Đạo diễn Nhất Trung: Cù Lao Xác Sống được làm với tinh thần cầu thị
Đạo diễn Nhất Trung - người đóng vai trò nhà sản xuất của phim điện ảnh Cù Lao Xác Sống đã có những chia sẻ với SAOstar về dự án đầy tâm huyết này.
Sau thời gian im ắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường phim ảnh Việt tháng 9 chứng kiến màn đổ bộ của nhiều dự án điện ảnh với các thể loại và cách làm phim mới lạ. Trong đó, Cù Lao Xác Sống được xem là phim điện ảnh tiên phong trong việc khai thác thể loại sinh tồn, đưa hình tượng xác sống lên màn ảnh nhưng vẫn đảm bảo khai thác tốt yếu tố thuần Việt.
Tại buổi ra mắt dự án, đạo diễn Nhất Trung - người đứng sau dự án Cù Lao Xác Sống đã có những chia sẻ với SAOstar về quá trình làm nên bộ phim. Đặc biệt, các thách thức mà ê-kíp gặp phải để vượt qua chúng, cũng như những trăn trở về cách làm phim Việt.
Đạo diễn Nhất Trung.
- Xin chào đạo diễn Nhất Trung, vì sao anh quyết định thực hiện dự án phim có nội dung khá nhạy cảm như Cù Lao Xác Sống? Ban đầu, anh có lo lắng điều gì về dự án này, nhất là về độ tuổi khán giả xem phim?
Khi bắt tay vào thực hiện Cù Lao Xác Sống, tôi và cả ê-kíp đã họp lại với nhau nhiều lần và cũng phát hiện ra được rất nhiều thách thức. Trong đó, tôi nghĩ phản ứng của khán giả không phải là thách thức lớn nhất. Mà thử thách lớn chính là làm sao mang đến một bộ phim có nội dung trọn vẹn, phù hợp với thị trường Việt Nam và để thuận lợi vượt qua khâu kiểm duyệt.
Điều thứ 2 khiến tôi trăn trở là những thách thức trong khâu sản xuất để đem đến bộ phim nghiêm túc cho khán giả, nhất là vấn đề hóa trang. Đây là một bộ phim về đề tài thảm họa nên việc tạo lập môi trường cũng như bối cảnh xung quanh nhân vật cũng rất quan trọng. Ê-kíp phải đảm bảo khai thác được sự đối lập giữa yên bình và thảm họa.
Vấn đề thứ 3 mà tôi quan tâm là cái phản ứng của khán giả. Trước đây, tôi và ê-kíp cũng có thực hiện một cuộc khảo sát và nhận thấy có khán giả có nhu cầu xem thể loại phim này. Để làm nên dự án này, đó là một hành trình kéo dài 2 năm từ khâu bắt đầu lên ý tưởng, viết kịch bản, làm khảo sát,...
- Những thách thức cụ thể mà anh và ê-kíp gặp phải là gì?
Để làm phim zombie nhưng lấy đề tài về tình người thì tôi chọn bối cảnh đầu tiên là ở miền Tây, một vùng cù lao nhỏ - nơi đại dịch lan rộng. Hiện giờ, Cục Điện ảnh cũng đang khuyến khích cho điện ảnh Việt Nam phát triển, khuyến khích các nhà sản xuất sáng tạo nên những dự án mới và gửi phim đi nước ngoài. Cho nên, tôi nghĩ, ban đầu mình sẽ làm một dự án thật đàng hoàng, chỉn chu trước.
Tiếp đến là từ khâu sản xuất bao gồm hóa trang, thiết kế, diễn viên,... rất cực. Các diễn viên góp mặt trong phim này rất cực khổ khi phải ghi hình giữa trời nắng, makeup,... Còn về phản ứng khán giả, tôi đánh giá rằng họ đang có nhu cầu muốn xem những đề tài mới.
- Khi đọc những bình luận khen - chê từ khán giả sau khi dự án được công bố, anh có suy nghĩ gì?
Thật ra, khi nhìn dưới góc độ khán giả, tôi nghĩ rằng phim nên được làm với tinh thần cầu thị. Với tôi, Cù Lao Xác Sống là một thử nghiệm ban đầu vì nó mới quá. Đây cũng là thử thách lớn mà hãng phim gặp phải.
Vì đây là một bộ phim đóng vai trò thử nghiệm nên bước đi đầu tiên là khó nhất và toàn bộ ê-kíp bộ phim cũng đang tiếp thu mọi ý kiến đóng góp. Tôi và ê-kíp quyết định không phản hồi về những ý kiến của khán giả, chỉ đưa ra các tạo hình và chờ đợi sự đón nhận, đóng góp từ tất cả mọi người. Những người tôi hi vọng được lắng nghe ý kiến bao gồm anh em trong nghề, các bạn phóng viên, các nhà sản xuất khác và cả khán giả,...
Sau phim này, tôi nghĩ mình sẽ lắng nghe những góp ý của mọi người để những tác phẩm tiếp theo được chỉn chu hơn. Tôi và ê-kíp cũng đã chuẩn bị sẵn phần sau của phim, Cù Lao Xác Sống chỉ là thử nghiệm đầu tiên. Và chúng tôi đã quyết tâm đi theo và chinh phục con đường này. Phần tới của phim sẽ là Bến Phà Xác Sống, tôi nghĩ nếu mình biết lắng nghe và cầu thị thì sớm muộn cũng được đón nhận.
- Làm phim lấy chủ đề thảm hoạ, chắc hẳn anh đã tham khảo rất nhiều những dự án của nước ngoài?
Tôi có tham khảo nhiều dự án lớn của nước ngoài trong cùng một đề tài. Ở Mỹ, tôi có xem series nổi tiếng The Walking Dead, Hàn thì có Kingdom, những phim nhỏ nhỏ sau này của Hàn giống như là Ngôi Trường Xác Sống, Alive, các tựa phim của Anh, phim hài Mỹ, phim Trung Quốc có những bộ phim kinh điển như “ma-cà-tưng”,...
Lúc đó, tôi đã trăn trở rằng hình ảnh zombie Việt Nam sẽ ra sao, có ngoại hình như thế nào? Cuối cùng, tôi nghĩ phim Resident Evil rất hay. Trong phim, tác nhân con virus đột biến, làm người bị nhiễm sẽ biến đổi dần theo thời gian. Rốt cuộc, chúng tôi quyết định chọn hình tượng đó. Tôi nghĩ hình tượng cuối cùng của xác sống là một sự chọn lựa, không thể xác nhận chuyện đúng - sai. Phần sau của phim hứa hẹn sẽ có những con quái vật mới xuất hiện.
Chúng tôi chọn cách học theo, nhưng muốn học thì phải nhờ đến khán giả, họ phải trao cho mình cơ hội để học. Cách đây không lâu, tôi có nói chuyện với cả team rằng chúng ta sẽ không có một phát ngôn nào cả. Hôm trước thấy có lịch phỏng vấn, tôi đã rất lo lắng. Lúc đó, tôi nghĩ tại sao không để phim chiếu xong hẳn phỏng vấn. Ví dụ như phim ra không như kỳ vọng chẳng hạn thì mọi thứ nó sẽ rất dở. Nhưng khi ngẫm lại, tôi nghĩ mình cần trải lòng với mọi người vì đây là một series dài. Giống như những series khác trên thế giới thì đây sẽ là một chặng đường dài, tôi nghĩ bước đầu đương nhiên sẽ gặp khó khăn.
- Anh nghĩ sao về thực trạng khán giả chưa xem phim đã chê?
Cách đây 2 tuần, tôi đã từng chia sẻ điều này lên trang cá nhân. Đứng ở góc độ một nhà sản xuất, tôi thực sự rất buồn. Hãng tôi đã làm 18 bộ phim từ năm 2010. Sống trong ngành này quá lâu, tôi thấy khán giả đang mất dần niềm tin với phim Việt.
Thực tế, mình không trách khán giả được, bởi điều này là do chính nhà sản xuất đã khiến công chúng thất vọng. Từ những bộ phim liên tục ra rạp không đạt được kết quả tốt đã khiến khán giả không còn niềm tin với phim Việt. Tôi từng chia sẻ về câu chuyện đó, kết lại vẫn là: “Các bạn ơi, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng hơn nữa”.
Câu tựa đề trong một status của tôi là: “Liệu khán giả có còn yêu phim Việt hay không hay họ bắt đầu ghét phim Việt?”. Nói thật là tôi thấy họ ghét nhiều hơn yêu. Tại vì họ bị lừa, cái cảm giác thất vọng đáng sợ lắm. Khán giả chính là người nuôi sống các nhà sản xuất, nuôi sống nền điện ảnh nhưng họ lại ngày càng thất vọng.
Các bộ phim nước ngoài gần đây dễ dàng đạt trăm tỷ như Minions 180 tỷ, Thor 120 – 130 tỷ, Doctor Strange gần 200 tỷ… Vậy sao phim Việt chỉ có 1 tỷ, 2 tỷ… điều gì đang xảy ra? Trong khi đó, số tiền bỏ ra để sản xuất một bộ phim nhiều khi còn cao hơn chi phí nhà phát hành bỏ ra để mua những bộ phim nước ngoài. Nhiều khi phải bỏ ra đến 700 – 800 nghìn USD nhưng doanh thu lại quá thấp, liệu có phải quá bất công với nhà sản xuất? Nếu tình hình này cứ kéo dài thì liệu ai sẽ còn mạnh dạn làm phim nữa?
Cách đây 2 ngày, tôi đã thức đến 5h sáng để đọc tất cả những comment dưới các trang có đăng về Cù Lao Xác Sống. Với những hình ảnh đã được tung ra, tôi không nghĩ là chúng có vấn đề, chúng thực sự nghiêm túc từ hình chụp cho đến trailer. Thậm chí chúng tôi còn cắt hết các tình tiết hài nhảm, nhưng khán giả vẫn mặc định đây là phim hài nhảm. Tại sao? Tôi nghĩ đã đến lúc các nhà sản xuất phải nhìn lại mình. Bởi vì ngành làm phim nhìn vậy chứ nó nhỏ lắm.
Cù Lao Xác Sống là phim của một đạo diễn trẻ, lại là phim đầu tay. Tuy không thể tránh được một số sai sót nhưng tôi thấy được sự cố gắng của bạn đạo diễn đó, của ekip và cả diễn viên,... nên tôi đã quyết định đứng sau để làm. Khi đứng ở góc độ của một người đầu tư, tôi thấy cái ngành của mình đang rất cần được “thương”. Đó là tình thương từ các bạn phóng viên, cục điện ảnh, diễn viên,…
Tổng phim Việt 1 năm chiếu chỉ khoảng 2000 – 2500 tỷ cho khoảng 30 – 40 phim, nếu chia với các rạp xong sẽ chỉ còn khoảng 1000 tỷ. Trong khi đó, để sản xuất 30 – 40 phim thì mất khoảng 500 tỷ hơn.
Trong một ngành nhỏ thế này nhưng lại có quá nhiều chuyện xảy ra từ nhà sản xuất đấu đá, scandal, làm phim bát nháo lừa khán giả,… vậy thì người xem mất lòng tin là phải. Tôi thường nói với các bạn nhân viên của mình rằng cố gắng khác với nghiêm túc. Cố gắng phải thấy cơ hội và nghiêm túc phải thấy rủi ro. Cố gắng là làm điều mình thích nhưng nghiêm túc là phải xem xét việc mình làm có gây ra hậu quả gì?
Không phải chỉ riêng Cù Lao Xác sống, rất nhiều bộ phim Việt vừa tung trailer là xuất hiện vô số bình luận chê. Không những vậy còn chê một cách rất nặng nề. Nhưng tại sao lại có chuyện đó? Có phải tại khán giả không? Rõ ràng ở đây, khán giả đã bị thất vọng về việc làm việc làm phim không đàng hoàng, không nghiêm túc, không hay. Tôi chỉ muốn chia sẻ rằng, tất cả chúng ta đều nhận ra điều đó thì mong người trong ngành hãy thương nhau.
- Nhiều bộ phim Việt thường phần đầu và phần kết không liên quan đến nhau. Vô hình trung tạo ra một định kiến về phim Việt trong lòng khán giả. Vậy tại sao anh vẫn quyết định đầu tư và quyết tâm thực hiện Cù Lao Xác Sống?
Trước đó, tôi và ê-kíp đã gửi đề tài và nội dung chính cho các anh chị để họ thẩm định và cho lời khuyên. Một điều nữa như tôi đã chia sẻ trước đây, chúng tôi sẽ không khuyến khích việc giết chóc. Bởi vì những con zombie xung quanh mình vốn từng là bạn bè, là bà con lối xóm của mình, giết chóc không phải là vấn đề.
Bộ phim xoay quanh một câu chuyện là một đại dịch. Nếu nó không phải zombie, Covid thì sao? Nếu là một nhóm cướp tràn vào giết Cù Lao thì sao? Cũng vậy thôi, cuối cùng chúng ta cũng phải bảo vệ nhau để sinh tồn. Nên khi nhìn ở góc độ đó, giết chóc không phải là vấn đề và câu chuyện tình người sẽ mang đến nhiều cảm xúc.
Khi thay đổi góc nhìn, chúng tôi cảm thấy rất vui vì được các anh chị ủng hộ và biết rằng đây là góc nhìn đúng. Cái hay ở đây là câu chuyện người Việt yêu thương nhau, bảo vệ nhau trong đại dịch. Còn ở Mỹ và các nước khác, họ có góc nhìn khác.
- Dự án này anh không tham gia với vai trò là đạo diễn mà là nhà sản xuất, có phải vì những ồn ào trước đó khiến bản thân anh bị chán?
Tôi làm nghề tính tới nay đã được 12 năm, từ 2010 tôi làm phim đầu tiên nó thảm họa rồi làm tiếp nó thảm họa lần nữa. Cho tới ngày tôi làm bộ phim Cua Lại Vợ Bầu thì đó là một hành trình rất dài. Trong hành trình này, đứng ở góc độ là một người nghệ sĩ, nghệ sĩ là người sống bằng cảm xúc và họ dễ tổn thương lắm, tôi nghĩ mình chịu tổn thương quá lớn. Nhưng rõ ràng, tôi nghĩ mình cũng đã hy sinh cả một thanh xuân cho ngành này.
Tôi làm giải trí được 24 năm, 12 năm làm âm nhạc. Ngày làm âm nhạc, tôi nghĩ mình cũng có những sự thành công nhất định và khi chuyển sang làm phim, tôi cũng may mắn thành công. Người nghệ sĩ là người rất dễ bị tổn thương, khi họ đặt tâm huyết quá nhiều vào điều gì đó.
Thật ra phim trước của hãng cũng là của một đạo diễn khác. Bây giờ, tôi muốn tìm lại giá trị thực sự của chính mình. Thực ra trong cuộc sống, khi chúng ta làm một cái gì đó thì mình sẽ bị chi phối bởi rất nhiều tư duy. Tôi nghĩ nếu tôi có làm thêm đi chăng nữa chắc cũng sẽ không thành công bằng Cua Lại Vợ Bầu đâu, vì để vượt qua được bộ phim đó rất khó.
Có rất nhiều người hỏi tôi là sao không làm phim nữa, năm nay có làm phim không? Có làm phim Tết không? Thật sự làm một bộ phim rất lâu, như Cù Lao Xác Sống, chúng tôi làm trong hai năm trời. Từ thai nghén, viết kịch bản, casting, bấm máy, về dựng,… tốn biết bao nhiêu tiền, tâm huyết để được gì khi cái kết của nó rất tiêu cực.
Mình làm cái khác được mà? Cuộc sống này đâu chỉ làm phim? Tại sao chúng ta phải làm cái ngành mà nụ cười không còn ở trên môi chúng ta nữa? Mỗi ngày phải sống với nỗi buồn, với tiêu cực. Cái ngành này quá tiêu cực vì ngày nào cũng có scandal nổ ra, ngày nào cũng có chuyện. Tôi cảm thấy mình đã già rồi, 43 tuổi rồi, tôi không muốn bước tiếp ở một hành trình bị chi phối bởi quá nhiều thứ và cảm xúc nữa.
Tôi muốn sống với gia đình mình, muốn được dẫn con đi chơi cuối tuần, tôi thích được làm những thứ ý nghĩa, tôi thích được khám phá bản thân thay vì chỉ có làm và làm. Thôi thì tôi sẽ lùi lại phía sau, làm cố vấn cho các bạn trẻ. Tôi sẽ chia sẻ hết những gì tôi biết, cho hết những gì tôi có. Và tôi mong rằng, những bạn ở thế hệ kế cận sẽ làm tốt như tôi đã từng vào ngành 12 năm trước. Tôi nói các bạn là đừng lo nếu phim này có bị gì đi chăng nữa, quan trọng là bạn có đủ niềm tin để đi tiếp phim sau nữa hay không.
- Trong tháng 9 này có rất nhiều phim kinh dị ra rạp, anh nghĩ xác suất của Cù Lao Xác Sống sẽ như thế nào?
Tôi nghĩ thời gian này, nhiều phim ra mắt là điều chắc chắn, vì chúng ta vừa mới qua mùa đại dịch, trong khi có nhiều phim đã quay từ trước. Nhiều nhà sản xuất lớn vẫn chưa quay lại, họ chỉ bắt đầu quay lại cho những phim lớn thôi. Vì thế, hiện giờ, trên thị trường đang có những bộ phim trước dịch hoặc những bộ phim an toàn. Tôi chỉ mong rằng những phim tới sẽ tốt để lấy niềm tin cho khán giả, không chỉ mỗi hãng của tôi mà còn tất cả các hãng khác của Việt Nam nữa. Tôi ước phim Việt từ giờ cho đến Tết sẽ có nhiều phim tốt hơn nữa.
Cảm ơn đạo diễn Nhất Trung về những chia sẻ này.
Ốc Thanh Vân giật spotlight của Thu Thủy với bộ cánh đỏ chót ở sự kiện, nhan sắc ở tuổi U40 gây bất ngờ