Đạo lý đối nhân xử thế của người xưa qua bộ sách “Viên thị thế phạm”

Chia sẻ Facebook
28/11/2022 08:08:16

“Tứ khố toàn thư” thu nạp “Viên thị thế phạm”, xếp ngang hàng với bộ “Nhan thị gia huấn” nổi tiếng. Trong sách có rất nhiều bài học đáng suy ngẫm về việc kính Trời hiểu Mệnh, trọng lễ trọng Đức, hiểu rõ được đạo lý đối nhân xử thế. Dưới đây là một số đạo lý được đưa ra và giảng giải trong sách.


Người xưa vô cùng coi trọng giáo dục tu thân, có rất nhiều trước tác là những lời răn dạy hậu thế được cổ nhân đúc kết lại, truyền đời. Nội dung của các cuốn sách cổ đại này vô cùng phong phú. Những mỹ đức như Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, Trung Hiếu Tiết Nghĩa, Lễ Nghĩa Liêm Sỉ đã trở thành trung tâm của chúng, dùng để ân cần dạy bảo thế nhân, muốn mọi người trọng đức tu thân, kế thừa đời đời những đức hạnh tốt đẹp và trí huệ của Thánh hiền. Trong các bộ sách như vậy thì “Viên thị thế phạm” được coi là một kiệt tác.


Tác giả của “Viên thị thế phạm” là Viên Thải, tự Quân Tái, là người Tín An dưới triều đại nhà Tống. Vào năm Long Hưng Nguyên niên, ông đỗ tiến sỹ xếp thứ 3, làm quan đến chức Giám đăng văn kiểm viện. Ông từng nhậm chức huyện lệnh huyện Thanh Huyền, được nhiều người khen ngợi vì đức tính liêm minh và cương trực.


Vào năm thứ 5 đời vua Tống Hiếu Tông, để giáo hóa dân chúng địa phương, chỉnh đốn lại phong tục thuần chính, dạy cho dân luân thường đạo lý, Viên Thải đã viết sách “Tục huấn” giảng dạy về đạo lý đối nhân xử thế. Sau này quyển sách được đổi tên thành “Thế phạm” , cũng gọi là “Viên thị thế phạm” , được lưu truyền rất rộng rãi, ảnh hưởng sâu rộng, trở thành sách giáo khoa vỡ lòng cho các trường học tư thục, được phần lớn các quan đại phu hết sức coi trọng.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Đường Đại và Đinh Quan Bằng thời Thanh, Public Domain)

Phú quý bần tiện đều cần được đối xử như nhau

Trên đời có một số người không thể đối xử bình đẳng với người khác, lại căn cứ vào việc người ta phú quý bần tiện mà phân chia cấp bậc cao thấp. Nhìn thấy người có tiền có quan chức thì lễ phép cung kính. Tiền tài càng nhiều, quan chức càng to thì lại càng cung kính. Còn nhìn thấy người bần cùng hay là địa vị thấp hèn thì có thái độ ngạo mạn, coi thường, không thèm quan tâm giúp đỡ. Những người này hoàn toàn chẳng biết rằng người khác phú quý cũng không phải là vinh dự của chính mình, người khác bần tiện cũng không phải là nỗi sỉ nhục của bản thân. Bởi thế cần gì phải căn cứ xem người ta phú quý hay bần tiện mà thái độ đối đãi khác nhau. Những người có đức hạnh không bao giờ làm như vậy.

Phú quý hay bần tiện đều là do mệnh Trời

Phẩm hạnh tốt xấu và chức quan cao thấp là hai việc hoàn toàn khác nhau. Không thể nói người có phẩm hạnh đoan chính thì nên được hưởng thụ phú quý vinh hoa, người phẩm hạnh không tốt thì nhất định phải bị vận rủi. Nếu như vậy cả, thì Khổng Tử, Nhan Hồi đều nên được làm Tể tướng. Mà từ xưa đến nay Tể tướng và các quan lại thành đạt cũng không thiếu những tiểu nhân. Bồi dưỡng đức hạnh của chính mình là việc mà chúng ta tự nhiên phải làm, không thể làm việc đó với mục đích mưu lợi nào cả, nếu không, một khi không đạt được mục đích, thì sẽ buông lỏng tu dưỡng đức hạnh, khiến cho niềm tin ban đầu bị lung lay, từ đó trở thành hạng người tiểu nhân.

