Đánh bại Đại Lý giúp vùng biên giới của Đại Cồ Việt được yên bình
Vào đầu thế kỷ 11, Đại Lý kế thừa Nam Chiếu nổi lên là một vương quốc hùng mạnh, lãnh thổ bao gồm Vân Nam, Quý Châu và phía tây nam...
Vào đầu thế kỷ 11, Đại Lý kế thừa Nam Chiếu nổi lên là một vương quốc hùng mạnh, lãnh thổ bao gồm Vân Nam, Quý Châu và phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, cùng một phần lớn vùng đất thuộc tấy bắc của Việt Nam ngày nay như Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, v.v.. Vùng đất nằm ở biên giới phía bắc của Đại Cồ Việt lúc đó thuộc về người Tày, người Nùng và người Thái, đứng đầu là các tù trưởng. Đứng trước 3 thế lực lớn là Đại Lý, Đại Cồ Việt và nhà Tống, các tù trưởng phải chọn cho mình một bên để thần phục. Cũng vì thế mà vùng biên giới rất phức tạp, không ổn định, có những nơi hết thuộc về bên này đến thuộc về bên khác.
Đại Cồ Việt lúc này ở vào thời vua Lý Thái Tổ, vùng biên giới phía bắc triều đình để cho các tù trưởng quản lý. Đại Lý thời kỳ này phát triển mạnh, thường xuyên đến vùng biên giới với Đại Cồ Việt để buôn bán. Tuy nhiên vua Lý Thái Tổ muốn dần dần quản lý chặt hơn nhằm ổn định vấn đề biên giới.
Cuối năm 1012, người Đại Lý đưa rất nhiều ngựa đến bến Kim Hoa, châu Vị Long (ba huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên và Na Hang thuộc tỉnh Tuyên Quang ngày nay) của Đại Cồ Việt để buôn bán. Việc buôn bán nay được tù trưởng địa phương là Hà Trắc Tuấn cho phép nhưng không hề báo với triều đình nhà Lý.
Được tin, vua Lý Thái Tổ cho người đến bắt các thương nhân cùng tùy tùng, tịch thu 1 vạn ngựa.
Đại Lý lúc này đang trong thời kỳ hưng thịnh, vua Đoàn Tố Liêm không bỏ qua chuyện này, quyết trả đũa. Tù trưởng châu Vị Long là Hà Trắc Tuấn cũng ngỏ ý muốn chống lại Đại Cồ Việt. Không bỏ qua cơ hội này, Đại Lý liên thủ cùng tù trưởng Hà Trắc Tuấn quyết chiếm châu Vị Long, sau đó sẽ chiếm thêm một số châu khác ở Tây Bắc.
Tin cấp báo về, vua Lý Thái Tổ quyết định thân chinh đánh Hà Trắc Tuấn trước khi quân Đại Lý tiến sang. Quân của Hà Trắc Tuấn ít hơn nên không chống nổi quân triều đình, ông phải cho quân rút vào vùng núi, rồi ngầm liên kết với người Nùng, người Thái, người Tày cùng chống lại Đại Cồ Việt.
Tháng giêng năm 1014, Đại Lý tiến đánh châu Vị Long, Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép Đại Lý có 20 vạn quân: “Mùa xuân, tháng giêng, tướng của người Man là Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí đem 20 vạn người Man vào cướp, đóng đồn ở bến Kim Hoa, dàn quân đóng trại gọi là trại Ngũ Hoa” . An Nam chí lược thì chép quân Đại Lý chỉ có 3 vạn người. Việc ghi chép không thống nhất này, có thể là do Đại Việt Sử ký ghi cả quân binh và dân phu.
Thấy quân địch đến, châu mục Bình Nguyên (thuộc Hà Giang ngày nay) là Hoàng Ân Vinh liền cấp báo tin về kinh thành. Vua Lý Thái Tổ cử em mình là Dực Thánh Vương dẫn quân đến đánh.
Quân Đại Lý nổi tiếng về kỵ binh, ngựa nổi tiếng là tốt nhất trong các nước phía nam, vì thế mà vào thế kỷ thứ 9, Nam Chiếu từng nhiều lần đánh bại nhà Đường. Quân Đại Lý đến bến Kim Hoa, dàn quân ở trại Ngũ Hoa sẵn sàng chờ quân Việt.
Quân Đại Cồ Việt vốn không mạnh về kỵ binh, nhưng có được 1 vạn ngựa lấy của Đại Lý từ cuối năm 1012. Mặt khác Đại Cồ Việt có cả tượng binh mà quân đối phương không có.
Dực Thánh Vương đến Vị Long, cho dàn quân rồi đánh thẳng. Dù Đại Lý có kỵ binh mạnh nhưng không chống nổi kỵ binh kết hợp tượng binh cùng cung nỏ của Đại Cồ Việt, nên quân Đại Lý tử trận nhiều, số còn lại tháo chạy. Dực Thánh Vương thúc quân truy đuổi, bắt sống được viên tướng chỉ huy là Dương Trường Huệ, thu được ngựa chiến và lương thực.
Lúc này nhà Tống đang gây sức ép với Đại Cồ Việt. Vua Lý Thái Tổ liền sai đem 100 ngựa bắt được của Đại Lý sang biếu vua Tống, đồng thời báo tin thắng trận cho nhà Tống biết, nhằm cho nhà Tống thấy sức mạnh của Đại Cồ Việt.
Vua Tống hay tin Đại Lý bị đánh bại thì có phần e ngại Đại Cồ Việt, liền đài thọ toàn bộ chi phí cho đoàn sứ bộ, khi ra về vua Tống cũng tặng rất nhiều quà. Vua Tống không còn gây sức ép với nhà Lý nữa, quan hệ Tống-Việt cũng êm đẹp trong một thời gian.
Sau chiến thắng này, một số tù trưởng vốn có ý ly khai đã thấy rõ sức mạnh của quân Đại Cồ Việt, liền một lòng thần phục.
Khi tù trưởng Hà Trắc Tuấn tiếp tục liên minh với các tù trưởng khác cùng chiếm các châu Đô Kim, Vị Long, Thường Tân, Bình Nguyên chống lại nhà Lý, vua Lý Thái Tổ sai Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương đi đánh. Hà Trắc Tuấn không địch nổi, bị bắt sống giải về kinh đô rồi bị xử chém.
Chiến thắng này giúp vùng biên giới của Đại Cồ Việt được yên bình, các nước đều không dòm ngó, các tù trưởng cũng thần phục triều đình.
Trần Hưng
Mời xem video :