Đằng sau vẻ đẹp của sợi tự nhiên – Phần III: Cotton

Chia sẻ Facebook
13/09/2023 04:39:57

Bạn yêu thích những bộ quần áo từ vải cotton? Thích cảm giác được nằm trên tấm ga trải giường cotton hay dùng những chiếc khăn bông có độ thấm hút cao? Không phải mỗi bạn đâu, mọi người đều yêu thích chúng! Bông (hay cotton) là loại sợi tự nhiên được sử dụng phổ biến và là một trong những loại cây trồng phi lương thực quan trọng nhất trên thế giới.

Ngành sản xuất bông mang lại thu nhập cho khoảng 250 triệu người trên toàn thế giới. (Ảnh: muratart/ Shutterstock)


Khoảng 80% sợi tự nhiên trên thế giới có nguồn gốc từ cây bông (chi Gossypium ), một thành viên của họ cây cẩm quỳ ( Malvaceae ) bao gồm cả cây cacao được ưa chuộng và cây đậu bắp hơi kỳ lạ nhưng có vị ngon tuyệt.


Tiếp tục loạt bài về sợi tự nhiên, chúng ta bước vào thế giới thực vật để tìm hiểu quy trình từ gieo hạt đến kéo sợi của cây bông – một ngành mang lại thu nhập cho khoảng 250 triệu người trên toàn thế giới. Nếu bạn không biết cần bao nhiêu công sức để sản xuất ra bông thì hãy chuẩn bị để được mở mang đầu óc. Và rất có thể bạn sẽ không bao giờ nhìn một miếng bông bình thường theo như cách bây giờ nữa!

Cây bông


Chi Gossypium xuất hiện lần đầu tiên cách đây hơn 5 triệu năm, với các loài bông khác nhau được trồng ở các vùng cận nhiệt đới khác nhau khoảng 6.000 đến 7.000 năm trước. Ở mỗi vùng đất, bông phát triển dưới dạng cây bụi hoặc cây lâu năm. 4 loài chính tiếp tục được trồng trên khắp thế giới cho đến ngày nay, chủ yếu được coi là cây hàng năm vì mục đích kinh tế.


Bông G. hirsutum , được trồng ở Mexico đầu tiên, là loài bông được trồng phổ biến nhất hiện nay. Nó cho ra sợi trung bình được sử dụng trong nhiều loại hàng dệt. G. Barbadense (Pima Cotton), được trồng ở Peru đầu tiên, có sợi dài và chắc, được sử dụng để sản xuất sợi chất lượng cao, vải cao cấp và hàng dệt kim. G. arboreum là một loại bông của Cựu Thế giới có nguồn gốc từ Ấn Độ. Nó có các sợi ngắn, yếu, chủ yếu được sử dụng để nhồi, làm thảm và làm các loại vải thô rẻ tiền.

Sợi bông được sử dụng trong nhiều sản phẩm ngoài dệt may. (Ảnh: chris_tina/ Shutterstock)

Trồng bông


Hạt bông cần khoảng 2 tuần ở nhiệt độ ấm (21-26 độ C) để nảy mầm. Cây bông có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau nhưng cần có đủ nắng và mùa sinh trưởng kéo dài, không có sương giá (từ 4 đến 5 tháng) để trưởng thành. Với hạt giống chất lượng, độ ẩm thích hợp và một số trợ giúp từ thiên nhiên, thì cứ 0,5m đất có thể mọc được từ 2 đến 4 cây mỗi hàng.


Tại Mỹ, bông chỉ được trồng ở các bang miền Nam và miền Tây. Tuy nhiên Mỹ vẫn là một trong ba nước sản xuất bông hàng đầu thế giới cùng với Trung Quốc và Ấn Độ.

Bông vùng cao (Gossypium hirsutum) là loại bông được trồng rộng rãi nhất trên thế giới. Hoa cotton là loài lưỡng tính, nghĩa là nó có cả nhị và nhụy để tự thụ phấn. (Ảnh: Jam haroon/ Shutterstock)


Khoảng 60 đến 80 ngày sau khi trồng, bông sẽ đơm hoa đẹp giống như hoa thục quỳ và hoa dâm bụt, chuyển từ màu trắng sang màu hồng khi hoa nở. Hoa tự thụ phấn vào ngày đầu tiên nở, nhưng nếu nhiệt độ trên 37 độ C hoặc trời mưa đều sẽ làm giảm khả năng thụ phấn của hoa.


Việc thụ phấn thành công một bông hoa sẽ tạo ra khoảng 30 đến 40 hạt. Khi hạt phát triển, chúng mọc ra những sợi bông quý giá trên vỏ hạt với số lượng từ 10.000 đến 20.000 sợi mỗi hạt. Vỏ hạt chín sẽ mở ra một cách tự nhiên sau khoảng 4 tháng, để lộ ra “quả” dạng sợi sẵn sàng để hái.

