Đánh thuế cao với người sở hữu nhiều bất động sản như nào cho đúng?
Luật sư cho rằng, khi đánh thuế tài sản với nhà thì nhà đó cần được định giá theo thị trường, không phải theo giá quy định của cơ quan Nhà nước, chỉ dựa vào giá để đánh thuế. Phải tùy theo từng vị trí của tài sản mà các mức thuế được đề ra khác nhau.
Đánh thuế cao với người sở hữu nhiều nhà, đất
Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 18 yêu cầu quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang nhằm tăng thu ngân sách, giảm đầu cơ đất được Chính phủ đề cập đến từ lâu.
Chia sẻ về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhìn nhận, Nghị quyết 18 năm 2022 được ban hành, đã phần nào tác động tích hơn với vấn đề đánh thuế cao với người có nhiều nhà, đất. Đồng thời, có ưu đãi với đối tượng thuộc nhóm yếu thế, dễ tổn thương như nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Võ cho rằng, việc đánh thuế nhà, đất cao sẽ giúp ngân sách nhà nước có được nguồn đóng góp lớn từ người dân.
Đồng quan điểm, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng việc thu thuế cao đối với người sở hữu nhiều nhà, đất là quyết định đúng. Bởi thuế tài sản sẽ tạo nguồn thu ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản, sau đó sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển hạ tầng nhằm gia tăng nguồn cung cho thị trường. Theo ông Quang, khó có thể cấm người dân sử dụng nhiều nhà, đất nhưng có thể can thiệp bằng cách đánh thuế cao đối với người sở hữu nhiều nhà, đất.
Ở góc độ thị trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, quy định này áp dụng sẽ góp phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch; phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí bất động sản; góp phần dịch chuyển dòng tiền thay vì đầu tư vào bất động sản sẽ chuyển sang đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, quy định này còn hướng các nhà đầu tư thứ cấp đi vào lựa chọn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thay vì kinh doanh cá thể như hiện nay.
Tùy vị trí tài sản đánh mức thuế khác nhau
Theo GS Đặng Hùng Võ, để đánh trúng, đúng đối tượng, thực hiện đúng chủ trương, tinh thần Nghị Quyết 18, đánh thuế tài sản với những người sở hữu nhiều nhà đất, không phải là tăng thuế tài sản mà là cải cách nó.
“Nghĩa là thuế này sẽ không đánh vào người nghèo, mà đánh vào những đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà, đất. Đặc biệt là những nhà đất bỏ hoang, không đưa vào sử dụng”, ông Võ nhìn nhận.
Theo đó, cần đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và những căn nhà có giá trị cao, cũng như tăng thuế đất lên một mức độ nhất định. Những việc này sẽ góp phần “đặc trị” hiện tượng “sốt đất”, giúp giá nhà, đất bình ổn lại.
Còn ông Trần Khánh Quang cho rằng, để thực hiện việc đánh thuế cao đối với người sở hữu nhiều nhà đất thì cần quy định về hạn mức đất phù hợp, nằm trong giới hạn không phải đóng thuế cao. Những diện tích đất nằm ngoài giới hạn phải đánh cao, tương ứng.
Ông Quang đề xuất, việc thu thuế với người sở hữu nhiều nhà đất không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Còn với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí “ôm đất” phòng ngừa việc đầu cơ đất đai.
Theo ông Quang, cần phân biệt giữa người sở hữu nhiều bất động sản để sử dụng vào mục đích chính đáng và người sở hữu bất động sản để đầu cơ. Bởi vì không thể đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản vì nhu cầu sử dụng chính đáng của họ.
Cùng với đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai thật đầy đủ, thống nhất để có thông tin về từng người đang sở hữu những bất động sản nào, để đánh thuế tài sản thật trúng và thật đúng…
“Ví dụ, không thể đánh đồng thuế một nhà miền núi ở Yên Bái rộng 5.000 m2 được bán ở mức giá 300 triệu đồng, với một căn nhà phố vài chục tỷ đồng ở trung tâm TP Hà Nội hay TP HCM. Hay cũng như không thể đánh đồng, giá trị 100m2 chung cư với 100m2 nhà đất, đây là hai giá trị khác nhau hoàn toàn về việc sở hữu tài nguyên”, Luật sư Trương Thanh Đức nêu.
Vị luật sư này cho rằng việc đầu tiên cần làm là có cơ sở dữ liệu nhà đất một cách toàn diện, thống kê, quản lý tài sản của người dân, để đảm bảo công bằng. Điều này, theo ông để tránh tình trạng người có 10 căn nhà nhưng nộp thuế có khi thấp hơn người chỉ có một nhà.
Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng, cần đánh thuế tài sản theo lũy tiến với mức khởi điểm rất thấp. Từ đó mới bảo đảm người càng sở hữu nhiều nhà càng bị đánh thuế cao.