Đám cưới thời ông bà chẳng có của hồi môn nặng trĩu cổ vẫn viên mãn

Chia sẻ Facebook
06/06/2023 14:41:47

Của hồi môn dường như không thể thiếu trong các đám cưới hiện nay. Thế nhưng, nhiều người đang có xu hướng đặt nặng, làm sai lệch bản chất của nó. Nhìn chung, của hồi môn không quyết định hạnh phúc của một cuộc hôn nhân bởi ông bà cũng từng chẳng có gì mà vẫn viên mãn, hạnh phúc.

Đám cưới là ngày hạnh phúc nhất của mỗi người cũng như gia đình, họ hàng hai bên. Trong ngày này, bố mẹ, người thân, bạn bè cũng thường tặng quà cho cô dâu, chú rể như một món của hồi môn thay cho lời chúc hạnh phúc viên mãn tới cặp đôi. Nhiều cô dâu, chú rể cổ đeo vàng nặng trĩu khiến ai cũng cảm thấy vui lây. Đối lập với hình ảnh của hồi môn nặng trĩu cổ, thời ông bà, họ chẳng có quà cầu kỳ nhưng cuộc hôn nhân vẫn hạnh phúc viên mãn.

Cô dâu cổ đeo vàng nặng trĩu khiến ai cũng ngưỡng mộ. (Ảnh: Nghệ An)


Đám cưới giản dị thời ông bà


Ngày nay, những đám cưới với của hồi môn đeo đầy người, nặng trĩu cổ của các các cặp đôi luôn trở thành một chủ đề gây xôn xao trên khắp các trang mạng xã hội. Những hình ảnh cô dâu, chú rể đeo vàng lóa mắt người nhìn đã từng được cập nhật rất nhiều tại YAN .

Cô dâu được bố mẹ tặng của hồi môn lên tới 20 cây vàng. (Ảnh: Tổ Quốc)


Đối lập với những hình ảnh đó, đám cưới của ông bà, bố mẹ thời xưa lại rất giản dị, mộc mạc, chẳng xa hoa hay cầu kỳ như hiện tại. Thế nhưng, nó vẫn đủ để khiến bất kỳ ai đi qua cũng phải nhớ kỹ vì sự hạnh phúc giản dị thời đó. Những ngày đất nước còn nghèo khó, đám cưới xịn lắm là có vài con gà làm cỗ, rước dâu bằng chiếc xe cub. Còn nếu không, hầu hết đám cưới thời ông bà chủ yếu đi bộ hoặc sang hơn một chút là đèo nhau trên chiếc xe đạp. Những hình ảnh cô dâu nhẹ nhàng e ấp, bẽn lẽn ngồi sau xe, tay bám hờ vào eo của chú rể đã vẽ lên một hình ảnh tình yêu thật trong trẻo, tinh khôi mà cuộc sống Gen Z hiện tại chẳng thể nào tìm lại được.

Hình ảnh đám cưới thời xưa giản dị đối lập với hiện tại. (Ảnh: David Alan Harvey)


“Đám cưới 2 bác còn chẳng có váy cô dâu đâu. Nhà nghèo mà, vợ chồng mặc quần dài, áo sơ mi trắng, làm mấy mâm cỗ mời người thân, hàng xóm, bạn bè tới chung vui. Đấy, thế là về chung một nhà với nhau. Tới giờ cũng ngót nghét hơn 40 năm rồi” - bác Bích chia sẻ với chúng tôi ký ức đám cưới những năm 1980.

Đám cưới "thời ông bà" giản dị, mộc mạc nhưng vẫn hạnh phúc. (Ảnh: Ngôi Sao)

Chúng ta cũng thường thấy những cô dâu xưa với chiếc áo dài hay váy cưới bồng bềnh, đầu đội khăn voan, đeo găng tay trắng. Thế nhưng, cũng có những cặp đôi “thời ông bà” đến với nhau khi gia đình còn nghèo, còn bận lo miếng cơm manh áo nên đám cưới chẳng có gì nhiều. Chính vì vậy nên những thứ xa hoa, lộng lẫy như nhẫn kim cương, vòng vàng, lắc vàng dường như không bao giờ xuất hiện. Nhưng bất chấp những điều đó, tình yêu của thời ông bà vẫn bền chặt theo năm tháng, những cái nắm tay vẫn cạnh nhau đến khi đầu bạc răng long.

Cô dâu chú rể thời xưa đèo nhau trên chiếc xe đẹp thô sơ. (Ảnh: T.T.V.N)


Của hồi môn không phải thước đo của sự hạnh phúc

Từ những hình ảnh đám cưới thời xưa, những câu chuyện tình yêu ngọt ngào tuổi xế chiều, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng những trang sức lấp lánh chưa bao giờ là thước đo cho hạnh phúc. Các nàng dâu khi về nhà chồng có bố mẹ hai bên trao vòng, trao nhẫn cùng là một niềm vui, bởi nó cho thấy rằng gia đình hai bên đều có đủ về vật chất, không phải chịu áp lực cơm áo gạo tiền quá nhiều. Thế nhưng, mỗi người chúng ta cũng nên nhớ rằng, của hồi môn không phải là bắt buộc, nếu bố mẹ dư dả để cho con cái, đó là sự may mắn, nếu không thì cũng chẳng sao. Chúng ta không nên so bì của hồi môn với người này, người kia rồi giận dỗi bố mẹ, cho rằng họ chưa đủ tình yêu thương.

Chẳng của hồi môn xa xỉ, các cặp đôi "thời ông bà" vẫn hạnh phúc viên mãn. (Ảnh: Zing News)


Một số cô dâu khi về nhà chồng cũng mong muốn được bố mẹ trao cho chiếc kiềng vàng, vừa tăng thêm sự lộng lẫy lại vừa hãnh diện với gia đình nhà chồng, người thân, bạn bè tới dự. Thậm chí, khi không có của hồi môn nặng trĩu cổ, nhiều người còn tỏ thái độ, mặt nặng mày nhẹ với bố mẹ. H. (28 tuổi, Hà Nam) cho biết: “Gần ngày cưới, mẹ mình dẫn ra cửa hàng và mua cho cái nhẫn 2 chỉ, nói là của hồi môn. Lúc đó mình gần như đứng đơ ra vì đi đám cưới thấy nhà ai cũng trao cho con một cái vòng cổ, ít thì cũng phải 4 - 5 chỉ. So với bạn bè mình cũng thấy tủi thân, cảm thấy kém hơn”.


Một độc giả của YAN đã từng chia sẻ trong đoạn video về cặp cô dâu - chú rể được bố mẹ tặng cho của hồi môn hơn trăm tỷ đồng và chiếc xe cứu thương rằng: "Mai này tui cưới chồng tui không cần mẹ cho gì cũng gì được. Vì suốt bao năm qua mẹ đã bán mặt cho đất bán lưng cho trời nuôi tui ăn học, cho bao nhiêu đấy là kiến thức là đủ rồi, và hơn hết là nhà tui hổng có nhiều tiền" . Chỉ câu nói ngắn gọn đó cũng đủ hiểu các bạn trẻ ngày nay càng có ý thức hơn về việc quý trọng những gì bố mẹ đã cho trước đó chứ không chỉ dừng lại ở của hồi môn bao nhiêu, có so bì được với bạn bè không.

Ông bà vẫn nắm tay nhau đi tới "đầu bạc, răng long". (Ảnh: Hoàng Ngân)

Chẳng cần vàng đeo nặng trĩu cổ trong ngày cưới, họ vẫn hạnh phúc nắm chặt tay nhau. (Ảnh: Lưu Xuân Đức)

Nhìn chung, của hồi môn không quyết định được hạnh phúc trong hôn nhân. Quan trọng là sự bao dung, thấu hiểu lẫn nhau của những người trong cuộc. Cùng nhau cố gắng, cùng hiểu cho đối phương sẽ là cốt lõi của một cuộc hôn nhân lâu bền chứ không phải vì vật chất hào nhoáng.

Của hồi môn dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong các đám cưới hiện nay. Tuy nhiên, một số người lại quá đặt nặng về vấn đề của hồi môn, khiến nó mất đi giá trị vốn có. Suy cho cùng, đám cưới là dấu mốc bắt đầu một hành trình mới, xây dựng một tổ ấm hạnh phúc chứ không phải để so kè sự giàu sang. Và của hồi môn hoàn toàn không phải thước đo của hạnh phúc. Giống như thời ông bà, chẳng có vòng vàng, lắc tay nặng trĩu, họ vẫn sống với nhau hạnh phúc viên mãn.


Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook