Danh thần Tăng Quốc Phiên vạch trần 3 biểu hiện của người không chín chắn: Nhẹ hỏng đại sự, nặng rước hoạ vào thân

Chia sẻ Facebook
25/10/2022 13:59:03

Danh thần Tăng Quốc Phiên vạch trần 3 biểu hiện của người không chín chắn: Nhẹ hỏng đại sự, nặng rước hoạ vào thân

Tăng Quốc Phiên là một trong "Tứ đại danh thần phục hưng cuối thời nhà Thanh", ông được hậu thế đánh giá rất cao, hết lời ca tụng. Con đường làm quan của ông cũng rất thần kỳ, bảy lần thi không đỗ, trong 10 năm 7 lần thuyên chuyển, thăng liền mười cấp, làm đến chức quan Nhị phẩm.

Tăng Quốc Phiên cả đời chăm chỉ, liêm khiết, không vì làm quan cao mà kiêu ngạo. Ông luôn nghiêm khắc với bản thân, lấy đức làm quan, trên quan trường cũng đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, đường thăng quan đều rất suôn sẻ. Cả đời ông đã thụ ích được rất nhiều bài học xử thế, biết mình biết người. Ông cho rằng, người không chín chắn sẽ biểu lộ ngay ra vẻ ngoài, với 3 đặc trưng cơ bản.


Nói nhiều

Tăng Quốc Phiên còn trẻ cũng là thiếu niên háo thắng, thường xuyên đấu khẩu với người khác, thậm chí còn vì tranh luận sự việc mà ẩu đả với đồng liêu của mình. Sau này ông tự kiểm điểm bản thân, liệt kê ra ba sai lầm lớn của ông trong cuốn nhật ký: Một là ngày thường tự cho mình là đúng nhất; hai là nói chuyện không biết chừng mực; ba là rõ ràng nói những lời làm mất lòng người ta, mà vẫn còn tranh cãi đến cùng với người ta. Sau này, Tăng Quốc Phiên ý thức được sự nguy hại của việc “nói nhiều”, thường xuyên tự mình kiểm điểm trong nhật ký, cuối cùng bỏ được thói quen xấu này.

Có câu chuyện, học trò của Mặc Tử hỏi Mặc Tử: “Thưa thầy, nói nhiều có tốt không?”.

Mặc Tử nói với học trò của mình: “Con nhìn xem con ếch đó, kêu loạn xạ cả ngày, không những không có ích lợi gì, mà còn khiến người ta chán ghét. Còn gà trống, nó chỉ cất tiếng gáy vào đúng thời điểm bình minh ló dạng, để tất cả mọi sinh vật đều biết là trời sáng rồi”.

Nói nhiều chưa chắc đã tốt, con người phải biết chừng mực - Ảnh: Pinterest

Có thể thấy, nói chuyện cần phải chú trọng thời cơ và chừng mực. Có một số chuyện, chỉ có thể nói trong điều kiện thích hợp, nếu không sẽ làm mất lòng người khác.

Những lời nói đã nói ra giống như mũi tên đã bắn khỏi cung, đã bắn ra thì không thể nào thu lại được nữa. Những lời nói không thích hợp, những lời nói ác độc thậm chí còn làm tổn thương người khác nặng nề hơn là mũi tên độc.

Đáng tiếc nhất là, có nhiều lúc người ta không cố tình muốn làm tổn thương đối phương, chỉ là không để ý, mà nói liên tục không dừng, làm tổn thương người khác mà bản thân lại không hay biết gì. Vì vậy, nói nhiều, trăm hại mà không một lợi. Nếu ai nhiều lời, lắm điều hãy nhanh chóng sửa đổi thói xấu này, xưa nay, người kiệm lời, thâm sâu mới khó dò, dễ làm nên chuyện lớn.


Kiêu ngạo

Tăng Quốc Phiên cho rằng, ngạo mạn là biểu hiện không chín chắn còn nghiêm trọng hơn việc nói nhiều. Những người kiêu ngạo đều rất tự cao, để thể hiện điểm mạnh của mình, chắc chắn sẽ dẫn đến mọi ganh ghét, đàn áp và đấu đá lẫn nhau. Vì vậy ông khuyên học trò rèn luyện tính điềm đạm, hướng nội và cẩn trọng.

Một học giả khác, Vương Dương Minh nói: “Người làm con kiêu ngạo, chắc chắn không thể hiếu thuận; người làm em kiêu ngạo, chắc chắn không thể tôn trọng anh trai”. Một người tự cao, kiêu ngạo thì sẽ không có bất cứ mối quan hệ giao tiếp hay quen biết gì cả, không chỉ như vậy, mà họ thậm chí còn không thể xử lý tốt các mối quan hệ cơ bản nhất như mối quan hệ với cha mẹ, vợ chồng, và anh em.

Bất chấp thủ đoạn là biểu hiện của sự thiếu chín chắn - Ảnh: Pinterest

Người xưa dạy, người, khi một người đến tuổi 20 mà vẫn không ngông cuồng, người này không có tích sự gì cả; đến 30 tuổi rồi mà vẫn còn ngông cuồng, thì cũng là vô tích sự. 20 tuổi đang là độ tuổi tự mãn của tuổi trẻ ngông cuồng, vì thế sẽ không ai trách móc tính ngông cuồng đó, mọi người đều sẽ khoan dung, bởi vì thanh niên trẻ tuổi mới bước chân vào đời, vốn dĩ không biết trời cao đất dày là gì. Nhưng nếu như đã 30 tuổi rồi mà vẫn còn ngông, kiêu ngạo, thì người này vẫn chưa chín chắn, có sự khác biệt rất lớn về mặt tâm trí. Kiêu ngạo, tự mãn chính là cội nguồn của thất bại, tranh đoạt, tị hiềm.


Bất chấp thủ đoạn

Theo bậc thầy Tăng Quốc Phiên, phàm người làm chuyện gì cũng luôn muốn đi đường tắt, dùng thủ đoạn, chính là một biểu hiện của sự thiếu chín chắn. Bởi vì trên đời này có những chuyện không phải lúc nào cũng dễ dàng gạt hái được kết quả như mong muốn, đôi khi cần phải bỏ một phần sức lực mới có thể nhận lại một phần thành quả. Những người luôn muốn đi con đường tắt, một là lười biếng, hai là tâm lý thích dùng thủ đoạn để đạt được lợi ích luôn thường trực, cuối cùng rất khó thành tựu được chuyện lớn.

Ông dặn hậu thế trăm năm sau: “Kiên kỳ chí, khổ kỳ tâm, lao kỳ lực, vô sự đại tiểu, tất hữu sở thành”. Câu này có nghĩa là: Chỉ cần kiên định ý chí, khổ luyện tâm trí, dốc sức làm việc, dù việc lớn hay nhỏ cũng đều làm thật tốt, thì chắc chắn sẽ có thành tựu.

Chia sẻ Facebook