Dành hết 700 triệu đồng tiền tổ chức đám cưới để làm từ thiện
Một cặp vợ chồng Trung Quốc đang là tâm điểm chú ý của mạng xã hội.
Theo đó, cặp vợ chồng này đã từ bỏ kế hoạch tổ chức lễ cưới xa hoa và tặng toàn bộ số tiền 700 triệu đồng cho trẻ em, phụ nữ và cựu chiến binh nghèo.
Anh Ma Jianguo (36 tuổi) và vợ là Daruirui, sống ở tỉnh Quảng Đông, đã quyết định quyên 200 nghìn nhân dân tệ (gần 700 triệu đồng) - số tiền mà họ để dành cho việc tổ chức đám cưới đặc biệt của mình - để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Trong đó, 100 nghìn tệ được họ trao cho Quỹ phúc lợi xã hội Trung Quốc, số còn lại được chuyển cho Quỹ hỗ trợ xã hội Trung Quốc, Tổ chức từ thiện Long Yue và các tổ chức từ thiện khác. Phần lớn trong số tiền trên sẽ được dành để hỗ trợ trẻ em đói nghèo, phụ nữ ở các khu vực kém phát triển và cựu chiến binh nghèo.
Ma Jianguo cho biết, thay vì tổ chức đám cưới xa hoa, hai người sẽ có một hôn lễ nhỏ gọn, đơn giản, không yêu cầu khách mời tặng quà hay tiền mặt như truyền thống. Số tiền được quyên góp là tiền tiết kiệm của họ và quà mừng của gia đình hai bên.
Ý tưởng quyên góp toàn bộ số tiền tổ chức đám cưới được cặp đôi chia sẻ với gia đình và được ủng hộ rất nhiệt tình.
Cộng đồng mạng dành nhiều lời khen cho nghĩa cử của họ: “…Thật là một cặp đôi tốt bụng, cho đi là nhận lại, hy vọng rằng các bạn sẽ gặp nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống"...
Trước đó đã có một cặp đôi ở Trung Quốc sống dè sẻn cả đời để mang 33 tỷ đồng đi làm từ thiện. Câu chuyện về cặp vợ chồng cụ ông và cụ bà sống tằn tiện không dám mua quần áo mới trong suốt nhiều thập kỷ, nhưng sẵn lòng quyên góp 10 triệu nhân dân tệ (hơn 33 tỷ đồng) cho quỹ giáo dục ở quê nhà, cũng gây xôn xao dư luận Trung Quốc thời gian vừa qua.
Đó là cụ bà Ma Xu, 90 tuổi và cụ ông Yan Xuegong. Hai vợ chồng hiện sống ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung của Trung Quốc, nhưng quê gốc của hai cụ ở Hắc Long Giang.
Số tiền cả hai kiếm được nhờ các khoản tiền lương và nhiều phát minh. Tuy nhiên, hai vợ chồng lại chi tiêu rất dè sẻn.
Cụ Ma tiết lộ, đến giờ họ vẫn sống ở ngôi nhà gỗ nhỏ đã xuống cấp, đi giày chỉ có giá 15 tệ (hơn 50.000 đồng) và dùng loại điện thoại nắp gập từng mua cách đây hơn chục năm.
Cụ cho rằng: "Chỉ khi trẻ em nhận được nền giáo dục tốt thì quê hương chúng tôi mới phát triển".
Câu chuyện của hai cụ đang nhận được sự ngưỡng mộ trên nhiều nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.
T.Lâm (t/h)