Đám cưới bạn hào hứng tới dự, đến lượt mình mời chẳng thấy ai
Không phải bạn cứ hết lòng coi một người nào đó là bạn thân thì người đó sẽ đối xử lại với bạn y như vậy. Điển hình là câu chuyện đám cưới, lúc đi bạn hết mình, lúc mình cưới mời lại chẳng thấy ai.
Đám cưới là một trong những dịp trọng đại nhất trong cuộc đời mỗi người. Chính vì thế ai cũng mong muốn có sự hiện diện đông đủ của người thân, bạn bè. Nhiều người không tiếc lặn lội đường xa mấy trăm km, xin nghỉ làm để đi đám cưới bạn thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng được nhận lại tình cảm tương tự khi tới lượt mình tổ chức đám cưới.
Bỏ hết tất cả để đi đám cưới bạn thân
Đã có ai khi nghe tin bạn thân chuẩn bị cưới là cảm thấy háo hức, hồi hộp như sắp về nhà chồng chưa? Khi nghe tin bạn thân chuẩn bị cưới, tôi hào hứng đi sắm váy rồi giày dép mặc đi dự đám cưới trước cả tháng trời. Cả nhóm cũng bàn bạc với nhau không biết nên mừng bao nhiêu. Thế rồi tất cả thống nhất mỗi người mừng cưới 1 chỉ vàng.
Ngày lễ cưới diễn ra vì nhà cô bạn tôi ở Lạng Sơn cách Hà Nội gần 200km nên chúng tôi phải về từ tối hôm trước. Không chỉ vậy, cô bạn tôi còn cưới vào thứ 4 giữa tuần. Thế là để đi đám cưới bạn tôi phải xin nghỉ cả 3 ngày thứ 3, thứ 4, thứ 5. Để có thể xin nghỉ được dài ngày như vậy tôi đã phải viết email xin nghỉ trước cả tháng, rồi bị cả leader mắng cho một trận. Ngoài việc không được nhận lương những ngày đó thì tôi còn bị cắt thưởng cả tháng.
Một cô bạn khác của tôi thì mới vào làm công ty thử việc được 2 tuần nên xin nghỉ rất khó khăn. Sau khi nghỉ mấy ngày như vậy nó thậm chí còn bị công ty cho nghỉ việc luôn với lý do không có trách nhiệm với công việc. Còn một cô bạn khác trong nhóm vì đã lấy chồng, có một con nhỏ nên rất khó để đi đám cưới ở một tỉnh xa mấy ngày. Tuy nhiên, vì tình bạn thân thiết suốt 4 năm đại học nên nó cũng chấp nhận bị mẹ chồng nói lên nói xuống cả tuần để đi đám cưới.
Với chúng tôi, để có thể có mặt ở đám cưới bạn thân thì những điều đó hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, ngày cưới bạn, trái với suy nghĩ của chúng tôi sẽ được bạn tiếp đón nhiệt tình thì 23h đêm chúng tôi vẫn phải lang thang khắp khu đó tìm nhà nghỉ. Hôm sau thì cả lũ phải xếp hàng chờ mãi mới đến lượt chụp ảnh cùng cô dâu. Thậm chí chúng tôi còn chưa được xếp mâm ăn uống gì thì nhà trai đã đến đón dâu. Mặc dù khá mệt mỏi và hụt hẫng nhưng cả nhóm cũng bảo nhau thông cảm cho cô dâu vì ngày cưới nhiều việc lại phải lo cho cả họ hàng hai bên.
Cưới bạn đi hết mình, cưới mình chẳng thấy ai
Sau khi ra trường được hơn 2 năm tôi cũng chính thức kết hôn. Ngày chuẩn bị cưới tôi rất háo hức vì nghĩ rằng đám cưới người bạn nào mình cũng hết lòng đi thì đám cưới mình chắc sẽ đông vui lắm. Thậm chí trước kia mọi người còn dặn đi dặn lại tôi dù sau này ít gặp gỡ nhưng cưới hỏi thì nhất định phải mời. Thế là tôi cũng háo hức đi mời cưới. Vì không làm việc ở cùng thành phố nên có những người bạn tôi đành mời bằng cách gọi điện, nhắn tin.
Tuy nhiên, có người mới trước đó mấy tháng gặp nhau bảo tôi cưới nhớ mời thì nay được tôi mời lập tức từ chối: “ôi cưới vào giữa tuần thì tớ không nghỉ được đâu”. Có người dửng dưng đáp : “để tôi xem đã nhưng mà không hứa trước đâu nhé”. Nghe các bạn nói thế tôi không khỏi chạnh lòng bởi trước kia khi được mời tôi đều hào hứng đồng ý ngay mà chẳng mảy may suy nghĩ điều gì.
Nhưng điều tôi không ngờ nhất là vào đúng sáng hôm tổ chức đám cưới tôi nhận được hàng loạt tin nhắn từ chối với đủ lý do trên trời dưới biển. Người thì nói phải ở nhà trông cháu, người thì bảo hết nghỉ phép rồi công ty không cho nghỉ, người thì hôm tôi cưới đúng ngày công ty có sự kiện. Thậm chí có bạn còn bảo đang bị Covid-19 nên không đi được. Mặc dù có chút bực tức nhưng tôi vẫn cố trả lời lại. Tuy nhiên, nhìn loạt tin nhắn phía sau khiến tôi cực kỳ ngao ngán.
Có bạn còn gửi hẳn ảnh chụp màn hình chuyển khoản mừng cưới cho tôi rồi từ chối đi dự: “Tôi gửi tiền mừng nhá, thông cảm nha bà cưới giữa tuần tôi không về được”. Nhưng cái tôi cần không phải tiền mừng cưới theo kiểu có lệ như vậy mà là sự có mặt của các bạn. Những bạn không đi dự nhưng gửi tiền mừng thì có thể thông cảm nhưng có những người thậm chí không đi dự cũng không gửi tiền mừng, ngay cả một câu chúc mừng cũng không có. Chính vì thế, sau dịp đám cưới tôi cũng lọc được kha khá người ra khỏi danh sách bạn bè của mình.
Trước đó, tôi từng ở cùng phòng ký túc xá với một cô bạn cùng lớp tên N.A. Cô bạn này có một người bạn thân tên Q.H từng học cùng 2 năm trước khi chia chuyên ngành. Chuẩn bị ra trường thì Q.H cưới, thời điểm đó tôi thấy cô bạn cùng phòng hí hửng chuẩn bị váy áo đi dự suốt cả tháng trời. Tuy nhiên, 2 năm sau lúc đám cưới N.A tôi tới dự lại chẳng thấy mặt Q.H đâu.
Ngồi vào mâm ăn cưới tôi nghe người bạn chung của cả hai kể Q.H từ chối đi đám cưới cô bạn của tôi với lý do: “bận đi khám bệnh miễn phí”. Nhưng thực ra chẳng có buổi khám bệnh nào mà cô nàng này chia bạn bè ra từng loại A, B, C,... tùy theo mức độ thân thiết. Sau vài năm không còn học cùng, Q.H đã về quê làm việc nên không có nhu cầu qua lại với N.A nữa. Và tất nhiên N.A cũng không còn xuất hiện trong vòng bạn bè ở cấp độ đầu nên không có lý do gì để đi đám cưới. Nghe đến đây cả mâm cũng chỉ biết cười trừ không hiểu tại sao lại có thể phân loại bạn bè theo cấp độ như vậy.
Tình bạn cũng cần “có qua có lại mới toại lòng nhau”
Người ta vẫn nói “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Chẳng có ai có thể hết lòng mãi vì một người không coi mình ra gì. Mình bỏ ra 10 thì ít nhất cũng phải nhận lại 8, 9 thì mới có thể duy trì được mối quan hệ lâu dài. Dù là tình bạn, tình thân hay tình yêu cũng đều như vậy.
