Đạo làm quan của người xưa: Trực ngôn can gián, thản đãng vô tư

Chia sẻ Facebook
29/09/2022 14:38:13

Vào thời cổ đại, dù là thời thịnh trị hay lúc chiến loạn, ở triều đại nào cũng xuất hiện các cá nhân là trung thần nghĩa sĩ, nỗ lực xoay chuyển thời thế. Họ có thể trực ngôn can gián, thản đãng vô tư đối diện với quân vương, không e ngại cho cả tính mạng của bản thân mình. Bởi vậy chuyện về họ được truyền lưu suốt ngàn năm, lưu danh hậu thế.


Trong các sách cổ như “Sử Ký”, “Lã Thị Xuân Thu”, “Hoài Nam Tử” đều có chép rằng thời thượng cổ, thánh nhân khi trị vì thiên hạ thì ở trước cung điện, trước cầu lớn đều đặt mộc bài phỉ báng hay trống để can gián. Người nào muốn phê bình sai sót của vua quan, muốn chỉ ra những điều sai trái của triều đình thì viết ở trên mộc bài phỉ báng, hoặc đánh trống để gặp vua quan mà bày tỏ. Người nào muốn nghị luận cái được cái mất của triều chính thì viết ý kiến của mình lên cờ tinh. Cũng nhờ vậy mà xã hội thu nạp được nhiều bậc hiền tài có khả năng can gián bề trên.

Đến thời các triều đại nối tiếp nhau cai quản thiên hạ thì xuất hiện các gián quan, tức là các vị quan có nhiệm vụ can gián quân vương, chỉ ra chỗ sai lầm để quân vương thay đổi. Hoàng đế hàng ngày đều phải cử hành hội triều, cùng với các quần thần nghị sự. Ngoài gián quan, công khanh đại phu, còn phải có quan tiến gián để giúp Hoàng đế. Trong lịch sử có không ít các câu chuyện về việc hiền thần chính khí khuyên can, Hoàng đế tiếp thu lời khuyên can mà trị vì được đất nước hưng thịnh, thiên hạ thái bình. Cũng có không ít những quân vương không biết lắng nghe lời ngay ý thẳng mà suy vong.

Tranh vẽ chuyện Viên Áng sắp đặt chỗ ngồi, khuyên can Văn Đế. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)


Vào thời Xuân Thu, Yến Anh làm quan nước Tề. Vào năm thứ 3 đời vua Tề Trang Công, quan đại phu nước Tấn là Loan Doanh chạy trốn đến nước Tề. Tề Trang Công thịnh tình khoản đãi ông ta, nói với quần thần: “Loan Doanh rất có tài, ta thiện đãi ông ấy, muốn ông ấy giúp ta thành tựu đại nghiệp”.


Yến Anh nói với Tề Trang Công: “Loan Doanh là người xảo quyệt bất lương. Thần thấy ông ta dùng lời lẽ nịnh bợ, không phải chân tình. Như thế là bởi có dụng ý bất thiện”.


Tề Trang Công không chịu nghe, đối với Loan Doanh vẫn tin yêu như trước. Loan Doanh tại nước Tề kết giao với các quan đại thần, tặng quà hối lộ khắp nơi, nhiều người đều bị ông ta lung lạc lôi kéo. Chỉ có Yến Anh hết sức can gián Trang Công, cuối cùng Tề Trang Công bực bội hỏi: “Chẳng lẽ Loan Doanh với ông có thù oán gì mà ông toàn nói xấu ông ta?”.


Yến Anh không kiêng sợ nói: “Chúa công yêu thích lời ngon tiếng ngọt, Loan Doanh liền lợi dụng điều này. Thần không thẹn với lương tâm”.

Qua một năm, việc Loan Doanh làm nội gián cho nước Tấn bại lộ.


Năm Tề Trang Công thứ 6, Tề Trang Công bị quyền thần là Thôi Trữ giết chết, không ai dám đi phúng điếu. Yến Anh bất kể an nguy, ôm thi thể Trang Công khóc lớn. Thôi Trữ nói với Yến Anh: “Ông ta đối với ngươi cũng không trọng dụng, ngươi vì sao mà khóc?”.