Hôm nay, thế gian có rất nhiều người ngốc đang hưởng thụ phú quý, còn người trí tuệ lại rất bần hàn. Đó đều là Trời cao đã an bài như vậy, không cần phải truy tìm tận gốc nguyên do. Nếu hiểu được đạo lý này, giữ tâm thái bình thản, chẳng phải là loại bỏ được rất nhiều điều phiền não sao.

Thế sự vô thường chính là ý Trời

Mọi chuyện trên đời biến hóa đa đoan, đó chính là Thiên ý. Thế nhân hiện nay thường thường thấy trước mắt có chút hưng vượng thì tưởng rằng cuộc sống cả đời sẽ không cần phải lo buồn nữa, không biết rằng những chuyện cửa nát nhà tan chỉ trong nháy mắt thật sự nhiều lắm. Nhìn chung Thiên Can 10 năm là 1 Giáp, mọi chuyện trên đời theo đó mà biến đổi. Bây giờ không cần nói chuyện quá khứ xa xôi, chỉ nói tình hình 10 năm trước so với bây giờ, sẽ phát hiện thấy thành, bại, thịnh, suy hoàn toàn không có một công thức nào cả. Người ta trên đời không biết nhìn xa, chỉ cần nhìn thấy người khác hưng vượng phát đạt hoặc là được một vài chuyện thuận tâm toại ý thì trong lòng sinh tâm ganh ghét, còn nhìn thấy người khác gia nghiệp suy bại hoặc có chút không thuận lợi thì chế nhạo họ. Những người cùng gia tộc hoặc đồng hương, rất dễ dàng bị tiêm nhiễm loại tâm bệnh này. Nếu biết được đạo lý rằng bất cứ việc gì cũng không cố định mà luôn đổi thay, như thế, lo lắng cho tương lai của chính mình còn không kịp, làm sao có thời giờ để mà ghen ghét người khác, cười nhạo người khác đây?

Sống, chết, giàu, nghèo trong mệnh đã định sẵn

Người ta giàu sang là có định số. Đấng sáng thế đều đã định cho mỗi cá nhân một vận mệnh, nhưng cũng tạo cho con người những biến hóa khó lường thêm. Như vậy thúc đẩy con người vì quyền thế, tiền tài bận rộn ngược xuôi, mà con người đến chết thậm chí cũng không tỉnh ngộ. Nói rõ thêm ra, nếu không phải vì lợi ích mà bận rộn, như thế người trong thiên hạ đều không có chuyện gì đáng làm cả, mà Đấng sáng thế cũng không có biện pháp thúc đẩy mọi người chú tâm làm một việc gì. Thế nhưng, dù mọi người bận rộn ngược xuôi, nhưng chân chính đạt được vinh hoa phú quý chỉ có rất ít người. Những người bôn tẩu bận rộn suốt đời nhưng điều gì cũng không toại nguyện thì có đến hàng ngàn vạn.


Song, người ở trên đời có rất ít kẻ tranh giành được phú quý, còn những người khác thường phải bị lao tâm uổng sức. Có rất nhiều người tận đến lúc chết cũng không thành tựu được gì. Hoàn toàn chẳng biết rằng sự thành công của người ta cũng là trong mệnh sớm đã định rồi. Nếu trong mệnh đã định cho bạn được phú quý, cho dù không vất vả ngược xuôi mà bình thản chờ đợi, cuối cùng cũng sẽ được giàu sang. Cho nên ở trên đời những người trí tuệ, có thể khám phá hiểu thấu cõi hồng trần, đều là tùy kỳ tự nhiên, trong lòng vô cùng bình tĩnh. Không có điều gì khiến họ ưu sầu hoặc là cao hứng, cũng không có điều gì đáng để cho họ phải oán giận. Vì ích lợi mà vất vả ngược xuôi hoặc cùng với người ta tranh đấu lẫn nhau, những thứ ý niệm đó không bao giờ nảy sinh trong tâm của họ. Như vậy có thể nảy sinh tranh chấp với người khác không? Các vị tiền bối nói: “Sinh tử phú quý của con người đều là trong mệnh đã định sẵn”. Đã định bạn là quý tộc thì chắc chắn bạn có thể trở thành quý tộc; trong mệnh đã định bạn là dân thường, bạn kiểu gì cũng vẫn là một thường dân. Câu nói này vô cùng chính xác mà lại rất trúng, chỉ là người thường đều không biết mà thôi.

