Đánh giá Final Audio ZE3000: Còn chỗ đứng cho tai nghe chỉ để nghe nhạc?

Chia sẻ Facebook
17/09/2022 04:27:20

(Tổ Quốc) - Gần như không trang bị bất cứ một công nghệ hiện đại nào, liệu cặp tai nghe True Wireless từ Nhật Bản này có thể giữ người dùng bằng thứ mà nó làm tốt nhất: chất lượng âm thanh?

Như đã đề cập nhiều lần, thị trường tai nghe không dây hoàn toàn (True Wireless) hiện nay đã chia ra 2 trường phái, những tập đoàn công nghệ lớn tận dụng thế mạnh của mình để ra sản phẩm hiện đại, có nhiều tính năng phụ trợ, còn các thương hiệu âm thanh truyền thống đem tới các cặp hướng nhiều hơn tới khả năng tái tạo nhạc.


Final Audio - một hãng âm thanh khá lâu đời đến từ Nhật Bản (theo thông tin từ hãng thì được thành lập từ tận 1974) sau một thời gian dài chờ đợi thì cũng đã bước chân vào thị trường TWS với sản phẩm mang tên Final Audio ZE3000 mà chúng ta có tại đây.

Sản phẩm có 2 phiên bản là đen và trắng, được thể hiện ngay tại vỏ hộp.

Trên vỏ cũng có một dòng giới thiệu "Tai nghe không dây hoàn toàn cho những người đam mê âm nhạc", một lần nữa khẳng định đối tượng mà cặp tai nghe này hướng tới.

Mở hộp ra ta thấy tai nghe, hộp sạc được đặt trên một lớp mút mềm, các phụ kiện được đặt trong hộp giấy ở phía dưới.

Các phụ kiện này bao gồm 4 cặp đệm tai cao su và một sợi dây sạc USB Type-C.

Ấn tượng đầu tiên về thiết kế của tôi dành cho cặp tai nghe này nằm ở hoàn thiện vỏ ngoài. Hộp sạc lẫn tai nghe đều được làm bằng nhựa, có những lớp sần mà hãng gọi là "Shinbo" khá giống với các máy ảnh DSLR của Canon và Nikon. Bề mặt này khiến tai nghe nhìn giống như được làm bằng giấy, và sờ vào cũng ráp tay hơn so với các cặp tai nghe khác trên thị trường, khá là khác biệt!

Theo như công bố của Final Audio thì ZE3000 có thể chơi nhạc được trong 7 tiếng liên tiếp và nâng lên 35 tiếng với hộp sạc này.

Hộp sạc này không được tích hợp 2 công nghệ mới là sạc nhanh và sạc không dây, và theo như công bố thì cần 2 tiếng sạc qua cổng USB Type-C ở dưới đáy để đầy pin.

Sự khác biệt trong thiết kế không chỉ dừng lại ở chất liệu vỏ ngoài, mà cả trong hình dáng của tai nghe nữa. ZE3000 được thiết kế khá góc cạnh, với mặt ngoài được chia ra làm 2 phần rất riêng biệt và chỉ có phần rìa mới dùng để cảm ứng để tránh bấm nhầm. Tai nghe có chuẩn kháng nước IPX4 tức là mức trung bình, có thể kháng mồ hồi, mưa nhỏ chứ không nhúng được dưới nước.

Nhìn vào kiểu dáng khá "dị" này thì chắc chắn nhiều bạn sẽ lo lắng về độ thoải mái, tính công thái học của ZE3000. Trên thực tế thì chất lượng đeo của cặp tai nghe này lại không phụ thuộc vào vỏ ngoài, vì phần này nhìn thì góc cạnh nhưng không cấn vào vành tai của người đeo, nên không tạo cảm giác khó chịu.

Điểm quyết định vấn đề công thái học lại nằm ở việc chọn đệm tai, vì ống âm của cặp tai nghe này được làm hơi ngắn so với bình thường nên nếu dùng đệm nhỏ thì sẽ bị hở âm ra ngoài. Đối với tôi thì cặp tai nghe này đeo thoải mái nhất khi dùng với các loại đệm mua ngoài có chiều dài dài hơn so với loại được tặng trong hộp, như Spinfit chẳng hạn.