Yến Anh nghiêm mặt nói: “Ta thân là bề tôi, đương nhiên phải tận trung, tận nghĩa”.


Người của Thôi Trữ muốn giết Yến Anh, nhưng Thôi Trữ lại quay ra nói với thủ hạ: “Hắn không sợ chết, giết hắn ích gì? Hắn được trăm họ ngưỡng vọng, thả hắn ra lại có thể thu phục được nhân tâm”.

Thôi Trữ vì để củng cố quyền thế, thiết lập uy tín, bèn đưa toàn bộ văn võ bá quan trong triều đến trước miếu Thái Tông, phái hơn 1.000 binh mã trong ngoài vây chặt, bức bách bọn họ phải cắt máu ăn thề. Ai không phục tức thì bị xử tử.


Trong hoàn cảnh ấy, 7 người đã bị giết. Đến phiên Yến Anh, mọi người nín thở, chỉ thấy Yến Anh ung dung giơ chén rượu: “Thôi Trữ vô đạo giết quân vương. Phàm kẻ làm điều ác sẽ không được chết tử tế!” . Nói xong Yến Anh uống cạn chén. Thôi Trữ thẹn quá nổi khùng, hung hăng định xuống tay. Lúc đó, một thuộc hạ tâm phúc của Thôi Trữ mới can rằng: “Ngài giết Trang Công là bởi vì ông ta vô đạo, người dân trong nước không phản ứng, nhưng nếu ngài giết Yến Anh, thì có thể sẽ khác”. Thôi Trữ chẳng thể làm gì, tức giận đuổi Yến Anh đi.

Tề Cảnh Công được dựng lên kế vị. Lúc đầu, ông ta tin yêu Lương Khâu Cư, hoàn toàn tiếp nhận những lời siểm nịnh. Yến Anh thấy vậy thì trong lòng buồn phiền.

Một ngày, Cảnh Công nói với chúng thần rằng Lương Khâu Cư và vua hết sức hòa hợp. Yến Anh bước ra nói:

“Thần thấy chẳng hòa hợp. Lương Khâu Cư tâng bốc Chúa công, chính là những lời siểm nịnh mà thôi. Ông ta có thể là ‘tương đồng’ với Chúa công, nhưng không phải là ‘hòa hợp’”.


Cảnh Công bối rối, nói: “Điều này có gì phân biệt chứ?”.

Yến Anh nói thẳng:

“Hòa hợp thì giống như là nấu canh vậy. Dùng nước, lửa, giấm, tương, muối cùng các chủng loại khác lường tính gia giảm cho điều hòa, trộn đều, dùng lửa mà nấu, loãng thì thêm cái, cạn thì thêm nước, như thế món ăn sẽ được đúng vị. Đạo quân thần cũng giống như thế, Chúa quân mà đúng, quần thần cần phải cật lực ủng hộ. Chúa quân không đúng, quần thần cần phải chỉ ra mà sửa. Như vậy, quốc gia mới có thể yên ổn, chính sự mới không bị tổn thất”.

Cảnh Công nghe cảm thấy mù mịt, Yến Anh lập tức nói tiếp:

“Lương Khâu Cư vì để mua vui cho Chúa công, bất kể đúng sai, thuận theo Chúa công hành sự xuất ngôn, trước sau hòng bảo trì sự nhất trí với Chúa công, đó là cố sức ‘tương đồng’ không phải là thực sự ‘hòa hợp’. Nghe theo lời ông ta giống như canh đã loãng lại thêm nước vào, nhạt không ra vị gì nữa. Đàn chỉ có mỗi một thanh âm thì chẳng ai muốn nghe”.


Cảnh Công nghe xong thì hiểu ra, không nhịn được buột miệng khen hay rồi nói: “Từ lâu nghe nói Yến Anh dũng khí hơn người, hôm nay ta rốt cuộc đã được thấy. Đích thực là trung thần”.

Văn hóa Thần truyền: Trực ngôn can gián – thản nhiên vô tư

Đăng trên Minghui.org

Tác giả: Trí Chân


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook