Dán thẻ ETC mới được đăng kiểm: Yêu cầu… không phù hợp
Việc quy định xe dán thẻ ETC khi đi đăng kiểm, được cho sẽ đảm bảo 100% xe ô tô trên cả nước dán thẻ thu phí tự động, tuy nhiên, theo chuyên gia, đây là yêu cầu không phù hợp…
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc tăng cường dán thẻ định danh để tham gia dịch vụ thu phí không dừng (ETC).
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để quy định việc dán thẻ định danh là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; báo cáo Bộ trước ngày 30/8/2022.
Yêu cầu này của Bộ Giao thông Vận tải ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó, không ít ý kiến cho rằng, việc quy định theo hướng bắt buộc như Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra là không phù hợp, bởi sử dụng đường cao tốc, quốc lộ, có thu phí hay không là quyền và nhu cầu của mỗi người, nhiều phương tiện tham gia giao thông họ không có nhu cầu thì không thể dùng quy định để ép buộc.
Thực tế, không ít phương tiện cá nhân, doanh nghiệp được mua chỉ phục vụ mục đích đi lại hay chở hàng, chở khách quanh khu vực địa phương, không có nhu cầu di chuyển sử dụng đường cao tốc, quốc lộ, có thu phí, thì việc bắt buộc họ phải dán thẻ ETC liệu có phù hợp?
Chưa kể, xét về khía cạnh phân định, nhiều ý kiến cũng cho rằng, một bên là tiêu chuẩn kỹ thuật thiết yếu, bắt buộc định kỳ, còn một bên dịch vụ của doanh nghiệp, nếu không sử dụng đến sẽ tạo ra sự lãng phí, hai việc này hoàn toàn không liên quan đến nhau. Vì đâu Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu doanh nghiệp và người dân phải dán thẻ mới được đăng kiểm? Đơn vị này có đang chạy theo chỉ tiêu, mà quên đi giá trị thực tế của việc dán thẻ ETC?
Thông tin với báo chí, Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông cho rằng, thứ nhất, thẻ thu phí không dừng chỉ dành cho các phương tiện thường xuyên lưu thông trên các cao tốc, quốc lộ, có thu phí. Rất nhiều trường hợp ôtô không đi trên cao tốc, dán cái đó vào thì có phải là vô lý không? Rõ ràng đây là yêu cầu không phù hợp,...
Thứ hai, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Nếu người ta có nhu cầu đi thì người ta phải tự động dán tem, chứ không thể dùng quyền lực Nhà nước để ép buộc vô lý. Đăng kiểm là một quan hệ pháp luật độc lập hoàn toàn với việc đi qua trạm thu phí, trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm là thực hiện việc đăng kiểm xe cơ giới, đảm bảo điều kiện an toàn cho người dân.
“Làm sao lại vì lợi ích của các công ty thu phí mà ép buộc người dân một cách vô lý, hai việc này hoàn toàn không liên quan đến nhau”, Luật sư Nguyễn Danh Huế bày tỏ.
Luật sư Nguyễn Danh Huế cũng cho rằng, mỗi một chính sách mà Bộ Giao thông Vận tải ban hành có tác động rất sâu rộng đến tất cả các chủ thể trong xã hội. Chính vì thế, khi ban hành một chính sách nào thì Bộ Giao thông Vận tải cần căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành để làm sao cho các chính sách không xung đột với các chính sách pháp luật khác.
Trên hết các chính sách đó phải phù hợp, nó hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, cũng như là đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tránh việc khi ban hành chính sách thì nó tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Đó là điều chúng ta phải rất cẩn trọng khi ban hành chính sách.
Phải khẳng định, dán thẻ định danh để tham gia dịch vụ thu phí không dừng (ETC) là một chủ trương đúng của Chính phủ nhưng nếu không có sự phân định rõ ràng về mục đích sử dụng và nhu cầu sử dụng thực mà thay vào đó là việc ép buộc bằng các quy định pháp luật là thiếu phù hợp, chưa kể còn dẫn đến sự lãng phí không cần thiết.
Được biết, từ ngày 01/8 vừa qua, 10 cao tốc bắt đầu thu phí tự động không dừng toàn tuyến gồm Nội Bài - Lào Cai; Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Bắc Giang - Lạng Sơn; Hạ Long - Vân Đồn; Hà Nội - Hải Phòng; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Liên Khương - Đà Lạt; TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Trung Lương - Mỹ Thuận. Các trạm BOT trên quốc lộ sẽ chỉ còn một làn thu phí hỗn hợp.
Khi các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc chỉ thu phí không dừng, trường hợp xe không dán thẻ ETC mà cố tình đi vào cao tốc, người điều khiển ôtô sẽ có thể đối diện với mức phạt từ 1-2 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Trường hợp xe có dán thẻ thu phí ETC nhưng không đủ điều kiện như số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để trả phí khi qua làn ETC mà vẫn cố tình đi vào, người điều khiển ôtô sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng và còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước đã có hơn 3,52 triệu phương tiện trên toàn quốc dán thẻ đầu cuối (đạt tỷ lệ 75,9%), tăng 1,19 triệu xe so với thời điểm cuối năm 2021.