'Danh sách đen' nhận hàng triệu USD của Phan Quốc Việt trong vụ Việt Á
Trong vụ Việt Á, Phan Quốc Việt có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án đã cùng cấp dưới đưa hối lộ hơn 80 tỷ đồng cho các cựu cán bộ.
Ngày 18/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đồng thời đề nghị truy tố 38 bị can liên quan đến vụ Việt Á .
Trong kết luận điều tra vụ sai phạm mua sắm kit test của Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á) tội 'Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và tội Đưa hối lộ'.
Theo kết luận điều tra, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu kit test xét nghiệm, sau đó chiếm đoạt, biến test thành sản phẩm của công ty để sản xuất, tiêu thụ, Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) để Việt Á được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tham gia, phối hợp Học viện Quân y thực hiện đề tài.
Bị can Phan Quốc Việt
Sau đó, bị can Việt đề nghị Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ), ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) can thiệp, tác động, chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) để Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test xét nghiệm Covid-19.
Khi Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 test xét nghiệm cho Bộ Y tế, Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/kit test không có căn cứ. Sau đó, Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất nhưng không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị xử lý, dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng mức giá trên, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương.
Bộ Công an nhận định, hành vi thông đồng, cấu kết của Phan Quốc Việt với các bị can thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ nêu trên đã giúp Công ty Việt Á biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước, thành sản phẩm thương mại thuộc sở hữu của Công ty Việt Á. Hành vi của các cựu quan chức trong vụ án này đã giúp Công ty Việt Á sản xuất, tiêu thụ kit xét nghiệm, thu lời bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại tài sản nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Kết quả điều tra xác định trong 2 năm 2020, 2021 tổng doanh thu của Công ty Việt Á là hơn 4.247 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Việt Á đã sản xuất tổng hơn 8,7 triệu kit test, đã tiêu thụ cho các đơn vị, cơ sở y tế là hơn 8,3 triệu kit test với tổng giá trị hơn 3.929 tỷ đồng (giá 470.000 đồng/kit). Trong đó, đã được thanh toán hơn 5.918.266 kit test xét nghiệm với tổng giá trị 2,257 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, trong quá trình phạm tội Phan Quốc Việt đã gây thiệt hại hơn 432 tỷ đồng, đưa hối lộ với tổng số tiền là 3 triệu USD (tương đương hơn 68 tỷ đồng) và 4 tỷ đồng.
Trong đó, Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh (thư ký của ông Long) 4 tỉ đồng; Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế) 300.000 USD; Trịnh Thanh Hùng (cựu vụ phó Vụ KH-CN) 350.000 USD; Nguyễn Nam Liên (cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế) 100.000 USD.
Bên cạnh đó, Việt còn chi tiền 'bôi trơn' cho ông Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ) 200.000 USD; Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) 200.000 USD; Phạm Công Trạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) 50.000 USD.
Theo cơ quan điều tra, Việt đưa hối lộ và chi 'lót tay' những người trên với mục đích để cảm ơn việc tác động, tạo điều kiện giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm kit xét nghiệm, được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á và được tạo điều kiện hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương theo giá đã được Phan Quốc Việt nâng khống.
>> Xem thêm: