Đạo diễn phim "Đêm tối rực rỡ": "Ranh giới giữa phim nghệ thuật và phản cảm không rõ ràng vì nó quá chủ quan"

Chia sẻ Facebook
29/07/2022 14:32:41

Ranh giới giữa sự phản cảm và gợi cảm trong phim rất mong manh, đòi hỏi nhà làm phim phải khai thác khéo léo để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật thực thụ.


Chất liệu 18+ vốn xuất hiện trong rất nhiều bộ phim từ điện ảnh đến truyền hình. Đây được xem là thứ gia vị thu hút sự quan tâm của khán giả. Tuy nhiên, ranh giới giữa một bộ phim có chứa cảnh 18+ nghệ thuật hay phản nghệ thuật vô cùng mong manh, khiến các nhà làm phim lẫn công chúng phải bàn đến.

Cùng trò chuyện và thảo luận về chủ đề này, buổi tọa đàm Cine Talk với chủ đề "Phân loại phim 18+ và cơ hội sáng tạo cho những nhà làm phim Việt" được tổ chức với sự dẫn dắt của MC Khánh Ly, cùng các khách mời có kinh nghiệm như: vợ chồng đạo diễn - biên kịch Nhã Uyên và Thành Aaron, NSƯT Hạnh Thuý.

Làm thế nào để phân định được ranh giới giữa phim đồi truỵ và nghệ thuật? Vai trò của các nhà làm phim ra sao trong việc sản xuất những bộ phim có chứa cảnh 18+ mang tính nghệ thuật, không phản cảm và dung tục gửi đến khán giả?

Phim Việt khai thác nội dung 18+ và người giữ vai trò quyết định

Ở Việt Nam, những bộ phim mang xu hướng tính dục không ít, không hề xa lạ. Tuy tiên tại Việt Nam, câu chuyện 18+ vốn được xem là tế nhị, không được đem ra bàn luận một cách công khai, thẳng thắn. Chính vì vậy những bộ phim 18+ chính thống vẫn là một thứ gì đó còn rụt rè bước ra từ "bóng tối".

Về phía biên kịch Nhã Uyên, chị cho rằng mỗi người có định nghĩa về 18+ riêng hoặc nhận thức về mức độ thế nào là trần trụi.

Đồng ý với quan điểm này, đạo diễn Aaron chia sẻ: "Trần trụi không có nghĩa là tiêu cực, không có nghĩa là phải phơi bày ra hoàn toàn."

"Thật ra tình dục hay tính dục nó không phải là cái gì đó quá lớn lao hay xa lạ, rõ ràng tất cả những người trong cuộc sống này họ đều có nhu cầu. Trong những phương tiện sáng tác nghệ thuật như điêu khắc, hội họa hay văn học, chúng ta thấy rằng miêu tả về cái chuyện tình dục rất nhiều, thậm chí cơ thể của người phụ nữ hay cơ thể của người đàn ông nude, trần trụi là nguồn cảm xúc sáng tạo rất lớn. Chúng ta có rất nhiều những tác phẩm mà ở đó cơ thể không được che phủ trở thành tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, nghĩa là ngay cả cơ thể con người đã là một cái tác phẩm nghệ thuật!" - NSƯT Hạnh Thuý chia sẻ.

Tuy nhiên, cần phải phân biệt được giữa phim có yếu tố 18+ với những bộ phim khiêu dâm đơn thuần. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, từ lâu, "cảnh nóng" trong tác phẩm truyền hình hay điện ảnh đã trở thành đề tài thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà làm phim lẫn khán giả. Tuy nhiên, sự hiểu sai của công chúng về định nghĩa phim có yếu tố 18+ với phim "đen" đang trở thành rào cản với những nhà làm phim trong nước. Nhìn lại trong dòng chảy lịch sử, có không ít tác phẩm sử dụng "cảnh nóng" như một loại ngôn ngữ điện ảnh góp phần nhấn mạnh hoặc diễn giải thêm diễn biến tâm lý, mối quan hệ của các nhân vật mà việc kể chuyện thông thường không thể làm được.

Xét về khía cạnh thuần phong mỹ tục tại Việt Nam, biên kịch Nhã Uyên bày tỏ đây là điều khó định nghĩa và đôi khi khiến người làm nghề như mình hoang mang. Văn hoá là điều thường có sự thay đổi theo thời gian, xưa khác và nay khác, nếu cứ giữ nguyên những quan điểm cứng nhắc sẽ ngăn cản tính nghệ thuật. Việc hạn chế quá mức cũng sẽ khiến nền điện ảnh Việt không thể phát triển bằng những quốc gia khác.

Đồng ý với biên kịch Nhã Uyên, trường hợp "cảnh nóng" bị cấm xuất hiện trong tác phẩm phim ảnh, đạo diễn Aaron cho rằng: "Nó sẽ thiệt thòi cho cả một nền điện ảnh của Việt Nam".

Để phát huy hết vai trò của những yếu tố 18+ trong phim ảnh mà không khiến khán giả khó chịu đòi hỏi người sáng tạo phải biết cách điều tiết và sắp xếp sao cho các chi tiết đều có ý nghĩa. Như đạo diễn Thành Aaron chia sẻ, lằn ranh của nghệ thuật và phản cảm rất mong manh bởi lẽ nó mang tính chủ quan của người sáng tạo. Minh chứng là các chi tiết trong một bộ phim thường sẽ được lý giải thông qua lăng kính chủ quan của đạo diễn, đến lượt diễn viên thì họ sẽ đúc kết qua sự cảm thụ cá nhân của mình. Và đến khi tác phẩm được công chiếu thì một lần nữa, khán giả mới là người quyết định "sự sống" của nó.

Như biên kịch Nhã Uyên nhận xét khi đứng về phía công chúng: "Chúng ta nên trao quyền cho khán giả để khán giả lựa chọn các tác phẩm mà họ muốn xem và họ định nghĩa tác phẩm đó thế nào. Tại vì chúng ta không thể nhận định giúp tất cả mọi người được".

Trong khi đó, NSƯT Hạnh Thúy cho biết, vì nhà làm phim là người đầu tiên định hình tác phẩm theo sự phân tích chủ quan của mình nên họ phải biết cân bằng giữa cái tôi cá nhân và sự cảm thụ của người xem: "Vậy thì khi chúng ta áp đặt cái chủ quan của mình vào tác phẩm thì phải được lý trí và thiên hướng nghệ thuật kiểm soát sao cho phù hợp với tâm lý của khán giả. Để dù khán giả không đồng ý với suy nghĩ của mình thì cũng không đến mức đứng dậy bỏ về giữa rạp".

Nữ diễn viên sinh năm 1976 nói thêm, từng có những quy định trên giấy tờ về việc nghệ sĩ không được mặc váy ngắn quá 5-10 cm trên đầu gối. Tuy nhiên, điều này lại không khả quan vì chiều cao của mỗi người mỗi khác. Tương tự như vậy, trong luật điện ảnh cũng có quy định về việc phim không được có cảnh khiêu dâm hay vi phạm thuần phong mỹ tục nhưng những điều đó vẫn không đủ cụ thể để các nhà làm phim đặt ra một chuẩn mực chung. Chính vì thế nên nó chỉ mang ý nghĩa khái niệm mà chưa quá rõ ràng. Điều này lại càng nhấn mạnh vai trò của đạo diễn trong việc xây dựng các "cảnh nóng" sao cho nó vẫn là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là bộ phim khiêu dâm.


Ranh giới giữa phim đồi truỵ và nghệ thuật

Tình dục là một phần thiết yếu của con người mà vai trò của nghệ thuật là khám phá, diễn tả, phản ánh của sống của con người, xã hội. Tuy nhiên đưa những phân cảnh trần trụi vào phim sao cho nghệ thuật, không bị phản cảm là điều không hề dễ dàng.

Vấn đề ở chỗ là ranh giới giữa phim mang tính nghệ thuật và đồi truỵ như thế nào? Theo chia sẻ từ NSƯT Hạnh Thuý, ranh giới giữa nghệ thuật và đồi truỵ rất khó để phân định.

