Đàn ông 30 tuổi lương hơn 10 triệu/tháng chẳng dám lấy vợ

Chia sẻ Facebook
23/05/2023 15:33:20

Ngoài 30 gánh nặng cơm áo, phải chịu áp lực trở thành trụ cột gia đình cả về kinh tế lẫn tinh thần. Chính vì vậy, nhiều đàn ông Việt không dám cưới vợ vì sợ không thể lo cho vợ con một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.

Cuộc sống vốn dĩ rất thực tế chứ chẳng toàn màu hồng như trên phim. Phải thừa nhận một điều rằng dù có yêu nhau đến mấy thì cũng cần phải có kinh tế. Kinh tế ổn định là một yếu tố quan trọng trong việc góp phần xây dựng một gia đình hạnh phúc. Một tài chính ổn định có thể mang lại sự an tâm, đảm bảo nhu cầu cơ bản của gia đình và tạo điều kiện cho các thành viên phát triển cá nhân.


Chúng ta vẫn nghe trong không ít câu chuyện hay bài hát câu nói “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” , tức là tình yêu không quan trọng vật chất, chỉ cần hai người yêu thương nhau là đủ. Vậy nhưng trong thời đại hiện nay, tiền bạc và vật chất đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của con người, câu nói đó đã không còn khả thi.

Đối với đàn ông, người được coi là trụ cột gia đình thì số tiền mà anh ta kiếm ra dần được coi là một trong những mối quan tâm chính quyết định cặp đôi có thể tiến tới hôn nhân hay không.

Nhiều áp lực đè nặng lên vai đàn ông. (Ảnh minh họa: Phụ Nữ Việt Nam)


Không dám lấy vợ vì lương không đủ sống

Đi qua 30 năm cuộc đời, Đức Bảo (Hà Nội) vẫn trốn tránh chuyện kết hôn. Nói đúng hơn, anh sợ lấy vợ. Nỗi sợ ấy đến từ áp lực phải giàu, phải có đủ tiền để lo cho vợ con sau này.


Bảo làm công chức, lương chỉ vài triệu một tháng, có làm thêm cũng chỉ thêm thắt được mấy triệu. Anh bộc bạch: “Nghĩ đến chuyện lấy vợ, lập gia đình, tôi lại sợ. Bây giờ, có cô gái nào không muốn kết hôn với một người đàn ông sự nghiệp vững vàng, nhà, xe đầy đủ đâu. Tôi lúc này không khác gì người tay trắng”.

Bảo và người yêu đã tính tới chuyện cưới xin nhưng quả thực anh rất lo sợ. Cuộc sống bây giờ đắt đỏ, người yêu lương cũng chẳng cao, nếu hai đứa lấy nhau thì xác định ở trọ. Nhìn cảnh các gia đình trẻ ở các xóm trọ chật chội, con cái khóc lóc, ốm đau, vợ chồng hục hặc mà sợ. Không có sự nghiệp, nuôi thân đã khó. Lấy vợ, sinh con mà kinh tế không vững còn khổ hơn. Nghĩ như vậy, Bảo chẳng dám kết hôn.

Nhiều người đàn ông chẳng dám nghĩ đến chuyện kết hôn. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Trần Bình (29 tuổi, quê Hà Nam) hiện đang làm việc ở Hà Nội than thở lần nào về thăm quê họ hàng ai cũng hối thúc chuyện lấy vợ. Nghĩ lại, Bình làm công nhân, lương trên dưới chục triệu, chẳng đủ tiêu thì sao dám lấy vợ. Mỗi tháng, phải tằn tiện lắm, anh mới gửi về cho bố mẹ ở quê 1-2 triệu đồng. Chừng ấy tiền ở đất Hà Nội thì chỉ dám quen bạn gái chứ chưa dám cưới.

Quen bạn gái, cuối tuần đi ăn uống, xem phim, thì mức lương đó vẫn thoải mái nếu ngày thường tiết kiệm. Còn lập gia đình thì chưa dám. Bởi có vợ có chồng rồi thì hàng tháng phải chi tiêu nhiều thứ, không dễ dàng như cuộc sống độc thân.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vào tháng 4/2022 với hơn 2.016 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp, 55,6% số công nhân cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cho cuộc sống.

Lương công nhân nuôi thân còn chưa đủ. (Ảnh minh họa: Tri Thức Trẻ)

Đáng lưu ý, trong số 269 người lao động chưa lập gia đình tham gia khảo sát, hơn 54,6% cho biết tiền lương và thu nhập hiện tại ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định lập gia đình. Tiền lương, thu nhập thấp là nỗi e ngại lớn bởi họ sợ không đủ tài chính đảm bảo cho tổ ấm sau này.

Câu chuyện bình đẳng nam nữ còn là chuyện xa vời, khi cái vị trí trụ cột gia đình vẫn là đàn ông. Xưa nay, người ta tuy không nói ra nhưng thái độ thì xem thường đàn ông kiếm tiền ít hơn vợ. Rồi bị dán cái nhãn "núp váy vợ".


Các cô gái cũng vậy, hẹn hò là một chuyện nhưng để tiến tới hôn nhân thì thường nhìn vào gia cảnh cũng như năng lực kiếm tiền của người chồng tương lai. Bởi thế, nhiều chàng trai ấm ức, không hiểu vì sao mình bị "đá" bởi cô gái nói: "Anh rất tốt, nhưng em rất tiếc, chúng mình không hợp nhau" . Thay vì ấm ức thì nên ngầm hiểu là anh chàng kia kiếm nhiều tiền hơn mình.

Xưa nay trụ cột gia đình vẫn là đàn ông. (Ảnh minh họa: CafeF)

Áp lực phải giàu có cũng khiến Phan Mạnh (32 tuổi) e dè chuyện lập gia đình. Mạnh quê ở một huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, học đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin ở Hà Nội. Sau khi ra trường, anh tìm được việc và làm luôn tại Hà Nội. 10 năm gắn bó với nơi "đất chật người đông" này, Mạnh hiểu rõ sự khắc nghiệt của nó. Tuy vậy, anh luôn muốn định cư lâu dài tại Hà Nội vì ở đây mới có nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp và kiếm tiền.


Sau khi tốt nghiệp ra trường được 1 năm, Mạnh có bạn gái. Cả hai bằng tuổi nhau và có rất nhiều điểm chung. Kể từ khi yêu nhau, cô ấy động viên, hỗ trợ Mạnh rất nhiều trong công việc. Thế nhưng, mối tình đầu đẹp đẽ ấy đã kết thúc trong đau đớn, chỉ bởi cô ấy luôn quan niệm "sẽ chỉ kết hôn với người đã có nhà Hà Nội". Trong khi, "giấc mơ nhà Hà Nội" với một chàng trai xuất thân từ một vùng quê miền núi, gia cảnh khó khăn như Mạnh lúc đó là điều quá xa vời.

Mức lương thấp, để có thể mua được nhà Hà Nội là chuyện không dễ. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Chia tay mối tình đầu, Mạnh mang theo nỗi ám ảnh "chưa có nhà Hà Nội". Mạnh mải mê làm việc và cũng có nhiều thành tựu, được công ty tăng lương, khen thưởng. Tuy nhiên, vì là một công ty tư nhân nhỏ, nên dù là nhân viên xuất sắc, mức lương hiện nay của anh cũng chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Với mức lương này để tích lũy, mua nhà vẫn là điều "không tưởng". Khi gặp gỡ, hẹn hò các cô gái, Mạnh luôn để ý thăm dò xem họ có coi trọng vật chất, có quan tâm đến chuyện mua nhà Hà Nội không.

Mạnh cảm thấy rất tự ti, ngoài công việc chính, anh cũng theo bạn bè kinh doanh, nhưng làm đến đâu lỗ đến đó. Anh đang suy nghĩ có nên về quê tìm việc hay không.

Nhiều người cảm thấy tự ti, kém cỏi khi không bằng người khác. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)


Đàn ông cũng cần được quan tâm, chia sẻ gánh nặng

Áp lực trở thành trụ cột gia đình cả về kinh tế lẫn tinh thần không chỉ khiến một số đàn ông Việt Nam không dám kết hôn. Nỗi khổ này còn khiến đàn ông Việt chịu nhiều tổn thương tâm lý. Các chuyên gia tâm lý, nghiên cứu xã hội nhận định, những nỗi khổ, áp lực của người đàn ông Việt Nam xuất phát từ quan niệm trong gia đình phải có người nắm giữ vai trò trụ cột. Và người nắm giữ vai trò này phải là đàn ông.