Ngôn trung tín hành đốc kính


Lời nói cần phải trung tín, hành động tuân theo “đốc” (thành thật, phúc hậu, thuần chính), “kính” , đây là Thánh nhân dạy người ta phương pháp làm thế nào để có được sự kính trọng của mọi người.


Đại khái ở phương diện tiền tài vật chất, thì không làm những việc lợi mình hại người; trong tình cảnh nguy nan khốn khổ thì không làm những việc thuận lợi cho mình nhưng lại gây chướng ngại cho người khác. Đây chính là “trung” mà mọi người thường nói đến. Một khi hứa hẹn với người ta, thì dẫu chỉ là việc nhỏ, cũng nhất định phải có kết quả; một khi ước định kỳ hạn, thì một khắc cũng không chậm trễ, đây chính là “tín” mà người ta hằng nói tới.


Đối nhân xử thế nhiệt tình phúc hậu, nội tâm thành thật đôn hậu, đây chính là điều mọi người vẫn gọi là “đốc”. Lễ phép khiêm nhường cung kính, ngôn từ khiêm cung, người ta gọi ấy là “kính”.


Nếu có thể làm được những đức tính này, không chỉ có thể được người khác kính trọng, mà làm việc gì cũng đều thuận lợi. Cung kính đối đãi người ta, bởi bản thân không tổn thất gì, người đời hoàn toàn có thể làm được. Thế nhưng bề ngoài đối xử người ta tốt lắm, nhưng trong lòng lại coi thường khinh miệt, đây là “kính” nhưng không “đốc”. Người quân tử xem những người như thế ngang hàng với tiểu nhân nịnh nọt, người khác lâu ngày cũng sẽ không còn kính trọng kẻ ấy nữa.

Nghiêm khắc kiểm điểm bản thân, rộng lượng với người khác

Trung thành, giữ chữ Tín, phúc hậu, cung kính, những đức hạnh này đầu tiên bản thân phải có đủ, sau đó mới có thể hy vọng người khác cũng được như thế. Nếu chính mình chưa hoàn toàn đạt được những yêu cầu ấy, lại khắt khe yêu cầu người khác, người ta cũng sẽ từ đó trách cứ mình.

Hiện nay người có thể tự xem xét bản thân có trung thành, giữ chữ tín, phúc hậu, cung kính hay không thực sự rất hiếm, mà yêu cầu khắt khe người khác thì lại rất nhiều. Kỳ thực cho dù bản thân có được những đức hạnh ấy rồi, cũng không cần yêu cầu người khác phải làm được.

Bây giờ người có thể có được những đức hạnh này thì quả thật là tốt. Thế nhưng người ấy muốn kẻ khác cũng giống mình, nhất thời gặp chuyện không vừa lòng liền hung hăng quở trách người khác. Người như thế chắc chắn không có đức bao dung, rất dễ kết oán với người khác.

Thích ứng với hoàn cảnh, thuận theo tự nhiên


Con người sống ở thế gian, từ lúc có tri giác, có kiến thức, thì đã gặp những chuyện không vừa ý và phiền muộn. Đứa trẻ nhỏ gào khóc, đều là bởi có những việc không vừa lòng nó. Từ khi còn nhỏ đến lúc thiếu niên, thanh niên rồi già cả, những việc thuận tâm như ý thì ít, còn những chuyện không như ý thường là rất nhiều. Cho dù những người giàu sang đến mấy, được người trong thiên hạ tất cả đều ngưỡng mộ, cho rằng người ấy có cuộc sống chẳng khác Thần tiên, nhưng từng người trong số họ cũng đều có những chuyện không vừa ý, chẳng khác gì quảng đại quần chúng. Có khác chăng, thì chỉ là những chuyện mà người ấy lo lắng không giống với người bình thường khác mà thôi. Cho nên thế giới này được người ta gọi là “Thế giới thiếu sót”. Con người sống trên đời không ai có thể ở đâu cũng được như ý, chuyện gì cũng được mỹ mãn. Có thể khắc sâu hiểu rõ đạo lý này, trong những lúc gặp phải chuyện không hay có thể bình thản xử lý, thì trong lòng sẽ thấy nhẹ nhàng thông suốt.

