Đạo làm quan thanh liêm của cổ nhân

Chia sẻ Facebook
10/05/2022 10:17:06

Người quân tử có đức, vì không tham mà gìn giữ sự trong sạch của lương tri, đi tới đâu sẽ mang phúc lành tới đó. Một vị quan thanh liêm...


“Liêm” có nghĩa là không tham lam. “Thanh” có nghĩa là trong sạch. Người quân tử có đức, vì không tham mà gìn giữ được sự trong sạch của lương tri, đi tới đâu sẽ mang phúc lành tới đó. Phó Chiêu là một vị quan thanh liêm như vậy.

(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Phó Chiêu sinh ra vào thời Nam Bắc Triều, làm quan trải ba triều đại Tống, Tề và Lương. Ông là một vị quan thanh liêm, tu thân trọng đức, yêu mến bách tính, được mọi người kính phục.


Phó Chiêu thông kim bác cổ, học rộng đa tài, được người đời tôn xưng là “học phủ”. Triều đình từng lệnh cho Phó Chiêu đảm nhiệm việc dạy học cho Nam Quận Vương. Sau này Nam Quận Vương kế thừa ngai vàng, quần thần tranh nhau mưu lợi, thăng quan phát tài, nhưng Phó Chiêu vẫn giữ bản thân trong sạch, không hùa theo thời thế.


Dẫu thân ở ngôi cao, hàng ngày Phó Chiêu vẫn vui vẻ với cơm canh đạm bạc. Đồ dùng và y phục trong nhà đều vô cùng giản tiện, thậm chí tới đài thắp nến cũng không có. Ông thường cắm nến trên khe giường mà đọc sách. Minh Đế biết chuyện, bèn tặng hộp nến cho ông và hạ sắc chỉ rằng: “Khanh có cốt cách của cổ nhân, nên tặng cho khanh đồ vật của cổ nhân.”


Khi Phó Chiêu được phong làm Thái Thú tại Thành Đô, khu vực núi non trong vùng có rất nhiều mãnh thú gây hại, nên thường có người đặt bẫy bắt chúng. Phó Chiêu nói: “Người không hại mãnh thú, mãnh thú cũng sẽ chẳng hại người.” Ông bèn hạ lệnh tháo tất cả cạm bẫy. Không ngờ mãnh thú cũng biệt tích, không còn tới làm hại người dân.


Trong vùng còn có một loại đặc sản gọi là “mật ong đá”. Những vị Thái Thú tiền nhiệm đều quây kín lại, cho người bảo vệ nghiêm ngặt, dùng làm của riêng. Nhưng Phó Chiêu lại để mở ra, cùng chia sẻ với bách tính.

Huyện lệnh từng dùng vải lụa bọc hạt dẻ ngon, để trên đám cỏ trong nha môn biếu ông, Phó Chiêu chỉ cười và trả lại.

Sông trong vùng không có cá. Có người mang một số cá tặng lại cho Phó Chiêu, ông vừa không muốn nhận, nhưng cũng không nỡ cự tuyệt công sức mang cá từ nơi xa ngàn dặm của họ, bèn thả cá nuôi cạnh nha môn.


Phó Chiêu hành sự vô cùng cẩn trọng. Con dâu mang thịt trâu của nhà mẹ đẻ tới biếu ông, Phó Chiêu gọi con trai tới nói rằng: “Ăn thì phạm pháp, lại chẳng thể nói rõ sự tình cho con dâu. Chẳng còn cách nào, đành nhận mà không ăn, để chôn xuống đất.”

Bởi làm quan thanh liêm như vậy nên ông rất được người đời tôn kính.


Trong sách “Xử thế huyền kính” c ủa mình, Phó Chiêu giảng rất nhiều đạo lý đáng để con người suy ngẫm:

“Người tâm thái bình hòa thì không có kẻ thù, người khoan dung độ lượng thì không kết oán, người có thể dung nhẫn thì sẽ không chuốc nhục vào thân, người nhân từ lương thiện là vô địch.”

“Không biết kiềm chế cơn thịnh nộ, chẳng thể tiếp nhận lời can gián. Không mau chóng tiếp nhận lời thiện, chẳng thể thay đổi để tốt hơn.”

“Nhẫn một lời gió tĩnh sóng êm, lùi một bước trời yên biển lặng.”

“Phải nhẫn thì mọi sự mới thành; tấm lòng rộng rãi, bao dung mới có thể tích được đại đức.

“Tùng cao ngàn thước, rễ bám lộ ra ngoài mặt đất. Nhờ nền tảng vững chắc, nên có thể độc lập mà không cần trợ giúp. Rừng cây trăm dặm, chim thú quần tụ là nhờ uy đức nhiều cây góp thành rừng mà nên. Cho nên, có người hiền đức sẽ có thể tập hợp những bậc có chí mà thành tựu đại nghiệp. Hơn nữa tấm lòng rộng rãi, dung thứ nên đắc được lòng người.”

“Thà nhượng người, chớ để người nhượng ta. Thà bao dung cho người, chớ để người phải bao dung ta. Thà bản thân thiệt thòi, chớ để ta khiến người khác phải thiệt thòi. Đây là những việc mà bậc quân tử nên làm.”

“Không đợi mà gặp được là do thời cơ, không vì lợi mà trợ giúp là do lòng thành. Giúp mà không oán là đức của người quân tử.”

“Bao dung với người, người lại bao dung mình. Trị người, người lại trị mình.”

“Người đi đường hẹp, nhường một bước là cao nhân. Rượu uống đến say, chừa ba phần là tốt nhất.”

Tu dưỡng đức hạnh lập thân xử thế đối với Phó Chiêu cũng giống như việc tiến thoái hàng ngày, rất đỗi bình thường, không cần người nhắc nhở, đốc thúc, mà đã trở thành lẽ tự nhiên. Đây chính là sức mạnh câu thúc của tâm pháp. Không tìm kiếm nguyên nhân từ bên ngoài mà tự xét mình chính là hạt nhân của văn hóa truyền thống. Trong xã hội nhiễu loạn ngày nay, chúng ta lại càng cần hơn bao giờ hết những chuẩn mực hành xử như vậy.


Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Điều gì giúp nhà Trần thời thịnh trị không có tham nhũng?


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook