Đảo chính Niger ảnh hưởng thế nào đến dấu ấn Trung Quốc ở châu Phi?
Những bất ổn chính trị ở “vành đai đảo chính châu Phi” có thể buộc Trung Quốc phải xem xét lại các khoản đầu tư vào khu vực Sahel.
Cuộc đảo chính gần đây ở Niger và các cuộc xung đột từ Mali, Burkina Faso, Chad đến Sudan đã tạo ra sự không chắc chắn về tương lai của chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc ở Sahel và các khu vực khác của châu Phi.
Sáng 26/7, một nhóm binh sĩ thuộc lực lượng bảo vệ Tổng thống đã xông vào cung điện và bắt giữ Tổng thống Niger Mohamed Bazoum, với lý do tình hình an ninh ngày càng xấu đi và quản lý kinh tế - xã hội yếu kém.
Ngay lập tức, đại sứ quán Trung Quốc đã đề nghị tất cả Hoa kiều ở Niger đề cao cảnh giác, tăng cường bảo vệ, tránh ra ngoài và thực hiện các biện pháp phòng ngừa an ninh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Niger và kêu gọi các bên liên quan hành động vì lợi ích của đất nước và người dân, đồng thời giải quyết các khác biệt một cách hòa bình thông qua đối thoại.
Pháo đài cho lợi ích an ninh phương Tây
Trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ mối quan ngại tương tự như những mối quan ngại trước đây đã nêu ở Sudan, họ xem xét tình hình ở Niger với mối quan tâm lớn hơn. Là nền tảng của cấu trúc an ninh phương Tây ở Tây Phi, quốc gia này đã nhận được sự hỗ trợ về tài chính và an ninh để giữ cho nền kinh tế mong manh của mình phát triển.
Vai trò của Niger như một pháo đài cho các lợi ích an ninh của phương Tây xoay quanh 3 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, quốc gia này là bức tường thành chống lại sự mở rộng của các cuộc nổi dậy Hồi giáo ở khu vực Hồ Chad và gần biên giới với Burkina Faso và Mali.
Thứ hai, phương Tây coi quốc gia này là đồng minh chính của EU trong việc hạn chế dòng di cư bất thường từ châu Phi cận Sahara. Cuối cùng, Niger là một trong số ít quốc gia trong khu vực không dựa vào mô hình Wagner của Nga để bảo vệ lợi ích của mình.
Mặc dù Tổng thống Bazoum là một đồng minh thân cận của Pháp và các quốc gia phương Tây khác, nhưng Bắc Kinh đã và đang xâm nhập vào Niger cũng như với các quốc gia khác trong khu vực.
Ông Rahmane Idrissa, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu châu Phi tại Đại học Leiden ở Hà Lan, cho biết, Trung Quốc hiện diện ở Niger với tư cách là đối tác kinh tế trong việc khai thác dầu mỏ ở miền đông nước này. “Thỏa thuận này sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc đảo chính,” ông Idrissa nhận định.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) đã đầu tư lần lượt 4,6 tỷ USD và 480 triệu USD vào ngành công nghiệp dầu mỏ và uranium của Niger. Ngành công nghiệp uranium của nước này cung cấp khoảng 5% quặng uranium cấp cao nhất thế giới. Ngoài uranium, Niger cũng xuất khẩu vàng và hạt có dầu.
“Việc Niger sở hữu các mỏ uranium quan trọng và các nguồn tài nguyên quý giá khác, chẳng hạn như vàng, làm dấy lên lo ngại về những tác động sâu rộng có thể xảy ra đối với nền kinh tế toàn cầu”, ông Mohammed Soliman, giám đốc Viện Trung Đông ở Washington, Mỹ, nhận định.
Theo ông Soliman, nếu tình hình ở khu vực Sahel leo thang hơn nữa, nó có thể gây ra những hậu quả đáng kể đối với lợi ích kinh tế và đầu tư của Trung Quốc ở Niger và các nước láng giềng.
“Sự bất ổn có thể làm gián đoạn các dự án cơ sở hạ tầng, ngành công nghiệp khai thác và các dự án kinh doanh khác mà Trung Quốc đã đầu tư , gây rủi ro cho lợi ích kinh tế của nước này trong khu vực”, ông Soliman cảnh báo.
Sáng kiến Vành đai và Con đường bị đe dọa
Những gì vừa xảy ra ở Niger chỉ là một trong hàng loạt các cuộc đảo chính ở Mali, Burkina Faso, Guinea, Chad và Sudan, khu vực được gọi là “vành đai đảo chính châu Phi” trong những năm gần đây.
Sự bất ổn ngày càng tăng ở Tây Phi, một khu vực đã phải vật lộn với những tác động của biến đổi khí hậu và giá cả các mặt hàng chủ lực tăng vọt kể từ khi diễn ra cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Năm 2022, Niger phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có, với ước tính 4,4 triệu người trong tổng số 26 triệu dân phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng.
Những yếu tố này làm phức tạp quá trình phát triển cơ sở hạ tầng dài hạn của Trung Quốc, bao gồm đường ống dẫn dầu Niger - Benin trị giá 4,5 tỷ USD dài khoảng 2.000 km của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và việc nâng cấp các cơ sở khai thác quặng uranium ở phía bắc Niger.
Kể từ năm 2000, Trung Quốc ngày càng mong muốn đầu tư vào Niger, nhất là khi nước này bày tỏ ý định phát triển dự án đường ống dẫn dầu thô và khai thác các mỏ uranium địa phương.
Tại Diễn đàn Đầu tư Trung Quốc - Niger được tổ chức tại Niamey vào tháng 4, Bắc Kinh cho biết họ sẵn sàng xây dựng một khu công nghiệp để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản xuất, khai thác mỏ và bất động sản.
Mặc dù ngành năng lượng của Trung Quốc đã được chuẩn bị tốt để có thể hoạt động trong một môi trường phức tạp, lĩnh vực khai thác mỏ của nước này lại phải gánh chịu gánh nặng bạo lực gia tăng ở châu Phi. Trung Quốc do đó đang buộc phải lựa chọn giữa việc đáp ứng nhu cầu khơi dậy nền kinh tế ở đại lục và giữ cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đi đúng hướng.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, hầu hết hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong BRI sẽ chủ yếu liên quan đến việc hồi sinh các dự án còn lại, không bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của môi trường an ninh.
Mặc dù Bắc Kinh đang tìm cách củng cố dấu ấn ngày càng mở rộng của mình ở châu Phi, tình hình an ninh ngày càng xấu đi nhanh chóng, đặc biệt là ở Sahel, đang thúc đẩy Bắc Kinh xem xét lại khả năng tồn tại của một số dự án cơ sở hạ tầng và chuyển sang các lĩnh vực an toàn hơn.
Sự bất ổn và xung đột kéo dài ở Sahel có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu chiến lược và ảnh hưởng rộng lớn hơn của Trung Quốc ở châu Phi, khiến Trung Quốc phải đánh giá lại sự can dự và hiện diện của mình trên lục địa này, theo ông Soliman từ Viện Trung Đông.
Trong khi các dự án mới có tổng trị giá lần lượt là 36 và 8 tỷ USD ở các quốc gia Bắc Phi là Algeria và Ai Cập đã được Bắc Kinh bật đèn xanh, thì các sự kiện đang diễn ra từ Niger đến Sudan khiến cho tương lai chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc ở Sahel trở nên mờ mịt .
Nguyễn Tuyết (Theo Think China, SCMP)