Thu hoạch bông


Mặc dù việc tuốt bông có vẻ là một trải nghiệm thú vị nhưng phải rất cẩn thận khi tuốt bằng tay vì vỏ hạt bông khô và có các cạnh sắc nhọn, tốt nhất là nên đeo găng tay bảo vệ. Tuốt bông bằng tay tạo ra bông sạch nhất, chất lượng tốt nhất vì mỗi quả bông được thu hoạch ở thời điểm chín nhất mà không có bất kỳ mảnh vụn thực vật nào khác. Mặc dù việc thu hoạch bông bằng máy đã được sử dụng rộng rãi ở Mỹ, nhưng Ấn Độ và Trung Quốc vẫn dựa vào lao động thủ công để thu hoạch bông.


Những người hái bông chuyên nghiệp có thể hái nhanh gấp khoảng 1.000 lần người khác. Chi phí để cơ giới hóa mất khoảng 90.000 đến 900.000 USD, vì vậy chỉ những nhà sản xuất quy mô tương đối lớn mới đầu tư vào máy móc. Đối với thu hoạch bằng máy, hóa chất làm rụng lá – được mệnh danh là “chất hỗ trợ thu hoạch” – thường được sử dụng để làm chết cây nhằm giảm thiểu lượng lá thu được cùng với quả bông.

Chế biến bông


Dù được thu hoạch bằng tay hay bằng máy, bông đều trải qua nhiều bước xử lý, bắt đầu từ việc tách sợi ra khỏi hạt.

Tách sợi

Việc phát minh ra máy tách hạt bông đã khiến quá trình xử lý bông nhanh hơn gấp 10 lần. (Ảnh: Flickr, CC0 1.0)


Hạt bông được bao phủ bởi hai loại sợi. Các sợi dài hơn được gọi là “xơ” và thích hợp cho hàng dệt. Các loại sợi ngắn hơn, được gọi là “linters” hoặc “lông tơ” được sử dụng trong các sản phẩm khác như giấy, vải chần và ga giường.


Theo truyền thống, tất cả bông đều được làm sạch bằng tay, một người có năng lực có thể xử lý khoảng 3kg sợi mỗi ngày. Năm 1793, nhà phát minh người Mỹ Eli Whitney đã giới thiệu máy tách hạt bông giúp loại bỏ sợi khỏi hạt một cách hiệu quả đến mức nó đã cách mạng hóa ngành công nghiệp bông.


Trong máy tách hạt bông, các quả bông được bung ra bằng không khí và đi qua một loạt các ống trụ và chổi để loại bỏ hạt (chiếm khoảng 2/3 trọng lượng của bông chưa sạch) và thu thập các sợi.

Phần lớn việc chế biến bông ở Ấn Độ vẫn được thực hiện bằng tay. (Ảnh: CSIRO/ Wikimedia Commons CC BY 3.0)


Việc làm sạch thủ công có thể được thực hiện bằng một trong hai phương pháp: Dùng tay kéo sợi ra khỏi hạt hoặc dùng một cái chốt nhỏ xoáy vào quả bông để ép hạt ra ngoài.


Hạt bông không bị lãng phí. Một số được sử dụng để trồng cho vụ mùa năm sau, nhưng hầu hết được chế biến thành các sản phẩm phụ quan trọng như dầu thực vật hay thức ăn chăn nuôi giàu protein.

Làm sạch bổ sung


Sau khi loại bỏ hạt, bông thương mại có thể trải qua nhiều quy trình làm sạch bổ sung khác nhau – bao gồm làm sạch cơ học để loại bỏ chất bẩn, làm sạch bằng chất tẩy rửa để loại bỏ chất sáp tự nhiên cản trở sự hấp thụ và làm sạch (tẩy trắng) để loại bỏ các màu để chuẩn bị cho việc chải thô.

Tạo hình và Chải thô


Chải thô là quá trình các sợi được xếp song song với nhau để chuẩn bị xe thành sợi. Trước khi chải thô, sợi bông trước tiên phải được làm bung ra, trong một quá trình gọi là tạo hình xơ. Máy tạo hình xơ mở bung các sợi rồi tạo thành tấm bông phẳng. Việc này cũng có thể được thực hiện bằng cách chải tay, tương tự như chải len. Công đoạn này đảm bảo tính đồng nhất về trọng lượng trong công đoạn chải thô, giúp việc kéo sợi được đều.


Chải thô theo truyền thống được thực hiện bằng tay, trong khi việc chải thô công nghiệp được thực hiện bằng máy – trong đó một loạt các xi lanh có răng quấn dây sẽ tách và vận chuyển một lượng nhỏ sợi qua các tấm phẳng được phủ dây để căn chỉnh và làm thẳng các sợi.


Các nhà sản xuất bông hiện đại thường kết hợp nhiều quy trình – bao gồm tách sợi, chải thô, kéo sợi, và quay sợi – vào một máy.


Việc chải thô bằng tay được thực hiện bằng một cặp lược thẳng trông rất giống bàn chải dành cho thú cưng. Đặt sợi bông lên một bàn chải rồi dùng chiếc còn lại chải nhẹ nhàng để giúp làm thẳng các sợi, đồng thời lọc bỏ các tạp chất và hạt. Sau một vài lần chải, bông được chuyển sang chiếc lược kia và lại lặp lại quá trình chải, sau đó cuộn bông lại thành một hình trụ lỏng, gọi là “cuộn bông” sẵn sàng để kéo sợi.


Bông siêu mịn có thể trải qua quá trình “chải” bổ sung để loại bỏ các sợi ngắn để tạo ra sản phẩm mềm hơn, có cảm giác mượt hơn.

Xe sợi


Cuối cùng, xơ bông được xe thành những sợi mảnh để dệt thành vải, hoặc kéo thành sợi. Theo truyền thống, việc xe sợi được thực hiện thủ công bằng bánh xe quay sợi hoặc trục quay sợi, nhưng hiện nay nó chủ yếu được thực hiện trên các máy kéo sợi lớn cho năng suất cao.


Với bánh xe quay, chuyển động quay được thực hiện bằng bàn đạp chân, còn trục quay sợi là một thiết bị cầm tay được quay bằng tay. Trong đó, một lượng nhỏ sợi được liên tục đưa vào thiết bị để làm xoắn các sợi, đồng thời duy trì độ căng để sợi chắc chắn và đều. Sợi thành phẩm được nạp vào suốt chỉ, sẵn sàng để sử dụng.

Bông và hóa chất


Cây bông dễ bị tấn công bởi cỏ dại và nhiều loại côn trùng gây hại, trong đó có mọt bông – một loại côn trùng có sức tàn phá khủng khiếp đến mức nhiều bang ở Mỹ đã cấm trồng bông chỉ để ngăn chặn sự lây lan của nó.


Do vậy, việc trồng bông đòi hỏi rất nhiều công sức hoặc phụ thuộc nhiều vào hóa chất – hoặc cả hai. Ngoài ra, chất làm rụng lá hóa học – một trong những hóa chất nông nghiệp độc hại nhất trên thị trường – thường được sử dụng để nâng cao hiệu quả thu hoạch.


Vào năm 2000, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã ghi nhận 84 triệu pound thuốc trừ sâu và 2 tỷ pound phân bón được sử dụng cho 14,4 triệu mẫu bông của quốc gia. Tác động của những hóa chất này vượt xa tác động của các loài gây hại mục tiêu – với chất độc xâm nhập vào hệ sinh thái, gây hại cho người trồng bông và tồn tại trong sản phẩm cuối cùng.


Điều này có nghĩa là chúng ta nên từ bỏ loại vải yêu thích của mình và bắt đầu mặc đồ nhựa tái chế? Vẻ đẹp và lợi ích của bông đáng để tìm hiểu một giải pháp hoàn thiện hơn.


Với việc nâng cao nhận thức về môi trường, việc sử dụng hóa chất đang dần giảm bớt. Ngày càng có nhiều người trồng bông sẵn sàng nỗ lực nhiều hơn để chuyển sang sản xuất hữu cơ và một số công ty áp dụng TCF (hoàn toàn không có clo) trong quy trình sản xuất của họ.


Các phương pháp truyền thống vẫn có tác dụng tạo ra vật liệu chất lượng, chỉ là không nhiều về số lượng. Có lẽ chúng ta nên cân nhắc việc đơn giản hóa tủ quần áo của mình một chút để có ít quần áo hơn và chọn thiết kế tỉ mỉ hơn.


Chọn bông được trồng hữu cơ, hoặc tự trồng, có thể giúp giảm lượng hóa chất độc hại trong môi trường và trong tủ quần áo của bạn; để cơ thể và tâm hồn của bạn đều có được sự thoải mái và an tâm hơn.


Ngọc Chi, Vision Times

Đằng sau vẻ đẹp của sợi tự nhiên – Phần II: Len

Len là loại sợi tự nhiên được sản xuất từ lông động vật, chủ yếu cung cấp cho con người loại vải dệt ấm áp, chống cháy và không gây dị ứng.

Chia sẻ Facebook