Đáng sợ bệnh "khóc ra máu", có thể gây tử vong tới 40% chỉ sau cơn sốt

Chia sẻ Facebook
11/06/2022 11:31:02

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong của căn bệnh này lên tới 40%, thường vào tuần thứ hai sau khi người bệnh nhiễm virus.

Ngày 1/6, WHO công bố về đợt bùng phát sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF) tại Iraq. Theo một báo cáo được công bố trên trang web của WHO, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm (1/1-22/5), các cơ quan y tế của Iraq đã thông báo về 97 ca mắc CCHF được xác nhận và 115 ca bị nghi ngờ mắc bệnh. Đặc biệt, 27 người đã tử vong.

Cũng theo báo cáo trên, số ca mắc bệnh này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 khi 33 ca được xác nhận trong phòng thí nghiệm. Báo cáo cảnh báo đợt bùng phát dịch bệnh lần này ở Iraq có thể gây thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã quá tải.

Sốt xuất huyết Crimean-Congo là gì?

Sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF) là bệnh lây nhiễm virus đặc hữu ở châu Phi, Balkans, Trung Đông và nam Á. CCHF gây ra do nairovirus, họ bunyaviridae.

Cũng như các bệnh sốt xuất huyết khác, Dengue hemorrhagic fever (DHF) hay Rift Valley Fever (RVF), Crimea-Congo fever cũng có biểu hiện xuất huyết da niêm mạc. Điểm đặc biệt của CCHF là có xuất huyết kết mạc mắt, “khóc ra máu”.

Virus CCHF sống ký sinh trên các động vật hoang dã và gia súc như trâu, bò, cừu và dê. Nhiều loài chim có khả năng kháng bệnh, nhưng đà điểu rất nhạy cảm và có tỷ lệ nhiễm bệnh cao các vùng dịch lưu hành và có thể lây sang người.

Vectơ truyền virus CCHF là các loại ve, bọ thuộc chi hyalomma. Ảnh: Freepik.

Vectơ truyền virus CCHF chính là các loại ve, bọ thuộc chi hyalomma. Virus CCHF lây truyền cho người qua vết cắn hoặc qua tiếp xúc với máu, mô động vật khi giết mổ. Sự lây truyền từ người sang người có thể xảy ra do tiếp xúc gần gũi với máu, chất tiết, các cơ quan hoặc các chất dịch cơ thể người bị bệnh. Nhiễm trùng bệnh viện cũng có thể xảy ra do khử trùng thiết bị y tế không đúng cách, tái sử dụng kim và vật tư y tế nhiễm bẩn.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đánh giá đây là bệnh sốt xuất huyết do bọ chét lây lan rộng nhất. Ước tính 3 tỷ người có nguy cơ bị nhiễm trùng trên toàn cầu. Trong đó, từ 10.000 đến 15.000 ca nhiễm trùng xảy ra hàng năm. Đặc biệt, 500 ca bệnh trong số này tử vong.

CCHF do virus thuộc giống Orthonairovirus (họ Nairoviridae, bộ Bunyavirales). Nó được mô tả lần đầu tiên vào năm 1944 ở Crimea và được đặt tên là sốt xuất huyết Crimea.


Năm 1969, các quan chức y tế thế giới công nhận mầm bệnh gây ra sốt xuất huyết ở Crimea tương tự loại gây bệnh ở Congo vào năm 1956. Vì mối liên kết của hai địa danh, bệnh được đặt theo tên ghép như vậy.

Theo ECDC, loài bọ ve mang mầm bệnh đã xuất hiện tại Bắc Phi và châu Á, đồng thời cũng có mặt ở Nam - Đông Âu.

Các đợt bùng phát bệnh này từng là mối đe dọa với dịch vụ y tế công cộng các nước vì virus có thể gây bùng nổ dịch, tỷ lệ tử vong cao và nhiều nơi sẽ phải chịu áp lực lên hệ thống y tế. Căn bệnh này rất khó phòng ngừa, điều trị.


Theo WHO, tỷ lệ tử vong của bệnh dao động 10-40% ca nhiễm tử vong, thường vào tuần thứ hai sau khi người bệnh nhiễm virus. Ở những bệnh nhân hồi phục, sức khỏe của họ cải thiện rõ rệt từ ngày thứ 9 hoặc 10 sau khi phát bệnh.

Hiện tại, sốt xuất huyết Crimean-Congo là bệnh đặc hữu (lưu hành) ở châu Phi, Balkan, Trung Quốc, châu Á.

Dấu hiệu và triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện đột ngột gồm sốt, đau cơ, chóng mặt, đau cổ, cứng khớp, đau lưng, nhức đầu, đau mắt và sợ ánh sáng. Có thể buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng và đau họng..Tiếp theo là sự thay đổi tâm thần kinh: sau 2-4 ngày đầu kích động, vật vã sẽ đến trạng thái buồn ngủ, trầm cảm… Bệnh có thể ói mửa, đau bụng hạ sườn phải với gan to.

Các dấu hiệu lâm sàng khác bao gồm nhịp tim nhanh, sưng hạch bạch huyết, phát ban xuất huyết ở da, niêm mạc miệng, họng… Bệnh thường có dấu suy đa tạng: gan, thận, hô hấp…

Theo ECDC, ở các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị xuất huyết dưới da như sốt xuất huyết, chảy máu cam, bầm tím tại một số vị trí. Một số ít bệnh nhân có thể có biểu hiện thay đổi tâm trạng, bối rối và hung hăng.

Chưa có thuốc chữa đặc hiệu và vắc-xin phòng ngừa

Hiện nay chưa có thuốc kháng virus cụ thể để điều trị người bị CCHF. Khi phát hiện người bệnh, các bác sĩ thường theo dõi sự cân bằng chất lỏng và điện giải của bệnh nhân, chức năng đa phủ tạng, tình trạng đông máu.

Trong một số trường hợp, thuốc kháng virus Ribavirin có thể được dùng sớm sau khi người bệnh khởi phát triệu chứng hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng nặng, dự phòng sau phơi nhiễm.

Nghiên cứu trong ống nghiệm và trên động vật cũng đã cho thấy kết quả tích cực của thuốc Favipiravir. Ở nhiều quốc gia, bệnh nhân được sử dụng các globulin miễn dịch chống CCHFV.

Cũng như sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Crimean-Congo cũng chưa có vắc-xin phòng ngừa. Việc kiểm soát và phòng bệnh chỉ nhằm vào 2 mục đích: Khống chế nguồn lây virus từ vệ sinh chuồng trại, tiêu diệt các côn trùng trung gian truyền bệnh từ vật nuôi như ve, bọ chét…và Giảm thiểu nguy cơ bị lây nhiễm virus vào con người như thuốc xua côn trùng, cách ly với vật nuôi, người mắc bệnh.

Các tài liệu y tế nhấn mạnh việc điều trị sớm là yếu tố quyết định, giúp cứu mạng người bệnh, giảm thiểu rủi ro tử vong, hạn chế nguy cơ lây lan dịch.


Minh Hoa (t/h theo Zing, Dân Trí )

Chia sẻ Facebook