Đánh giá Intel Core i9-13900K: sức mạnh lớn đi kèm với yêu cầu về tản nhiệt xịn
(Tổ Quốc) - Với sức mạnh đầu bảng cho máy tính cá nhân, người dùng sẽ cần trang bị cho cấu hình Intel Core i9-13900K của mình một chiếc tản nhiệt đầu bảng tương ứng.
Đến hẹn lại lên, mỗi dịp tháng Chín, tháng Mười hàng năm, giới công nghệ lại được một dịp xốn xang khi Intel ra mắt thế hệ CPU Intel Core mới nhất cho máy tính để bàn. Dù định luật Moore đã không còn được bảo toàn, việc nâng cấp hay cải tiến công nghệ trên CPU vẫn là thứ được mong chờ, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa hai đội xanh và đỏ. Quả thực Intel Core thế hệ 13 đã không làm người ta thất vọng khi mang đến những nâng cấp mạnh mẽ về hiệu năng dù vẫn sử dụng socket LGA1700 giống với thế hệ 12.
Là sản phẩm đầu bảng, Intel Core i9-13900K vẫn là sản phẩm được ưu tiên và nâng cấp nhiều nhất. Năm nay, Intel đã bổ sung thêm tới 8 lõi E-Core, nâng tổng số E-Core lên tới 16 trong khi giữ nguyên 8 P-Core. Nhờ vậy, tổng số luồng xử lý được tăng từ 24 lên 36 so với người tiền nhiệm i9-12900K. Nhờ vậy, người dùng có thể làm việc đa tác vụ tốt hơn hoặc có được khả năng xử lý mạnh mẽ hơn cho các tác vụ cần nhiều luồng xử lý như dựng hình 3D, xử lý video.
Vẫn theo truyền thống hai năm thay socket một lần, i9-13900K tiếp tục sử dụng socket LGA1700 và tương thích với các bo mạch chủ 700 series và tương thích ngược với 600 series. Tuy nhiên, bởi vẫn giữ thiết kế 1 die cũng như sử dụng tiến trình Intel 7 (10nm), các CPU Intel Core i sẽ tiếp nối truyền thống ăn nhiều điện và tỏa nhiệt lớn để đánh đổi cho hiệu năng hàng đầu.
Cấu hình thử nghiệm:
CPU: Intel Core i9-13900K RAM: G.SKILL RipJaws S5 2x16GB 5200MHz Mainboard: ASUS ROG MAXIMUS Z790 HERO GPU: MSI Gaming RTX3070
Với xung nhịp tăng cùng số lõi/ luồng, i9-13900K đã có bước nhảy vọt về hiệu năng so với i9-12900K, đặc biệt là ở các bài thử với các tác vụ đa luồng. Đơn cử với bài thử Cinebench R23 quen thuộc, trong khi điểm đơn luồng chỉ tăng chút đỉnh, gần 10% thì điểm đa luồng tăng tới gần 30%, tương ứng với số lượng lõi/ luồng cao hơn.
Tương tự với bài thử CPU-Z, điểm số của i9-13900K cao hơn người tiền nhiệm gần 10% tại bài thử đơn lõi và hơn 30% với bài thử đa lõi.
Ở điều kiện sử dụng thực tế, với bài thử dựng khung hình 3D bằng Blender 3.3 với mẫu Barbershop, i9-13900K chỉ cần khoảng 10,5 phút để hoàn thành trong khi i9-12900K phải cần tới gần 16 phút để hoàn thành và đổ bóng khung hình.
Sức mạnh của i9-13900K không phải là không có giá. Để mang tới sức mạnh khủng khiếp cùng bước nhảy vọt về hiệu năng so với i9-12900K, CPU đầu bảng mới nhất của Intel có thể ngốn tới 253W điện mỗi giờ. Nếu kết hợp với một chiếc RTX 4090 thì chắc chắn người dùng sẽ cần phải trang bị cho mình một chiếc nguồn từ 1000W trở lên.
Tiêu tốn điện cũng đồng thời dẫn đến việc i9-13900K sẽ yêu cầu tản nhiệt CPU hàng khủng để đảm bảo hoạt động ở mức dưới 100 độ C. Nếu không phải tản nhiệt cây siêu khủng như Noctua NH-D15 thì người dùng nên sẵn sàng trang bị cho mình một chiếc tản nhiệt có rad kích thước 360mm hoặc thậm chí tản nhiệt custom để đảm bảo khả năng tản nhiệt. Bằng không, i9-13900K có thể dễ dàng chạm ngưỡng 100 độ C và phải giảm xung nhịp để giảm nhiệt, ảnh hưởng đến hiệu năng chung của hệ thống. Việc giảm xung sẽ khiến hiệu năng của hệ thống giảm khoảng 10% theo đo đạc của chúng tôi.
Tựu trung lại, Intel Core i9-13900K vẫn là một chiếc CPU đầu bảng với sức mạnh top đầu thị trường CPU máy tính để bàn ở thời điểm hiện tại. Sức mạnh quá lớn cũng khiến chiếc i9-13900K trở nên khó kiểm soát hơn, yêu cầu người dùng phải đầu tư tản nhiệt xịn, nguồn công suất lớn và thậm chí là cả một chiếc vỏ máy kích thước lớn để đảm bảo luồng khí nóng có thể đối lưu tốt. Tất nhiên, nếu đã là một người dùng đam mê và điều kiện kinh tế cho phép thì combo Intel Core i9-13900K và NVIDIA RTX 4090 vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu ở thời điểm này để tận hưởng hết những công nghệ mới nhất.