Nhiều năm làm nghiên cứu về giới, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ISDS cho rằng, nam giới ngày càng phải đối diện với nhiều áp lực. Chính truyền thống "nam tôn nữ ti" hàng ngàn năm đã đặt lên vai nam giới một gánh nặng mà không thể rũ bỏ, làm cho họ căng thẳng, thất vọng, cô đơn, thậm chí là tuyệt vọng khi đối mặt với xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều nam giới cô đơn trong chính căn nhà của mình.

Nam giới ngày càng phải đối diện với nhiều áp lực. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Chúng ta thấy cuộc sống hiện đại ngày càng đắt đỏ, diễn ra rất là nhanh, phải đối diện với cơm áo, việc làm, thu nhập. Chúng ta hiểu sự căng thẳng, áp lực đối với đàn ông lớn nhường nào. Tuy nhiên, nếu là phụ nữ khi buồn, khổ có thể khóc, than vãn, chia sẻ nhưng nam giới không được như thế vì được gán cái danh là phái mạnh cho nên không thể chia sẻ, khóc, buồn. Họ phải luôn tỏ ra mạnh mẽ nhưng trong sâu thẳm có thể lo sợ, hoang mang, thậm chí cô đơn, đau khổ vì như thế đánh mất hình ảnh của mình.

Để thoát khỏi những áp lực, đàn ông Việt Nam cần thay đổi nhận thức. Về quan niệm trụ cột gia đình, đàn ông không nên tự dằn vặt bản thân, luôn xem mình là người chịu trách nhiệm chính trong việc tạo ra kinh tế. Thay vào đó, đàn ông nên chia sẻ trách nhiệm của người trụ cột trong gia đình với vợ. Việc này giúp gánh nặng cơm áo, gạo tiền vốn đè nặng lên nam giới sẽ được giảm bớt. Từ đó, sức khỏe của nam giới cũng được cải thiện, chất lượng cuộc sống của người đàn ông và gia đình họ cũng sẽ được nâng cao.

Điều quan trọng nhất trong gia đình là người vợ và người chồng cần thường xuyên chia sẻ để thấu hiểu và thông cảm cho nhau. Nam giới cũng cần được quan tâm, cần một chỗ dựa vững chắc nơi người vợ để giảm đi gánh nặng tâm lý trong cuộc sống.

Chia sẻ để được thấu hiểu hơm. (Ảnh minh họa: Thanh Niên)

Khi yêu toàn là màu hồng, nhưng lúc cưới nhau về nếu muốn cuộc sống hôn nhân suôn sẻ hạnh phúc, cặp đôi phải tính toán đủ mọi việc từ "đối nội đối ngoại" đến tiền bạc. Chính vì vậy, không ít cặp đôi mặc dù yêu nhau thắm thiết, “thề non hẹn biển” nhưng vì không vượt qua được những vấn đề này trước khi bước vào hôn nhân mà đành phải “đường ai nấy bước”.


Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi Camera Xóm để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.

Đối với đàn ông là trụ cột trong gia đình thì mức lương và sự nghiệp chính là yếu tố quan trọng để quyết định cặp đôi có tiến tới hôn nhân được hay không. Chính vì vậy, nhiều đàn ông lương trên dưới 10 triệu/tháng thường tự ti và ái ngại khi nhắc đến việc lập gia đình.

Với những cô gái độc lập, họ cho rằng chẳng cần phải lấy đàn ông kiếm được nhiều hơn 10 triệu một tháng bởi các chị em có thể đi làm và tự chủ về kinh tế. Tuy nhiên những chị em thuộc kiểu “nữ công gia chánh” lại cho rằng phải lấy đàn ông lương trên 10 triệu thì cuộc sống hôn nhân mới hạnh phúc. Hiện tại vật giá vô cùng đắt đỏ, nếu mức lương không tiến triển thì bao nhiêu chi phí từ nhà cửa đến con cái làm sao chi tiêu nổi.


Cùng đọc thêm những tin tức khác TẠI ĐÂY!

Chia sẻ Facebook