Đánh thức tiềm lực du lịch đêm (*): Khai thác "mỏ vàng" của TP HCM
Cần quy hoạch bài bản những tuyến phố đi bộ, tổ hợp vui chơi - giải trí - mua sắm kết hợp với thiên đường ẩm thực để giúp du lịch về đêm trở thành "mỏ vàng" của TP HCM.
Nhắc đến du lịch về đêm ở TP HCM là nhắc đến tour khám phá trung tâm thành phố (city tour), trải nghiệm xe buýt 2 tầng, đi thuyền ăn tối trên sông Sài Gòn hoặc đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc. Ngoài ra, du khách cũng có thể vui chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đêm Bùi Viện, phố đêm chợ Bến Thành hay thưởng thức múa rối nước... Tuy vậy, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) đánh giá những sản phẩm du lịch trên vẫn quá ít so với một đô thị lớn và tiềm năng như TP HCM.
Lợi thế "thành phố không ngủ"
Một trong những lợi thế của TP HCM khi phát triển du lịch về đêm là nơi đây được coi như "thiên đường ẩm thực" với những món ăn đặc sắc, đa dạng. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, chỉ ra TP HCM là nơi giao thoa của văn hóa đặc trưng các vùng miền, các quốc gia. Cùng với nguồn nguyên liệu làm nên những món ăn đặc trưng của thành phố cũng rất phong phú, một không gian văn hóa ẩm thực phù hợp với nhiều phân khúc khách du lịch đã được hình thành và trải dài trên nhiều quận, huyện.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Ban Tiếp thị và Truyền thông - Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho rằng thời tiết ở TP HCM mát mẻ, thoáng đãng vào ban đêm, rất phù hợp cho việc đi dạo, thưởng thức ẩm thực, văn hóa nghệ thuật. "Sau bữa ăn tối, du khách thường có nhu cầu ra ngoài, mua sắm đặc sản địa phương, khám phá văn hóa, ẩm thực vùng miền. Thiên đường ẩm thực ở TP HCM là điều kiện rất thuận lợi để thành phố phát triển du lịch về đêm, kinh tế đêm" - bà Trà nhận xét.
Nhiều DN cho rằng nếu TP HCM phát triển hiệu quả nhiều sản phẩm du lịch về đêm, thành phố không chỉ hưởng lợi từ việc du khách chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn mà còn góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống và quảng bá điểm đến hiệu quả hơn. "Chúng tôi mong muốn trung tâm TP HCM phải nhanh chóng trở thành thỏi nam châm mạnh, đủ sức hấp dẫn du khách cũng như người dân thành phố với những tuyến phố được quy hoạch bài bản, đồng bộ. Thành phố còn có rất nhiều tiềm năng lợi thế khác, như: môi trường trải nghiệm giá trị văn hóa đặc sắc, khám phá "bảo tàng ngoài trời", trung tâm mua sắm miễn thuế, quà lưu niệm đa dạng từ chất liệu gốm sứ, đá quý, thủy tinh, mây tre lá, dừa, lục bình, gỗ, sơn mài..." - ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - marketing Công ty TSTtourist, nói.
