Đảng Cộng hòa và Dân chủ bám đuổi sít sao trong cuộc bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ

Chia sẻ Facebook
09/11/2022 19:57:42

Theo hãng tin AP, cuộc đua tại Thượng viện đang diễn ra gay cấn khi đảng Cộng hòa và Dân chủ bám đuổi nhau sít sao, với lần lượt 40 và 39 ghế được xác định.


Chiều tối 8/11 theo giờ địa phương, tức sáng nay theo giờ Việt Nam, các điểm bỏ phiếu bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ đã bắt đầu được đóng tại nhiều bang.

Nhiều điểm bỏ phiếu ở các bang Indiana và Kentucky là những nơi đầu tiên đóng cửa vào lúc 18h giờ địa phương. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ này, cử tri Mỹ sẽ đi bầu toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 1/3 số ghế tại Thượng viện, cùng nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền địa phương.


Tâm trạng người dân Mỹ trong ngày bầu cử

Với chị Lori - Cử tri tại New York, Mỹ kỳ bầu cử này là một dấu mốc hết sức quan trọng, bởi nó đánh dấu lần đầu tiên chính thức đi bầu cử tại Mỹ - quê hương mới của chị. ""Đây là lần bầu cử đầu tiên vì tôi vừa trở thành công dân Mỹ được vài tháng. Tôi lựa chọn bầu cho các ứng viên của đảng Dân chủ, bởi tôi muốn có những chính sách nhằm bảo vệ quyền phụ nữ"".

Quan trọng hơn, nhiều cử tri, đặc biệt là ở các bang dao động coi đây là cơ hội để tác động lên giới chức về những vấn đề mà họ coi là có tầm quan trọng hàng đầu.

Ông Boaz Frankel - Cử tri bang Pennsylvania, Mỹ chia sẻ: "Tôi nghĩ cuộc bầu cử này rất quan trọng khi đang có nhiều vấn đề lớn với nước Mỹ như quyền phá thai, vấn đề môi trường và bảo vệ quyền bỏ phiếu của người thiểu số".

Ông Mike Przybranowski - Cử tri bang Michigan, Mỹ: "Chúng tôi phải làm gì đó để thay đổi xu hướng lạm phát kỷ lục hiện nay. Chính phủ đã chi tiêu quá nhiều và mọi thứ cần được lập lại trật tự".

Bên cạnh các cuộc bỏ phiếu bầu chọn nghị sĩ Quốc hội, cử tri tại Mỹ cũng sẽ bầu chọn Thống đốc bang cùng nhiều quan chức cấp địa phương khác ở nơi họ sinh sống. Nhiều người tin rằng, việc lựa chọn người đại diện cho họ ở vị trí này cũng có ảnh hưởng không kém phần quan trọng với họ.

Chị Miriam Wagner - Cử tri bang Georgia, Mỹ: "Nhiều người không đi bầu vì họ không nhận thấy rằng các cuộc bầu cử có thể tác động trực tiếp đến cuộc sống của họ, nhất là bầu cử cấp địa phương. Tôi nghĩ rằng tham gia bầu cử sẽ giúp tôi thể hiện tiếng nói trong các vấn đề liên quan đến cộng đồng dân cư của mình".

Dù có quan điểm như thế nào và lựa chọn ai trong lá phiếu của mình thì tiếng nói chung của những người vừa bước ra vào phòng bỏ phiếu, đó là mong muốn những vấn đề cấp thiết và quan trọng với họ, sẽ có thể tìm ra lời giải sau cuộc bầu cử.

Kết quả bầu cử giữa kỳ tác động thế nào đến chính trường Mỹ?

Không rầm rộ và thu hút nhiều sự chú ý như các năm bầu cử tổng thống, song mỗi đợt bầu cử giữa kỳ tại Mỹ đều có ý nghĩa quan trọng tới chính trường Mỹ. Đảng Dân chủ với người đứng đầu là ông Joe Biden đã kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng trong 2 năm qua. Tuy nhiên giới quan sát đang dự báo kịch bản có khả năng cao xảy ra trong cuộc bầu cử giữa kỳ này là đảng Cộng hòa có thể giành được 1 trong 2 viện trong Quốc hội, đặc biệt là Hạ viện.

Theo ông Phạm Quang Vinh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ: "Nếu đảng Cộng hòa giành được 1 hoặc 2 viện thì sẽ thay đổi cán cân quyền lực của nước Mỹ. Nhà Trắng vẫn là Tổng thống Biden nhưng Quốc hội do Cộng hòa kiểm soát 1 hoặc 2 viện. Điều này có tương tác rất lớn. Chính sách đối nội, đối ngoại và hành pháp vẫn tiếp tục nằm trong tay ông Biden, nhưng việc triển khai sẽ khó khăn hơn. Việc thông qua luật để thúc đẩy dự án lớn, thúc đẩy chương trình lớn chắc chắn cũng sẽ gặp khó khăn.

