'Dám nghĩ, dám làm' và thượng tôn pháp luật

Chia sẻ Facebook
23/03/2023 09:55:35

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước khuyến khích và kêu gọi có cơ chế để bảo vệ các cán bộ nhà nước dám nghĩ, dám làm, có hành động sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung. Điều này được dư luận xã hội rất ủng hộ nhưng không khỏi băn khoăn: Cần hiểu đúng thế nào để biến chủ trương đó thành hiện thực? Hơn thế, mối quan hệ giữa cơ chế “dám nghĩ, dám làm” và chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật sẽ được xử lý ra sao?

'Dám nghĩ, dám làm' và thượng tôn pháp luật

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước khuyến khích và kêu gọi có cơ chế để bảo vệ các cán bộ nhà nước dám nghĩ, dám làm, có hành động sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung. Điều này được dư luận xã hội rất ủng hộ nhưng không khỏi băn khoăn: Cần hiểu đúng thế nào để biến chủ trương đó thành hiện thực? Hơn thế, mối quan hệ giữa cơ chế “dám nghĩ, dám làm” và chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật sẽ được xử lý ra sao?

Khi được báo chí phỏng vấn chủ đề này, tôi khá phân vân bởi xét từ thực tế dư luận cũng như nghiên cứu của bản thân, dường như đang tồn tại các cách hiểu và tiếp cận vấn đề khác nhau.


Cách thứ nhất: Đa số những người tôi biết đều hiểu “dám nghĩ, dám làm” chính là những hành động mang tính “xé rào” của cá nhân hay một tập thể chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong một ngành hoặc địa phương, mà cụ thể là các quyết định về chính sách và giải pháp thực hiện ngoài khuôn khổ quy định của pháp luật hay chỉ đạo chính thức bằng văn bản của trung ương. Các quyết định này xuất phát từ bối cảnh thực tế và nhu cầu cấp bách của ngành, địa phương và được biện minh bằng mục tiêu phục vụ lợi ích chung.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm và quan ngại chính là các hậu quả của nó khi trong quá khứ đã có những người phải vướng lao lý vì những hành động như vậy. Đã có cán bộ nhà nước phát biểu công khai rằng họ thà đứng trước hội đồng kỷ luật do không hoàn thành nhiệm vụ còn hơn đứng trước hội đồng xét xử vì vi phạm pháp luật.

Cách thứ hai và là sự suy xét của cá nhân tôi. Đó là “dám nghĩ, dám làm” phản ánh một đòi hỏi khách quan và mang tính quy luật. Không chỉ bởi các “hàng rào pháp luật” được dựng lên quá dày đặc, bóp nghẹt không gian hành động của cá nhân, nhất là đối với các cán bộ công quyền có trọng trách, đến mức họ buộc phải tìm cách “xé rào” để tìm lối thoát cũng vì mục tiêu làm tròn trách nhiệm.

Sâu xa hơn, “dám nghĩ, dám làm” chính là nhu cầu từ thực tiễn khách quan, là thái độ ứng xử và phương châm hành động bình thường, đúng đắn của con người, chưa nói đến các cá nhân và cơ quan thừa hành công vụ. Nhận định này được lý giải dựa trên những tiền đề cơ bản dưới đây:

Thứ nhất, thực tại đời sống vốn năng động, linh hoạt, biến đổi và phát triển nhanh chóng, không ngừng dù ở bất cứ đâu, không chỉ Việt Nam, nơi các thể chế kinh tế – xã hội đang chuyển đổi theo hướng thị trường, tự do hóa và hội nhập quốc tế. Khung chính sách và pháp luật ở nước ta, vốn được hình thành từ tư duy và hành động chủ quan của con người, do đó không chỉ đang chậm nhịp mà sẽ mãi mãi và luôn luôn chậm nhịp.

Giải quyết bài toán “dám nghĩ, dám làm” của cán bộ, công chức sẽ không chỉ là thúc đẩy sự thay đổi về thái độ ứng xử hay ý chí chủ quan trên bình diện cá nhân mà còn và quan trọng hơn, gắn với tầm nhìn lâu dài, ổn định, đó là sự cải cách căn bản mang tính hệ thống về quản trị quyền lực, xây dựng và thực thi chính sách và pháp luật.


Thứ hai , các thiết chế mang tính hạ tầng cho tồn tại và phát triển của một quốc gia về đại thể luôn luôn được cấu thành bởi hai yếu tố: Yếu tố căn bản và ổn định là khung pháp luật và yếu tố lệ thuộc, năng động là các chính sách cùng với công cụ và biện pháp thực thi pháp luật. Diễn nôm, đó là hai mặt “tĩnh” và “động” của một hệ thống, cần thiết tồn tại song hành, vừa phụ thuộc vừa hỗ trợ, bổ sung cho nhau.


Thứ ba , yếu tố trung tâm, đóng vai trò quan trọng nhất hay chủ đạo chính là con người. Con người nói chung không thể sống và hành xử mà không có cảm hứng và động lực tự thân đến từ tư duy chủ động và hành động sáng tạo. Đối lập với điều này là sự phục tùng giản đơn, một chiều theo lối từ trên xuống mà kết cục theo thời gian là mỗi cá nhân sẽ trở thành những cái “đinh ốc” hay cấu phần của một cỗ máy.

Vậy, câu hỏi bao trùm cần được đặt ra là: Việt Nam chúng ta đang ở trong hoàn cảnh nào và tại sao những điều tưởng như bình thường là “dám nghĩ, dám làm” lại phải được lãnh đạo Đảng, Nhà nước kêu gọi?

Trước hết, đó là tình trạng khá lơi lỏng về quản lý và kiểm soát, dẫn đến kỷ cương thể chế, pháp luật và trật tự xã hội thông thường bị phá vỡ, đòi hỏi phải tăng cường các hành vi cưỡng chế trực tiếp. Hệ quả tất yếu của hiện trạng này là khuynh hướng tăng cường và siết chặt kỷ cương trong điều hành và ở mức cao hơn, đó là nhu cầu thượng tôn pháp luật cùng với xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền.

Hai là, sự tồn tại tâm lý từ phục tùng dẫn đến ỷ lại cấp trên, vừa lo sợ cho an toàn cá nhân, vừa thúc thủ trong hành động khi phải đối diện với thực trạng quá phức tạp chưa từng có tiền lệ của cuộc sống. Tâm lý này đã và đang phát triển trong một bộ phận không nhỏ cán bộ công quyền, dẫn đến sự thui chột bản năng lành mạnh trong họ là dám nghĩ, dám làm.

Con người nói chung không thể sống và hành xử mà không có cảm hứng và động lực tự thân đến từ tư duy chủ động và hành động sáng tạo. Đối lập với điều này là sự phục tùng giản đơn, một chiều theo lối từ trên xuống.

Ba là, trên bình diện khách quan, chúng ta chưa có các thiết chế đạt chuẩn chuyên nghiệp và phát triển của hệ thống pháp luật và quản trị xã hội. Tất cả dường như vẫn đang trong quá trình xây dựng với sự điều chỉnh thường xuyên, dù cần thiết nhưng diễn ra quá nhanh.

Về khái quát, đó là việc thiếu phân định rạch ròi giữa chế định pháp luật và nội hàm chính sách, giữa nền tảng luật pháp chung và hệ thống các cơ chế, công cụ và biện pháp để tác động, điều chỉnh và thực thi. Đánh giá điều này như một chuyên gia pháp luật, tôi vẫn nhớ như in lời nhận xét của một chuyên gia người Đức năm nào:“Tôi thấy các quy định pháp luật của các bạn toàn là chính sách”.

Riêng từ góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng pháp luật của nước ta vẫn còn tình trạng quá chung chung trong lĩnh vực tư nhưng lại quá chi tiết trong lĩnh vực công, xem nặng các quy trình và thủ tục chẳng khác gì “cầm tay chỉ việc”. Trong khi đó, để thực thi công quyền, chức năng chính của pháp luật là làm rõ việc phân chia quyền lực cũng như phân định, phân tách và phân cấp về thẩm quyền giữa các chủ thể của bộ máy công xét cả theo chiều dọc và chiều ngang. Bởi suy cho cùng, nếu thiếu không gian tự chủ, “dám nghĩ, dám làm” sẽ là yêu cầu bất khả thi đối với cả cá nhân và tổ chức.

Vấn đề này tồn tại lâu mang đến một tâm lý và thái độ thiếu lành mạnh trong một bộ phận cán bộ công quyền, có thể gọi chung là căn bệnh đối phó và hình thức, coi trọng tuân thủ đúng các “quy trình và thủ tục” để tránh được trách nhiệm trong khi xem nhẹ việc đạt được các mục tiêu và hiệu quả.

Phân tích thực trạng để thấy rằng giải quyết bài toán “dám nghĩ, dám làm” của cán bộ, công chức sẽ không chỉ là thúc đẩy sự thay đổi về thái độ ứng xử hay ý chí chủ quan trên bình diện cá nhân mà còn và quan trọng hơn, gắn với tầm nhìn lâu dài, ổn định, đó là sự cải cách căn bản mang tính hệ thống về quản trị quyền lực, xây dựng và thực thi chính sách và pháp luật. Đương nhiên, để tới cái đích cuối cùng sẽ là cả một chặng đường phải đi, nhưng cần bắt đầu bằng những bước nhỏ, rõ ràng và chắc chắn. Tôi mạnh dạn đề xuất những bước đó như sau:

Nguyên nhân trực tiếp của không “dám nghĩ, dám làm” là cái sợ ám ảnh và nỗi lo cụ thể về rủi ro pháp luật. Vậy, để giải tỏa nỗi sợ, dù là mơ hồ, sẽ cần định nghĩa và đặt ra giới hạn trong hai tình huống cụ thể sau đây mà “làn ranh đỏ” là không vi phạm luật.

Tình huống thứ nhất: Việc cần làm do nhu cầu thực tế đã có đủ luật, nghị định và thông tư điều chỉnh nhưng các văn bản hướng dẫn đã lỗi thời. Trong trường hợp đó, đơn vị có nhu cầu thực hiện cần có tờ trình giải pháp, được bộ có liên quan xác nhận và Thủ tướng phê duyệt.

Tình huống thứ hai: Việc cần làm có nội dung mới chưa được bất cứ văn bản pháp luật nào điều chỉnh. Trong trường hợp đó, đơn vị có nhu cầu thực hiện cần có tờ trình về giải pháp, được Bộ Tư pháp thẩm định và Thủ tướng phê duyệt.

Cả hai cơ chế nói trên cần nhanh chóng được hợp thức hóa bằng một nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao quyền hành động cho Thủ tướng. Thiết nghĩ, không có việc gì khó miễn tất cả đồng lòng hành động vì lợi ích chung.

LS. Nguyễn Tiến Lập


TBKTSG

Chia sẻ Facebook