Biết chỗ chưa tốt của mình mà tu chỉnh

Đức hạnh con người, tính cách từ lúc sinh ra thì có nhiều thiếu sót. Người có học vấn và tu dưỡng biết những chỗ chưa tốt của bản thân, cho nên học tập và bù đắp, thế là dần trở thành một người có đức hạnh hoàn mỹ. Người bình thường không biết những chỗ dở của mình, lại bị những chỗ không tốt ấy chi phối trong hành động, tùy ý làm việc, cho nên tạo thành rất nhiều lỗi lầm.


Trong sách “Thượng thư” nói đến 9 loại đức tính là “Khoan, nhu, nguyện, loạn, nhiễu, trực, giản, cương, cường” . Những đức tính này là của Trời cho; còn “Lật, lập, cung, kính, nghị, ôn, liêm, tắc, nghĩa” , những đức tính ấy là thông qua học tập mà dưỡng thành. Đây chính là những đức hạnh của Thánh hiền. Đời sau có một số người nóng nảy thì mang thắt lưng để tự nhắc nhở mình cần phải điềm tĩnh, cũng có một số người tính tình chậm chạp thì đeo dây cung để tự nhắc mình cần phải kiên quyết, cũng là xuất phát từ nguyên nhân ấy. Dù là như vậy, những người bình thường bản thân không cách nào biết được những chỗ dở của bản thân mình, cần phải thỉnh giáo người khác thì mới có thể biết được.

Quên chỗ dở, nhớ chỗ hay của người ta

Trong tính cách phẩm hạnh của người ta, mặc dù có nhược điểm, cũng nhất định có ưu điểm. Kết giao với người khác, nếu thường chú trọng nhược điểm mà không nhìn thấy ưu điểm của họ, như thế khó có thể sống cùng họ dù chỉ một khắc. Ngược lại, nếu thường nghĩ đến điểm tốt của người ta, không so đo nhược điểm của họ, thì cả đời có thể hòa thuận với tất cả mọi người.

Khinh mạn ghen ghét tự chuốc lấy nhục

Lúc đối nhân xử thế, nếu luôn mang tâm ngạo mạn, dối trá, tật đố, hoài nghi, như thế là tự mình làm cho người ta khinh miệt và sỉ nhục. Người quân tử đức hạnh cao thượng sẽ không làm như thế.

Người có tâm ngạo mạn, thấy bản thân mình rõ ràng không như người ta, lại thích cợt nhả họ. Nhìn thấy người địa vị thấp hơn mình, cùng với những người cần mình, thì không chỉ trước mặt không tôn trọng, mà sau lưng còn thầm cười nhạo người ta. Người như thế nếu có thể tự kiểm điểm bản thân một lần, thì có thể xấu hổ đến mức toát mồ hôi đầm đìa.

Người mang tâm dối trá, ngôn từ mười phần uyển chuyển dễ nghe, bề ngoài đối với người khác rất phúc hậu, nhưng có thể trong lòng lại trái ngược hoàn toàn. Người như thế trong một thời gian ngắn ban đầu có thể được người ta tin tưởng ngưỡng mộ, nhưng cùng người ấy giao tế qua lại đôi lần, bộ mặt thật sẽ lộ rõ hoàn toàn. Cuối cùng bị người ta khinh bỉ.

Người có tâm tật đố thường nghĩ rằng mình có địa vị cao hơn người khác, cho nên nghe thấy người khác được khen ngợi, thì tức giận bất bình, cho rằng lời khen ấy là sai lầm. Nghe người khác có chỗ nào không bằng người ta, thì cảm thấy vui mừng bật cười. Kỳ thực loại hành vi này chẳng có tác dụng gì đối với người khác, chỉ làm họ thêm oán giận mà thôi.


Người có tâm nghi ngờ, nghe người ta nói điều gì đó, có thể chỉ là thuận miệng nói một chút thôi, lại cứ mãi nghĩ rằng: “Người này rốt cục cười nhạo ta chuyện gì? Kẻ nọ lại chế giễu ta việc gì đây?” . Người như thế thường là từ đó bắt đầu kết oán với người ta. Người có tài đức và trí tuệ nghe người khác giễu cợt mình thì thường hoàn toàn chẳng để tâm, như thế không phải là giảm bớt rất nhiều điều phiền não sao.


Theo “Văn hóa Thần truyền: Tuyển dịch trong bộ sách Viên thị thế phạm”
Đăng trên Minghui.org
Khuyết danh


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook