Đạm Hà Bắc “hồi sinh”, báo lãi kỷ lục sau nhiều năm thua lỗ
Sau nhiều năm thua lỗ, Đạm Hà Bắc lần đầu báo lãi gần 1.800 tỷ đồng trong năm 2022 – đây là mức lợi nhuận cao nhất của công ty sau cổ phần hóa.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - UpCOM: DHB), công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.147 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, lãi gộp của công ty giảm hơn 41% còn 381 tỷ đồng. Biên lãi gộp từ 46,2% cùng kỳ năm ngoái thu hẹp còn 33,2%. Trừ đi các chi phí lãi vay và chi phí bán hàng được tiết giảm, Đạm Hà Bắc báo lãi sau thuế 85 tỷ đồng, giảm gần 72% so với quý IV/2021.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, quý IV/2022 là thời điểm trái vụ, nhu cầu ure giảm, giá ure thế giới và trong nước đang xu hướng đi xuống, ngân hàng siết tín dụng nên việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, giá dầu, giá than và các loại vật tư, nguyên liệu đầu vào khác tăng rất cao, nguồn than trong tình trạng thiếu hụt, đồng USD khiến chi phí lãi vay tăng là các nguyên nhân khiến kết quả của công ty đi xuống so với cùng kỳ.
Dù kết quả quý IV đi lùi, song nhờ kết quả của 3 quý trước nên tính chung cả năm 2022, doanh thu thuần của Đạm Hà Bắc đạt 6.441 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt mốc kỷ lục 1.779 tỷ đồng - gấp 287 lần con số 6 tỷ đồng cùng kỳ.
Năm 2022, Đạm Hà Bắc kỳ vọng tổng doanh thu 4.498 tỷ đồng, có lãi trước thuế 8,7 tỷ. Với kết quả trên, công ty đã vượt 43% chỉ tiêu doanh thu và vượt xa kế hoạch lợi nhuận.
Nhà máy Đạm Hà Bắc được biết đến là một trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương với số nợ hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời thua lỗ triền miên từ sau cổ phần hóa (năm 2016), có năm lỗ đỉnh điểm gần 1.461 tỷ đồng.
Với kết quả đạt được trong năm 2022, công ty đã giảm số lỗ lũy kế xuống 2.974 tỷ đồng, đồng thời vốn chủ sở hữu chỉ còn âm 252 tỷ đồng, trong khi đầu năm âm 2.031 tỷ đồng
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của Đạm Hà Bắc giảm 364 tỷ đồng so với đầu năm về 7.582 tỷ đồng, khoảng hơn 60% là ở tài sản cố định. Hàng tồn kho của công ty ở mức 847 tỷ, tăng 57% so với đầu năm, chủ yếu là nguyên liệu, vật liệu tồn kho. Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng 240 tỷ đồng.
Gánh nặng nợ vay là vấn đề nan giải của Đạm Hà Bắc trong nhiều năm. Thời điểm cuối năm 2022, công ty vay tổng cộng 3.234 tỷ đồng, giảm 46% so với đầu năm. Năm ngoái, Đạm Hà Bắc phải trả 757 tỷ đồng chi phí lãi vay, còn năm 2021 là 977 tỷ đồng.
Nợ ngắn hạn của Đạm Hà Bắc vẫn ở mức trên 6.254 tỷ đồng, gấp 4,4 lần tài sản ngắn hạn nên vốn lưu động âm 4.857 tỷ. Số lỗ lũy kế hơn 2.974 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 252 tỷ đồng, song đã giảm so với đầu năm ở mức 2.031 tỷ đồng.
Hồi tháng 8/2022, khi trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) – doanh nghiệp đang sở hữu Đạm Hà Bắc cho biết, việc cơ cấu lại toàn bộ hệ thống bộ máy nhân sự, quyết tâm hồi sinh sự sống cho các nhà máy vốn đắp chiếu lâu nay là việc phải làm sớm.
Nói riêng về Đạm Hà Bắc, ông Cường nói rằng, đây là thương hiệu lớn, có uy tín với bà con nông dân. Thủ tướng Phạm Minh Chính sau chuyến thị sát cũng yêu cầu phải tái cơ cấu để giữ thương hiệu Đạm Hà Bắc.
Theo Chủ tịch Vinachem, hiện tất cả các chỉ số sản xuất, kinh doanh của Đạm Hà Bắc đều tốt, trừ chỉ số tài chính là còn khoản lỗ lũy kế còn lớn. Do đó, nếu thực hiện tái cơ cấu, trong vòng vài năm nữa Đạm Hà Bắc sẽ hết lỗ luỹ kế, thậm chí sẽ có thể chia cổ tức. Còn riêng nguồn vốn, nếu bỏ được bỏ lãi phạt, không phải chịu lãi mẹ đẻ lãi con thì chỉ trong giai đoạn 2023-2024, doanh nghiệp sẽ trả hết nợ .