Cần "nhạc trưởng"
Theo các DN, để phát triển du lịch về đêm, trước hết, cần có một "nhạc trưởng" để quy hoạch bài bản, đồng bộ các sản phẩm du lịch nêu trên. Đầu tiên, có thể quy hoạch những tuyến phố đi bộ thành môi trường và "công cụ" khai thác "mỏ vàng" du lịch về đêm. "Mỏ vàng này có thể "đào" vào ban ngày với việc khai thác các điểm tham quan, ẩm thực, mua sắm; cũng có thể "đào" vào ban đêm với dịch vụ giải trí đêm, ẩm thực, mua sắm, ngắm thành phố lên đèn bằng buýt đường sông, xe điện, du thuyền. Mỏ vàng hiện nay mới chỉ đang ở những nhát cuốc khai phá. Cần thay đổi hiện trạng chung để TP HCM từ chỗ là điểm dừng chân trở thành điểm đến hấp dẫn. Muốn vậy, cần có sự đầu tư kỹ lưỡng về trí tuệ, chất xám; thăm dò và đánh giá đúng trữ lượng cũng như đối tượng thụ hưởng" - ông Nguyễn Minh Mẫn phân tích.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng cần phải có sự chuẩn bị trước, tổ chức bài bản, tạo nét đặc trưng riêng và điểm nhấn ở từng tuyến phố đi bộ. Đồng thời, các dịch vụ vui chơi giải trí, hàng hóa bày bán tại các điểm du lịch, tuyến phố... cũng phải có sự chọn lọc, tránh trùng lắp và nhàm chán; đặc biệt là phải bảo đảm an toàn trật tự, giá cả phù hợp, chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm... "Cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với hoạt động kinh tế ban đêm để bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn, an ninh và phân cấp mạnh cho địa phương. Quan trọng hơn cả là cần mô hình tổ chức quản lý kinh tế ban đêm tách biệt so với cơ quan chính quyền địa phương hiện hành" - bà Phương Hoàng góp ý.
Thêm sản phẩm đặc sắc, đặc trưng
Cũng theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch về đêm, TP HCM cần thông qua chiến lược phát triển du lịch mang tính dài hạn; tăng cường tổ chức các sự kiện du lịch lồng ghép với hoạt động văn hóa, mang dấu ấn thương hiệu điểm đến. Trong đó, có thể tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ như biểu diễn văn hóa nghệ thuật, phát triển khu ẩm thực, khu mua sắm..., để tăng cường hoạt động kinh tế về đêm. "Có thể quy hoạch các tuyến phố đi bộ có phố ẩm thực đặc trưng cho từng vùng miền để khi nhắc đến tuyến phố nào thì du khách và người dân địa phương khi có thể nhớ ngay đến vùng miền đó" - bà Phương Hoàng nêu quan điểm.
Nhiều DN cũng đồng tình với việc cần quy hoạch chuyên biệt các khu tham quan, giải trí, ẩm thực, mua sắm để làm nổi bật đặc trưng của điểm đến mà không chỉ là mô hình sao chép thiếu bản sắc. "Sản phẩm du lịch về đêm đã góp phần đưa TP HCM dần trở thành điểm du lịch thu hút du khách, khiến họ gia tăng thời gian tham quan, lưu trú, thay vì chỉ là điểm du lịch trung chuyển như trước đây. Chúng tôi mong thành phố có thêm nhiều dự án, sản phẩm du lịch đặc sắc hơn để đưa vào kế hoạch phát triển tuyến, điểm phục vụ các thị trường khách" - bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông lữ hành Fiditour - Vietluxtour, bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt đường sông ở TP HCM), nhu cầu đi buýt đường sông để ngắm cảnh vào chiều tối, ban đêm đang phục hồi rất nhanh. "Các tuyến buýt đường sông trong khung giờ từ chiều đến tối vào các ngày cuối tuần đều chật kín khách. Chúng tôi có thể đưa hoạt động buýt đường sông vào lịch trình tour du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách" - ông Toản thông tin.
Nghiên cứu sản phẩm văn hóa nghệ thuật
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho hay Sở Du lịch TP HCM sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù liên quan đến thế mạnh của thành phố, như: du lịch đường sông, du lịch "không ngủ", du lịch sự kiện kết nối với văn hóa trên địa bàn, đặc biệt là tạo điểm nhấn với những sự kiện thu hút sự chú ý của khách trong và ngoài nước.
Lãnh đạo Sở Du lịch đề xuất Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp các sở - ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức những lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao đã được phê duyệt; phối hợp với Sở Du lịch nghiên cứu, phát triển sản phẩm văn hóa nghệ thuật phục vụ khách du lịch.
Về phía Sở Du lịch, lãnh đạo sở khẳng định sẽ phối hợp với các sở - ngành xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-8
Theo Thái Phương