Việc đánh giá tính năng của của cặp tai nghe này là một công việc đơn giản, vì nó không hề có chống ồn chủ động, không có ứng dụng điều khiển nên không nâng cấp được phần mềm, không chuyển được thao tác cảm ứng, và tất nhiên là không có 3D Audio hay Spatial Audio gì cả.

Giải thích về màng loa f-Core và thiết kế thoát âm f-Link của Final Audio ZE3000

Công nghệ "sang" nhất của ZE3000 nằm ở việc tái tạo âm thanh, với màng loa "f-Core" và hệ thống tản âm "f-Link". Theo như lời giải thích của hãng, những tai nghe TWS trên thị trường có hệ thống màng loa khép kín khiến âm trầm bị đẩy lên quá nhiều, chất âm vì vậy cũng bị mất cân bằng. Thiết kế của ZE3000 cho phép màng loa có lỗ thoát khí, giảm độ vang của âm trầm và cũng không phải tăng các dải âm khác để bù trừ.

Biểu đồ tần số mà hãng cung cấp cũng thể hiện chất âm thực tế luôn, đó là hướng tới sự cân bằng trong toàn dải âm, tránh hiện tượng V-shape nhất có thể. Cũng vì kiểu âm này mà những ai đã quen với các cặp TWS khác trên thị trường mới nghe ZE3000 sẽ thấy nó bị thiếu âm trầm. Không nhiều về lượng trầm nhưng tai nghe "bù" cho người dùng bằng chất, dải trầm của ZE3000 có tốc độ khá nhanh, không gằn mạnh mẽ nhưng luôn cho độ căng rất rõ rệt.


Điểm mạnh nhất của cặp tai nghe này nằm ở độ chi tiết, đặc biệt là trong giọng ca sĩ nữ và dải cao. Với dải trung cao (high-mid) sáng và sạch sẽ, những giọng ca như Fleurie trong bài Hurts Like Hell trở nên nổi bật, mang tính "airy" cao. Giọng ca sĩ dù là nam hay nữ đều không bị "pha màu" mà thể hiện đúng với chất giọng của họ, đúng với định hướng về chất âm tự nhiên của tai nghe. Dải cao cũng mang đúng tính chất sạch sẽ, độ chi tiết cao như vậy, ví dụ như tiếng xúc xắc rất "tơi" và tách bạch trong bài Africa của Toto .

Để tóm gọn chất âm của ZE3000, thì đây không phải là cặp tai nghe để nghe "tạp" nhiều thể loại nhạc hay sẽ trở nên sôi động với các bài EDM. Tai nghe phù hợp nhất với các bài nhạc Jazz, Folk hay Ballad tiết tấu chậm rãi với giọng ca sĩ là trung tâm hay các bài nhạc Instrumental có nhiều nhạc cụ đòi hỏi độ chi tiết, độ rộng âm trường tốt.

Một sản phẩm kén người dùng

Là một người theo trường phái "Tai nghe là dùng để nghe nhạc", tôi luôn cảm thấy hứng thú với các sản phẩm đặt vấn đề âm thanh lên hàng đầu như Final Audio ZE3000. Nhưng khi nhìn rộng ra một chút, các hãng lớn như Samsung, Apple, Huawei, Sony với các sản phẩm Galaxy Buds2 Pro, AirPods Pro 2 hay Freebuds Pro 2 cũng đang tiến rất nhanh trong mảng này, trong khi đó vẫn dẫn đầu về mặt công nghệ.

Vì vậy mà ZE3000 là một sản phẩm kén người dùng hơn, không dành cho số đông. Đa phần mọi người sẽ muốn có chống ồn chủ động, hộp sạc nhanh và sạc không dây hơn hay ứng dụng điều khiển trên smartphone để nâng cao trải nghiệm. Đối với người chơi nhạc "hardcore" hơn, tôi vẫn thấy được giá trị của cặp tai nghe này khi nó đem lại tính kỹ thuật trong xử lý âm thanh mà các sản phẩm khác, ít nhất là trong tầm giá chưa chạm tới được.


Sản phẩm đánh giá được cung cấp bởi SVHouse

Chia sẻ Facebook