Dân văn phòng chưa 30 mà xương khớp đã rệu rã như người già 60

Chia sẻ Facebook
16/05/2023 14:13:01

Trước đây, bệnh xương khớp thường gặp ở những người cao tuổi nhưng hiện nay, căn bệnh này đã dần trẻ hóa do thay đổi thói quen sinh hoạt và làm việc, đặc biệt là giới văn phòng.

Với nhịp sống phát triển ngày nay, con người làm việc chủ yếu ở các văn phòng hành chính công việc thực hiện chủ yếu qua các thiết bị hiện đại như máy tính, điện thoại…tưởng chừng như vô hại nhưng thực chất lại gây ra các bệnh nguy hiểm tiềm ẩn mà ít ai lường trước được.

Nhiều người lầm tưởng rằng những bệnh xương khớp chỉ xảy ra ở người từ độ tuổi 45 trở lên nhưng thực tế bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể gặp phải. Các nghiên cứu về quá trình phát triển con người đã chỉ ra lứa tuổi con người “bước qua bên kia sườn dốc” để bắt đầu tiến trình thoái hóa là khoảng 27 tuổi nhưng trong thực tế, mỗi người “sở hữu” thể trạng, sức khỏe khác nhau. Cùng 30 tuổi, có những người rất khỏe mạnh, có những người bị rất nhiều bệnh lý xương khớp như nhức mỏi cổ vai, đau lưng,…

Bệnh lý xương khớp khiến nhiều người uể oải. (Ảnh minh họa: Người Đưa Tin)

Chứng tỏ, mỗi người có một “tuổi sinh lý” riêng, đây chính là tuổi của tế bào, của mô cơ thể. “Tuổi sinh lý” phụ thuộc phần nào vào cơ địa và độ tuổi nhưng chủ yếu được quyết định bởi một số yếu tố như tâm lý, chế độ dinh dưỡng, tính chất công việc, thói quen sinh hoạt. Tất nhiên mức độ ảnh hưởng của các yếu tố trên lên các hệ cơ quan, bộ phận cơ thể là khác nhau và gây ra những tình trạng khác nhau.


Thoái hóa xương khớp không “ưu ái” độ tuổi nào

Không khó để nhận ra những bệnh liên quan đến xương khớp ngày càng nhiều và càng trẻ hoá, trong số những bệnh nhân trẻ đa phần là giới văn phòng. Những người làm văn phòng thường phải làm việc liên tục với máy vi tính, thời gian ngồi làm việc có thể kéo dài hơn 8 giờ một ngày, môi trường làm việc chủ yếu trong phòng máy lạnh không tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên.

Người trẻ thoái hóa xương khớp ngày một cao. (Ảnh minh họa: Zingnews)

Ngoài ra, với cách sắp đặt nơi làm việc chưa phù hợp với thể trạng cơ thể (màn hình máy tính có thể quá cao hoặc quá thấp), sử dụng điện thoại, máy tính bảng liên tục trong một tư thế, lười vận động hay lười đứng dậy từ ghế là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc thoái hoá xương khớp ở giới văn phòng.

Bệnh xương khớp của dân văn phòng chủ yếu đau vai gáy, thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, đau thắt lưng, hội chứng ống cổ tay... Thông thường độ tuổi trung bình bị thoái hóa khớp là 45 - 50 tuổi nhưng hiện nay dân văn phòng có xu hướng mắc bệnh xương khớp khá sớm (bắt đầu từ độ tuổi 30). Những rối loạn cơ xương khớp này khiến 60% người làm các công việc như: lễ tân, hành chính, pháp lý, kế toán, công nghệ thông tin, thiết kế, quản lý cơ sở vật chất, bảo hiểm… không đảm bảo được chất lượng và hiệu suất công việc.

Rối loạn cơ xương khớp khiến hiệu suất công việc giảm sút. (Ảnh minh họa: Người Đưa Tin)

Bệnh lý cơ xương khớp có những triệu chứng diễn ra âm thầm hoặc chỉ là những cơn đau, mỏi ngắn nên mọi người thường có tâm lý chủ quan và bỏ qua, đặc biệt là đối tượng trẻ. Chính suy nghĩ sai lầm này đã khiến dân văn phòng trì hoãn thăm khám và điều trị, dẫn đến cơn đau kéo dài, vận động khó khăn, thậm chí thất nghiệp dù đang ở độ tuổi sung sức nhất.

Như câu chuyện của gia đình chị Liên Hoa (32 tuổi, TP.HCM) là một ví dụ. Bản thân là một nhân viên văn phòng, công việc đòi hỏi phải ngồi lâu bên máy tính, qua thời gian chị Hoa có xu hướng ngồi cúi đầu nhiều và chỉ nhìn về một hướng. Dần dần, chị bắt đầu cảm thấy đau cổ, đau vai lan lên đến nửa đầu, làm hạn chế cử động vùng cổ và tay. Bàng hoàng khi đến gặp bác sĩ, chị phát hiện mình bị thoái hóa đốt sống cổ dù ở tuổi còn khá trẻ.

Tư thế ngồi sai cách là nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa. (Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ)

Không chỉ mình chị Liên Hoa, con gái lớn của chị – Cẩm Phương (8 tuổi) cũng gặp phải vấn đề cơ xương khớp. Do thói quen ngồi học không đúng tư thế, cột sống của Phương có xu hướng bị vẹo.

Hằng Nga, nữ làm văn phòng 8 năm, đã sinh 1 bé tuổi và gia đình có tiểu sử viêm khớp. Dù mới 30 tuổi nhưng cô đã phải tìm đến bệnh viện nhờ bác sĩ tư vấn vì gặp phải những vấn đề như thường xuyên bị đau vai gáy và cổ bên phải. Nga đi khám bác sĩ được chỉ định châm cứu (1 tháng), cấy chỉ (3 lần) kèm uống thuốc tại bệnh viện kết hợp tập thể dục trong giờ làm và đạp xe, chạy bộ. Tình trạng chỉ giảm được vài tuần lại đau lại.

Ngoài ra, cô còn bị đau cổ tay bên phải, ban đầu nghĩ do chấn thương khi đi xe máy, chụp X-quang không có vấn đề, bác sĩ chẩn đoán viêm bao gân, nẹp cố định và dùng thuốc nhưng thời gian dài vẫn thế. Nga đã đi khám nhiều chuyên khoa và bác sĩ nhiều nơi hơn 1 năm nay nhưng vẫn không dứt điểm được. Cơn đau nhẹ hay về đêm, hiện cô đang điều trị bằng tiêm penicillin 3 tuần/ 1 mũi.

Không ít nhân viên văn phòng có xu hướng gặp phải những bệnh lý xương khớp. (Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ)

Tại BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, trung bình mỗi ngày khám cho 250 bệnh nhân. Một bác sĩ tại phòng khám chi dưới cho biết phần lớn bệnh nhân đến khám đã ngoài tuổi 50, nhưng gần đây đã có sự trẻ hóa với những bệnh nhân có khi chỉ ngoài 30 tuổi. Thống kê những năm gần đây của BV Chợ Rẫy TP.HCM cũng cho thấy lượng bệnh nhân mắc cơ xương khớp đang tăng dần qua từng năm.

Theo PGS-BS Lê Anh Thư, Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp - BV Chợ Rẫy, thống kê chưa đầy đủ cho thấy hiện nước ta có tới 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80 bị thoái hóa khớp.

Lượng bệnh nhân mắc cơ xương khớp đang tăng dần. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)


Đừng để già mới... lo

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Anh Vũ (Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, có khoảng 60% người làm văn phòng gặp vấn đề về xương khớp. Nhiều người than phiền bị đau khớp từ khá sớm, với các triệu chứng điển hình như đau lưng, nhức gối, mỏi vai gáy, đau cổ tay, cứng khớp ngón tay...

Các bệnh lý về xương khớp không gây hệ quả nguy hiểm tính mạng ngay lập tức, do đó, phần lớn dân văn phòng thường chủ quan và bỏ mặc dấu hiệu bệnh. Kiểm tra sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất phát hiện sớm dấu hiệu bệnh, nhất là đối với nhóm bệnh lý về cơ xương khớp, thời gian phát hiện bệnh càng sớm, càng giảm thiểu biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Nhiều người chủ quan trước tình trạng sức khỏe của mình. (Ảnh minh họa: Zingnews)

Mỗi hệ cơ quan trong cơ thể kể cả xương khớp chỉ làm việc tốt và duy trì khả năng làm việc trong một thời gian cũng như điều kiện nhất định. Chính vì ngồi quá lâu, làm việc liên tục, lối sống ít vận động gây ra sự quá tải cho hệ xương khớp dẫn đến tình trạng thoái hoá sớm.

Các nghiên cứu gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới và Lưu trữ Nội khoa cho thấy rằng những người lao động ngồi trong thời gian dài, khoảng 6 giờ một ngày, có nguy cơ tử vong cao hơn 40% so với những người ngồi ít.

Bạn không thể tránh ngồi trong môi trường văn phòng, vậy hãy học cách ngồi đúng tư thế ở bất cứ nơi nào bạn ngồi có thể giúp bạn khỏe mạnh và an toàn. Ngay cả khi làm việc ở tư thế chuẩn, dân văn phòng vẫn khó tránh được tình trạng căng cứng và đau nhức cơ khớp vì phải ngồi cố định một chỗ quá lâu. Cách tốt nhất để chống lại sự căng cứng là chịu khó di chuyển và kéo căng cơ bắp.

Ngồi đúng tư thế giúp bạn khỏe mạnh và an toàn. (Ảnh minh họa: Working)

Sau khi tan làm, dân văn phòng nên tích cực tập thể dục, thể thao như chạy bộ, đạp xe, yoga, gym... Tập luyện thể chất khoảng 30 phút đến một tiếng mỗi ngày không chỉ tăng độ dẻo dai, vững vàng cho khớp xương mà còn giúp đốt cháy calo, duy trì vóc dáng cân đối.

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp duy trì hệ cơ xương khớp khỏe mạnh. Vì vậy, dù công việc bận rộn, bạn cũng không dùng đồ chế biến sẵn thường xuyên, chú trọng xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho xương khớp, như vitamin C, D, Omega-3, beta caroten...

Ăn uống lành mạnh giúp duy trì hệ cơ xương khớp khỏe mạnh. (Ảnh minh họa: Người Đưa Tin)

Có thể thấy, tình trạng đau nhức xương khớp của dân văn phòng là hậu quả của thói quen làm việc không tốt, ngồi sai tư thế, ít vận động và thiếu dinh dưỡng. Do đó, bạn hãy luôn chú ý, giữ tinh thần được thoải mái nhất, “mỗi ngày đi làm là một ngày vui” để làm việc hiệu quả và sức khỏe cũng sẽ tốt hơn.


Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi Camera Xóm để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.


Bệnh xương khớp có thể xảy ra với bất kỳ ai, không phân biệt giới tính hay độ tuổi. Nếu bạn mắc bệnh xương khớp, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên và phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của bạn. Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh xương khớp như tập thể dục thường xuyên, đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và hợp lý, và thay đổi thói quen ngồi, đứng và di chuyển để giảm thiểu áp lực lên xương khớp.
>>> Xem thêm những bài viết liên quan TẠI ĐÂY!

Chia sẻ Facebook