Từ việc phân tách quyền lực hai đảng như vậy thì việc hướng nội của nước Mỹ sẽ nhiều hơn. Hướng nội cả về sự phát triển của nước Mỹ lẫn chính sách đối ngoại. Hướng ra bên ngoài nước Mỹ sẽ tiếp tục theo chính sách của Tổng thống Biden nhưng nếu như trong triển khai, nhất là liên quan đến tài chính sẽ khó khăn, nhất là khi kinh tế Mỹ đang thời lạm phát".


Giá nhiên liệu - vấn đề nóng trong bầu cử Mỹ

Kinh tế chính là một trong những chủ đề nóng hàng đầu của kỳ bầu cử năm nay, với khoảng 41% cử tri Mỹ trong các thăm dò cho biết, đây là vấn đề quan trọng hàng đầu với họ. Nước Mỹ hiện đang trải qua giai đoạn lạm phát cao nhất trong nhiều thập niên, và bởi vậy, hạ nhiệt giá cả những hàng hóa thiết yếu như giá xăng chính là ưu tiên với nhiều cử tri.

Tại Pennsylvania, một trong những "bang chiến trường" hàng đầu trong kỳ bầu cử này, nhiều cử tri không ngần ngại cho rằng, mối quan tâm lớn nhất của họ hiện nay là lạm phát nói chung và giá nhiên liệu nói riêng.

Anh Juan Gutierrez - Quản lý quán cà phê tại Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ: "Là người kinh doanh thì kinh tế và lạm phát là mối quan tâm hàng đầu của tôi. Do nguyên liệu cà phê của chúng tôi đều từ nguồn nhập khẩu, nên khi giá nhiên liệu tăng, chi phí cũng bị đội lên, hiện đã tăng khoảng 0,5 USD mỗi kg. Đây rõ ràng là vấn đề lớn với chúng tôi hiện nay".

Hiện giá xăng bình quân tại Mỹ đã xuống mức khoảng 3,8 USD/gallon - thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh gần 5 USD hồi giữa năm nay, nhờ giá dầu thế giới giảm cùng các biện pháp của chính quyền Tổng thống Joe Biden như xả kho dự trữ chiến lược.

Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn gần 1/3 so với thời điểm 1 năm trước, tạo áp lực lớn cho đảng Dân chủ của ông Biden trong cuộc chạy đua kiểm soát 2 viện Quốc hội. Bởi vậy mà trong các cuộc vận động phút chót, vị Tổng thống đã hướng sự tập trung lớn đến ngành dầu khí, với khi ông kêu gọi các tập đoàn năng lượng dừng "kiếm lời nhờ xung đột" để đầu tư trở lại cho sản xuất.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Nền kinh tế vẫn đang vững vàng và giá nhiên liệu đang giảm dần. Nhưng vậy là chưa đủ, nhiều người dân vẫn đang phải nỗ lực để trả các hóa đơn hàng ngày. Tôi đang đặc biệt tập trung giải quyết vấn đề giá năng lượng và sẽ sớm nói chuyện với các công ty dầu khí".

Tuy nhiên theo các chuyên gia, ngay cả với hàng loạt động thái từ khuyến khích đến gây áp lực của chính phủ, sản lượng dầu khí tại Mỹ cũng khó có thể về mức trước đại dịch trong năm nay như kỳ vọng. Những thông tin này có thể chi phối lựa chọn của cử tri, và kết cục của kỳ bầu cử lần này có thể làm bài toán chống lạm phát trong năm tới càng trở nên khó đoán hơn.


Vấn nạn tin giả trong bầu cử tại Mỹ

Trước thềm bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, vấn nạn tin giả, tin sai sự thật một lần nữa lại nổi lên, thách thức kết quả bầu cử. Tin giả ngập tràn mạng xã hội đã ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định bỏ phiếu của rất nhiều cử tri tại Mỹ.

Gian lận bỏ phiếu qua thư, đánh tráo phiếu bầu, người vận chuyển lá phiếu giả mạo, tin nhắn ẩn danh cảnh báo cử tri ở nhà, hay tuyên bố người đã chết bỏ phiếu,… Hàng triệu thông tin không kiểm chứng lan truyền, tạo nên "cơn sóng thần" tràn ngập các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter... trước thềm bầu cử giữa kỳ tại Mỹ.

Tin giả được lan truyền bằng đủ thứ tiếng khác nhau, phổ biến nhất là tiếng Anh. Ngoài ra có cả tiếng Trung Quốc, Tây Ban Nha và tiếng Việt khiến cho không ít cử tri hoang mang.

Trước đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, thuyết âm mưu phổ biến nhất trên các mạng xã hội là việc cựu Tổng thống Donald Trump thất cử là do gian lận phiếu bầu.

Các thông tin sai lệch về cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ đã được xây dựng trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng thách thức các quan chức bầu cử và công ty công nghệ. Tin giả cũng là lời nhắc nhở khác về cách các thuyết âm mưu tạo nên sự ngờ vực đang định hình nền chính trị Mỹ.

Trong thời điểm Mỹ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, giá cả hàng hóa thiết yếu như nhiêu liệu được xem là yếu tố trực tiếp có thể tác động đến lá phiếu của các cử tri.

Chia sẻ Facebook