Đăng ảnh CCCD gắn chip nhặt được lên mạng để tìm chủ nhân có bị phạt hay không?
Hiện nay, một số trường hợp nhặt được CCCD gắn chip của người khác thường đăng tải ảnh lên mạng để tìm lại chủ nhân. Tuy nhiên, việc làm này có thể để lại hậu quả xấu.
Thẻ CCCD gắn chip chứa những thông tin gì?
Theo Bộ Công an, thẻ cccd gắn chip lưu trữ thông tin gồm: Số căn cước công dân, họ và tên, họ và tên khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; dân tộc; tôn giáo; quê quán; nơi đăng ký thường trú; đặc điểm nhân dạng; ngày cấp; ngày hết hạn; họ tên cha/mẹ, vợ/chồng; số chứng minh nhân dân đã được cấp; ảnh chân dung; đặc điểm vân tay hai ngón trỏ...
Nhặt được CCCD gắn chip, xử lý như thế nào?
Theo Bộ công an, khi nhặt được các loại giấy tờ tùy thân bị đánh rơi cần đưa đến cơ quan công an tại khu vực đó để trình báo nếu như không liên lạc với chủ nhân của CCCD gắn chip.
Cơ quan công an sau khi tiếp nhận thông tin sẽ thông báo cho người bị mất. Theo đó, CCCD gắn chip hay các giấy tờ tùy thân khác sẽ được gửi trả về người bị mất theo địa chỉ trên CCCD gắn chip hoặc địa chỉ nơi ở thực tế, nơi người đó sinh sống.
Ngoài ra, người đánh rơi CCCD gắn chip cần trình báo ngay với công an khu vực sinh sống và đăng ký làm thủ tục cấp mới thẻ CCCD gắn chip theo khoản 2 Điều 23 Luật CCCD.
Vì CCCD gắn chip chứa nhiều thông tin cá nhân nên việc đăng tải các thông tin giấy tờ lên mạng có thể làm lộ các thông tin cá nhân như hình ảnh, mã QR code, nơi thường trú, số CCCD… của chủ sở hữu và tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động. Do đó, việc đăng tải ảnh CCCD gắn chip để tìm chủ nhân dễ để lại nhiều hệ lụy xấu.
Hơn nữa, việc đăng tải các thông tin riêng tư cá nhân của người khác khi chưa được sự đồng ý của người đó cũng có thể bị xử phạt theo quy định.
Đăng CCCD gắn chip của người khác lên mạng có thể bị phạt tiền?
Theo điểm e khoản 3 điều 102 Nghị định 15/2020 đã quy định việc đăng tải các thông tin cá nhân như vậy có thể bị xử phạt.
Người có hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật có thể bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với các tổ chức; mức phạt đối với cá nhân sẽ là từ 5 - 10 triệu đồng.
Nếu nhặt được CCCD gắn chip có thể đăng tải các thông tin như họ và tên, năm sinh và nơi nhặt được lên mạng xã hội, tuyệt đối không chụp nguyên thẻ CCCD và đăng tải tất cả các thông tin.
Theo Bộ Công an, người dân không nên đăng tải hoặc chia sẻ hình ảnh CCCD gắn chip, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội. Đồng thời, công dân không nên cung cấp thông tin CCCD gắn chip cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn trên các nền tảng mạng xã hội.
Nếu bị mất CCCD gắn chip cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ. Đây chính là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của CCCD gắn chip không có liên quan đến các giao dịch dân sự trong thời gian bị mất CCCD gắn chip và phòng ngừa trường hợp số CCCD gắn chip của công dân bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật.