Dân Zimbabwe khổ vì bảo tồn voi quá tốt
Với hơn 100.000 con voi, Zimbabwe là nước có đàn voi lớn thứ hai thế giới và 1/4 số voi của châu Phi. Số lượng voi nhiều là một minh chứng cho việc bảo tồn tốt nhưng đi liền với đó là số vụ đụng độ giữa người và voi ngày một tăng.
Không giống như các quốc gia khác, nơi chứng kiến những vụ săn trộm voi khiến số lượng loài này đặt trong tình trạng nguy cấp, "dân số" voi tại Zimbabwe tăng đều đặn khoảng 5% mỗi năm.
Điều này đã dẫn tới những vụ đụng độ không thể tránh khỏi giữa đàn voi với 15 triệu người Zimbabwe nhằm tranh giành, bảo vệ thức ăn và nguồn nước.
"Ở một số khu vực, voi di chuyển theo những đàn lớn và ngấu nghiến mọi thứ trên đồng. Chúng xông vào cả nơi người ở buộc dân làng phải đánh trả và làm bị thương một số con", người phát ngôn chính phủ Nick Mangwana nêu thực trạng trên Twitter ngày 10-5.
Theo ông Mangwana, những con voi bị thương đã trở nên hung hãn và quay lại tấn công người dữ dội hơn trước đó khiến không ít người chết, bị thương.
Chỉ tính riêng trong mấy tháng đầu năm nay, 60 người đã bỏ mạng vì bị voi giày xéo, 50 người khác bị thương. Trong cả năm 2021, Zimbabwe ghi nhận 72 vụ voi giẫm đạp gây chết người.
Số vụ đụng độ giữa người với voi và thương vong cho người được dự báo sẽ còn tăng khi Zimbabwe sắp bước vào mùa khô.
Đây là thời điểm đàn voi sẽ trở nên manh động hơn và di chuyển rộng hơn để tìm thức ăn, nguồn nước, theo Hãng thông tấn AFP.
Ông Tinashe Farawo, một quan chức thuộc Cơ quan quản lý công viên và động vật hoang dã Zimbabwe, cảnh báo về một "thảm họa" nếu số lượng voi ở quốc gia này không giảm.
Các nhân viên kiểm lâm đã được lệnh săn tìm và hạ gục những con voi hung hăng nhất trước khi mùa khô đến.
Theo tính toán của các nhà bảo tồn động vật hoang dã, Zimbabwe có thể đảm bảo sự cân bằng với đàn voi khoảng 45.000 con.
Do việc buôn bán voi bị cấm trên toàn thế giới, Chính phủ Zimbabwe đang nghĩ đến việc triệt sản hoặc cho phép săn bắn voi để giữ quy mô đàn ở mức có thể kiểm soát.
Hơn 200 con voi của Zimbabwe đã chết vì không chịu nổi tình trạng khô hạn nghiêm trọng kéo dài, chính quyền đang lên kế hoạch di dời hàng trăm con vật hoang dã tới nơi ở mới.