solomon Telekom (STCL). Người dân Đảo Solomon sở hữu phần lớn STCL (97,32%) thông qua National Provident Fund.
161 tòa tháp của Huawei sẽ thuộc sở hữu của một công ty khác và sẽ thay mặt chính phủ, công ty STCL sẽ là đối tác điều hành chính trong cam kết này.
Chính phủ Solomon hy vọng sẽ hoàn trả khoản vay trong vòng 11 năm, mặc dù khoản vay ưu đãi này phải trả trong 20 năm.
“Đánh giá khách quan về dự án cơ sở hạ tầng của đảo Solomon cho thấy rằng dự án sẽ tạo ra đủ doanh thu để Solomo hoàn trả đầy đủ cả số tiền vay gốc và chi phí lãi vay trong thời gian vay”, đất nước này tuyên bố.
Tính đến tháng 12/2021, nợ công của chính phủ là 15% GDP. Khi dự án thủy điện Tina bắt đầu hoạt động, nợ công của Chính phủ sẽ đạt 30% GDP. Với việc bao gồm khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Exim Trung Quốc, điều này sẽ làm tăng thêm tỷ lệ nợ công của Chính phủ. Mức nợ công khuyến nghị cho quần đảo Solomon là 35% GDP.
Một báo cáo năm 2019 của Ngân hàng Trung ương đảo Solomon cảnh báo rằng nước này sẽ không tiếp nhận bất kỳ khoản vay nào từ Trung Quốc.
Vi Sa (theo The Guardian và The Sydney Morning Herald)