Dàn lãnh đạo đứng yên cho nhân viên bắn súng nước khiến bao người tranh luận về người sếp trong mơ
Dàn lãnh đạo đứng yên cho nhân viên bắn súng nước khiến bao người tranh luận về người sếp trong mơ
Mới đây trên TikTok đã xuất hiện đoạn clip về một tập đoàn tổ chức sinh nhật vô cùng ấn tượng. Theo đó, toàn thể lãnh đạo, cán bộ và nhân viên tập toàn đã tham gia trò chơi "bắn súng nước".
"Tôi xin bật mí ở phía bên phải khán đài là bàn của lãnh đạo FPT. Những người mà đã hành hạ các bạn trong suốt những năm vừa qua. Và ngày hôm nay các bạn hãy dùng khẩu súng của mình bắn vào chỗ lãnh đạo, bắn càng nhiều nước càng nhiều hạnh phúc và càng nhiều may mắn. Đặc biệt là sắp tết đến nơi rồi, bắn càng nhiều nước càng nhiều thưởng".
Clip ghi lại cảnh lãnh đạo và nhân viên lấy súng bắn lẫn nhau, ai nấy cũng đều ướt nhẹp. Đặc biệt, trong clip còn quay cận những sếp lớn nào là Chủ tịch, Phó chủ tịch, Giám đốc... đều tham gia một cách nhiệt tình, vui đùa cùng với nhân viên. Ai nấy cùng cười tươi rạng rỡ như được "trở về tuổi thơ", lúc này dường như không có sự phân biệt giữa cấp trên và cấp dưới.
Video nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, ai nấy cũng đều ngưỡng mộ với bộ máy lãnh đạo trên, nhiều người còn dành những lời có cánh như: "Toàn lãnh đạo có tâm, có tầm, có học thức và cực kỳ giỏi", "Làm với sếp như thế này cứ muốn cống hiến hết mình vậy".
Từ đây, có thể thấy cách mà ban lãnh đạo, sếp đối xử với nhân viên có thể là yếu tố quyết định đến năng suất, cách làm việc của nhân viên trong công ty. Dưới đây là quan điểm của một số bạn để mọi người thấy được với một người sếp như thế nào thì sẵn sàng cống hiến hết mình.
James R. Leichter - nhà tư vấn, diễn giả kiêm CEO công ty sản xuất phần mềm quản lý tại Mỹ - nhận định khi điều hành doanh nghiệp, khả năng lãnh đạo là điều quan trọng nhất. Đây là một số đặc điểm cần có ở người sếp giỏi:
- Khả năng dùng người là quan trọng nhất vì lãnh đạo không làm việc một mình mà phải thông qua nhân viên để có được kết quả.
- Kỹ năng giao tiếp tốt để lắng nghe nhân viên và hiểu đầy đủ những gì họ mong muốn.
- Cho thấy mục đích rõ ràng và lý do sứ mệnh của họ lại quan trọng đối với toàn bộ tổ chức.
- Động viên và truyền cảm hứng giúp tăng sự tin tưởng, tự tin ở nhân viên.
- Đưa ra các quyết định hiệu quả, dù nhỏ hay lớn.
- Tích cực nhưng cũng thực tế khi đưa ra mục tiêu phát triển.
- Tư duy chiến lược tốt.
- Phát hiện nhân tài và thuyết phục họ gia nhập tổ chức.
SẾP CÓ TÂM ẮT NHÂN VIÊN CÓ TẦM
Việc quản lý một doanh nghiệp không phải là điều đơn giản.Có thể nói việc duy trì được một doanh nghiệp thì nhân viên là một trong những yếu tố quyết định nhất.
"Như Khổng Tử cũng từng nói một câu rất nổi tiếng về cách dùng người: "Người giỏi dùng người thì biết đặt mình ở dưới người". Một người sếp biết lắng nghe thấu hiểu tâm tư của nhân viên luôn là điều ai cũng mong muốn. Khi hiểu được nhân viên thì việc gần gũi tiếp xúc là điều vô cùng đơn giản. Từ đó, phá vỡ rào cản giữa sếp và nhân viên. Một người sếp biết lắng nghe sẽ khiến mọi người kính nể. Chính việc họ quan tâm đến mình sẽ khiến mình đáp lại bằng sự nhiệt huyết, sự cống hiến hết mình".
"Với mình một người sếp để mình có thể cống hiến hết sức mình thì ngoài việc có tâm, quan tâm đến đời sống nhân viên thì cũng phải là người có tầm để có thể lãnh đạo, chèo lái cả một doanh nghiệp. Có thể nói một người sếp làm mình nể sẽ khiến cho mình yêu thích công việc hơn rất nhiều so với một người sếp luôn cố gắng tạo áp lực. Và một điều quan trọng là sếp phải coi trọng mình thì mới làm việc cùng nhau được".
"Một khi công ty và các sếp có đối đãi tốt thì chả có nhân viên nào không làm việc cật lực cả. Thực chất mối quan hệ này là win-win đôi bên cùng có lợi".
SẾP CÓ KHIẾU HÀI HƯỚC, CHUYÊN MÔN GIỎI ĐỂ NHÂN VIÊN NỂ PHỤC VÀ HỌC THEO
"Ngoài những lợi ích mà bản thân được nhận và được hưởng thì tiêu chuẩn phụ mình mong muốn rằng sếp có khiếu hài hước. Chắc chắn không ai muốn đi làm với một người lúc nào cũng cáu gắt, nhăn nhó không biết đùa. Khi ngoài giờ làm việc hoặc mọi người nghỉ ngơi thì người sếp biết tạo ra tiếng cười giúp giảm căng thẳng và tạo sự gần gũi.
Ngoài ra, mình cũng mong muốn một người sếp giỏi. Cảm giác giống như ngày còn đi học vậy, khi được thầy cô giảng giải cho một bài toán khó thì bản thân mình lại muốn cùng thầy cô giải bài toán khó hơn. Và đi làm cũng vậy, khi người sếp khiến cho mình tốt lên về chuyên môn, nghiệp vụ thì bản thân mình cũng sẽ tích cực hơn. Đặc biệt hơn là khi chúng ta được nhận lời khen".
Như vậy, một nhà lãnh đạo giỏi luôn tạo động lực cho nhân viên của mình, tạo môi trường thân thiện, quan tâm tới đời sống của nhân viên. Chỉ có như vậy nhân viên mới cống hiến hết tài năng của mình cho công ty, làm việc hết sức mình để đạt được kết quả cao nhất.