Đạo kinh doanh của cổ nhân: Trọng nghĩa khinh lợi
Thời hiện đại, nhiều thương nhân chỉ biết mưu lợi, thấy lợi quên nghĩa, kinh doanh hàng kém chất lượng và độc hại. Nhưng vào thời cổ đại, không ít thương nhân được hun đúc bởi “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” đã kinh doanh bằng sự thành tín, trọng nghĩa khinh lợi, nhân ái đãi người và tuân thủ khế ước. Đây chính là đạo kinh doanh mà cổ nhân lưu lại cho hậu thế soi mình.
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Chữ “Nghĩa” trong đạo kinh doanh
Vào những năm Càn Long triều Thanh có một vị thương nhân kinh doanh thực phẩm tên là Ngô Bằng Tường, người huyện Hưu Ninh, quanh năm buôn bán tại Hán Dương. Một năm nọ, Ngô Bằng Tường buôn hồ tiêu, sau khi ký hợp đồng ông mua vào 800 hộc hồ tiêu (tương đương với 8 tấn hồ tiêu ngày nay).
Người chủ rất nhanh giao hàng đến, nhưng người của Ngô Bằng Tường phát hiện ra rằng lô hồ tiêu này có độc. Sau này tin tức truyền tới tai người chủ nọ, ông ta lo lắng việc bán hàng nhiễm độc bị bại lộ, bèn yêu cầu Ngô Bằng Tường trả lại hàng và chấm dứt hợp đồng, đồng thời trả lại tiền hàng.
Nhưng ngoài dự liệu của mọi người là Ngô Bằng Tường đã từ chối yêu cầu của người bán. Ông không những không trả lại hàng, thu lại tiền, ngược lại còn không tiếc việc bản thân phải đối mặt với tổn thất to lớn, mà đem toàn bộ số hồ tiêu bị nhiễm độc đốt sạch.
Có người hỏi nguyên cớ, Ngô Bằng Tường nói:
Nếu người bán thu hồi lại hồ tiêu, nhất định ông ấy sẽ bán lại cho người khác, như vậy sẽ hãm hại rất nhiều người. Nay tôi tiêu huỷ toàn bộ số hồ tiêu nhiễm độc ấy, là có thể tránh được việc trúng độc trên quy mô lớn xảy ra.
Mọi người nghe xong đều vô cùng kính phục ông. Có thể nói rằng cử chỉ của Ngô Bằng Tường đã thể hiện được tinh thần “Minh doãn đốc thành” (minh bạch thành tín) và “Thủ dữ hữu tiết” (lấy nhận có điều độ) của Nho gia.
Những năm Càn Long thứ 48 – 49, Hồ Bắc đại hạn hán, giá gạo tăng vọt. Đúng lúc đó Ngô Bằng Tường vận chuyển vài vạn tạ gạo từ Tứ Xuyên về. Nhưng ông không hề thừa cơ tăng giá, mà vẫn bán với giá thấp, giúp bách tính tại địa phương trụ qua cơn hoạn nạn. Do vậy đạo kinh doanh của ông không chỉ được bách tính ca ngợi, mà còn được triều đình tán thưởng.
Trong cuốn “Tu Ninh Huyện Chí” có bình phẩm về Ngô Bằng Tường như sau: “Khẳng khái vì người, thấy nghĩa ắt làm”.
Chữ “Tâm” trong đạo kinh doanh
Có một thương nhân buôn gạo tại huyện Hấp, Huy Châu thường kinh doanh tại vùng Gia Hòa, Hồ Nam, tên là Hồ Sơn. Một năm nọ, khu vực Gia Hòa gặp đại hạn hán, lương thực vô cùng quý giá, một đấu gạo phải bán được 1.000 quan tiền. Dẫu như vậy, trên thị trường cũng không còn bao nhiêu lương thực được bán ra.
Một hôm, Hồ Sơn vận chuyển một lượng lương thực từ nơi khác tới, đang chuẩn bị mở cửa bán, thì vài ông chủ các cửa tiệm bán gạo tìm đến ông. Họ nói rằng mấy người họ đã thương lượng xong, rằng bán gạo với giá cũ, nhưng sẽ trộn thêm phân nửa gạo cũ, gạo mốc và gạo tạp vào trong, như vậy mới kiếm được nhiều tiền.
Hồ Sơn nghe xong thì vô cùng kinh ngạc nói:
Lương thực là dùng để bảo mệnh, sao có thể trộn những thứ giả vào được? Trong năm thiên tai mất mùa người dân đã rất đáng thương rồi, chúng ta đủ ăn đủ mặc, thì nên thông cảm cho họ nhiều hơn. Dục vọng của con người là không có giới hạn, không thể vì chút lợi của riêng mình mà vi phạm thiên lý. Tôi kiên quyết không làm việc trái với lương tâm này.
Dù mấy vị thương nhân kia khuyên thế nào, Hồ Sơn vẫn nghiêm khắc từ chối, khiến họ vô cùng tức giận. Sau khi Hồ Sơn mở cửa tiệm bán gạo, họ cũng mở cửa bán gạo, nhưng giá mỗi đấu thấp hơn 5 đồng, vì muốn ép Hồ Sơn phải thoả hiệp với họ. Rất nhiều người mua gạo của Hồ Sơn không biết chuyện bèn lập tức sang nhà khác mua gạo, còn chỉ chỉ trỏ trỏ nói rằng ông đầu cơ trục lợi.
Hồ Sơn biết rằng dẫu những người khác bán rẻ hơn năm đồng, họ vẫn sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn vì trộn gạo kém chất lượng, nhưng ông vẫn cố thủ lý niệm của mình, không hề dao động.
Vài ngày sau, những người mua gạo ở các cửa hàng khác lũ lượt yêu cầu trả lại hàng, vì trong gạo có cát, có mùi ẩm mốc, mọt cũng nhiều. Mấy ông chủ cửa hàng gạo biện hộ rằng gạo mới nhập là như vậy. Nhưng những người mua gạo tại cửa hàng Hồ Sơn lại nói rằng gạo không có vấn đề gì, ăn rất ngon. Lúc này mọi người mới đột nhiên tỉnh ngộ, lũ lượt kéo nhau tới cửa hàng Hồ Sơn mua gạo và khen ngợi cửa hàng gạo của ông là “cửa tiệm lương tâm”.
Gạo đã trộn rồi thì không thể lọc ra được nữa. Mấy ông chủ trộn lẫn gạo xấu vào bán, tuy rằng mấy ngày đầu buôn bán nhộn nhịp, nhưng cuối cùng lại lỗ rất nặng. Đây chính là hậu quả của việc coi thường đạo kinh doanh, bất chấp lương tri.
Có thể nói rằng đạo kinh doanh thời nào cũng vậy, thành tín và có lương tri dẫu phải chịu thiệt trước mắt, nhưng việc kinh doanh lại hưng vượng, bền lâu. Đây chính là “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân” , dù đạo Trời không phân biệt hay thiên vị ai, nhưng ông Trời có mắt, người lương thiện ắt được phúc báo.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Mời xem video :