Thuần phong mỹ tục là những giá trị đạo đức, ranh giới về mặt nhận định xã hội. Đơn cử như chuyện cảnh nóng trong điện ảnh không ai cấm nhưng để có những cảnh đó lên phim không đơn thuần là giá trị giải trí, thoả mãn cái nhìn mà phải mang đậm tính nghệ thuật mà không phải ai làm phim cũng đủ bản lĩnh và quan điểm đúng đắn để khai thác được. Cùng với đó là những quy định thành luật.

"Những ranh giới hay quy định của nhà nước là để cho chúng ta đừng vượt qua và tự mỗi người nghệ sĩ sẽ phải xây dựng cho mình rào chắn, ý thức. Từ đó chúng ta có thể thỏa mãn được cái tôi của mình nhưng mà vẫn có phương cách biểu đạt phá cách hơn, bùng nổ hơn nhưng không phải lấn qua bốn chữ thuần phong mỹ tục" - NSƯT Hạnh Thuý cho biết.

Chia sẻ thêm về điều này, NSƯT Hạnh Thúy tiết lộ chính bản thân cô cũng từng đảm nhận "cảnh nóng" trong bộ phim "Sống trong sợ hãi" (2005). Thời điểm phim mới ra mắt đã gây nên làn sóng phản ứng trái chiều từ dư luận, thậm chí lúc bấy giờ, tác phẩm này còn bị xem là "cú sốc của điện ảnh Việt" khi dám đưa "cảnh nóng" lên màn ảnh rộng. Giữa những ý kiến tranh cãi, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vẫn nhất quyết lên tiếng bảo vệ phim một cách mạnh mẽ để giữ lại tất cả các cảnh quay ấy.

Đứng lên lập trường là một nhà làm phim, đạo diễn Thành Aaron đồng tình với quyết định của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lúc đó. Vì anh nhận thấy được những "cảnh nóng" trong bộ phim "Sống trong sợ hãi" không vô nghĩa mà nó góp phần lột tả sống động hơn mối quan hệ giữa các cá nhân, nhất là tình cảm vợ chồng không suôn sẻ do gặp vấn đề tâm lý. Việc dùng "hành động" đã giúp truyền tải được ý đồ của đạo diễn tốt hơn so với những câu thoại thông thường. Quả thật sau đó, "Sống trong sợ hãi" trở thành tác phẩm chiếu rạp kinh điển tại Việt Nam, xuất sắc đạt giải Phim hay nhất tại cuộc thi "Giải thưởng tài năng mới châu Á" thuộc Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải năm 2006.

Đạo diễn Aaron cho rằng không bao giờ có sự rõ ràng về ranh giới giữa phim nghệ thuật và khiêu dâm vì nó quá chủ quan. Nhưng lúc nào cũng sẽ có một khoảng ở giữa, dù là hẹp để giải quyết vấn đề.

"Tại Mỹ, có luật rất rõ ràng, cụ thể về việc cho thấy bao nhiêu % của ngực, đầu ngực hay mông…sẽ bị gắn mác. Và diễn viên đóng cảnh nóng có hợp đồng về việc đồng ý hở bao nhiêu % cơ thể. Quy định của Hội Điện Ảnh Mỹ rất cụ thể như vậy nên có thể kiểm soát một cách khoa học. Dù không thể tuyệt đối nhưng ít nhất giúp các nhà làm phim có căn cứ để hiểu và làm, biết cái gì được cái gì không" - Đạo diễn Aaron chia sẻ.

Dù là nhỏ nhưng ranh giới giữa một bộ phim nghệ thuật và đồi truỵ là điều không được phép vượt qua. Chất liệu 18+ nên được xem là một công cụ để kể chuyện khéo léo, không lạm dụng quá đà và tuân thủ quy định của pháp luật lẫn thuần phong mỹ tục. Ở khía cạnh khán giả, một cái nhìn cởi mở hơn có thể giúp những bộ phim táo bạo mang tính nghệ thuật thực sự được đón nhận, bởi vì nó là một phần thiết yếu của xã hội phát triển.

Chia sẻ Facebook