Trước đó, mạng xã hội cũng từng chia sẻ không ít câu chuyện "dở khóc dở cười" về quà mừng cưới. Điển hình phải kể đến câu chuyện cô gái mừng cưới bạn thân 1 chỉ vàng nhưng chỉ nhận lại được 3,5 triệu đồng. Khi nói chuyện rõ ràng với bạn thân, cô còn nhận lại được câu trả lời với thái độ bực bội: "Chẳng qua giờ vợ chồng tao đang khó khăn chứ tao thèm vào lấy tiền của mày. Thôi coi như tao nợ mày 2 triệu đi, giờ vàng đang 5,5, mấy nữa có tiền tao đưa thêm". Sau cuộc tranh cãi kịch liệt như vậy, cả 2 đã quyết định nghỉ chơi và giải tán hội bạn thân.
Thậm chí còn có người sử dụng vàng giả để mừng cưới lại bạn của mình khiến cô dâu chú rể cũng phải "cạn lời". Như trường hợp được một chú rể ở Thanh Hóa chia sẻ trên trang cá nhân chính là ví dụ. Cụ thể, sau khi nghi ngờ cặp nhẫn được tặng là vàng giả hai vợ chồng cô dâu đã mang ra tiệm vàng kiểm chứng.
Khi được xác nhận đúng với suy đoán, chú rể bức xúc bày tỏ: "Thanh Hoá đã ghi nhận một ca mừng cưới trót lọt 2 chiếc nhẫn mang nhãn hiệu vàng giả. Tưởng qua mắt được vợ chồng em nhưng không thể đâu ạ. Em có video cận cảnh mặt người trao luôn và em cũng biết được ai là người cầm chiếc nhẫn đó nên đừng có làm như vậy không hay, mất tình cảm đi. Đừng để em phải đăng mặt lên đây thì lại mất vui. Chỉ mặt đặt tên luôn ạ”.
Tương tự, Minh Anh (25 tuổi, Hà Nội) cũng chia sẻ bản thân đã phải xóa nhóm trò chuyện bạn bè vì cảm thấy mệt mỏi. Nhiều lúc Minh Anh tự hỏi rốt cuộc họ có thực sự coi mình là bạn hay không? Bởi vì chỉ khi cần họ mới tìm đến nhưng đổi ngược lại lúc cô bạn có chuyện buồn cần tâm sự lại chẳng thấy ai. Đỉnh điểm là ngày Minh Anh cưới.
Trong nhóm bạn của Minh Anh có 7 thành viên thì 5 người đã kết hôn. Trong 5 người này thì có 4 người Minh Anh đã tới dự đầy đủ còn một người vì gia đình có việc nên chỉ kịp gửi tiền mừng. Tuy nhiên ngày cô cưới chỉ có duy nhất 1/7 thành viên tới dự và người đó chính là người chưa kết hôn. Ai cũng viện lý do nào là con nhỏ, nào là cơ quan có việc để trốn tránh đi dự. Thậm chí có bạn vì không đi ăn cỗ mà còn “rút” tiền mừng từ 500 nghìn đồng xuống còn 300 nghìn đồng. Mà thời Minh Anh đi đám cưới cô bạn này đã cách đây 5 năm.
“Điều mình buồn, mình tiếc không phải là 200 nghìn đồng mà là cách các bạn đối xử với mình không ra sao. Mình nhận ra suốt những năm qua chỉ có mình là người luôn chạy theo họ còn với họ mình có cũng được, không có cũng chẳng sao. Mình thực sự hối hận vì đã không nhận ra điều này sớm hơn”.
Vậy mới thấy, trong bất kể mối quan hệ nào cũng cần có sự chân thành xuất phát từ cả hai phía. Bạn đối xử với người khác như thế nào thì sẽ nhận lại được kết quả như vậy. Chẳng có ai mãi mãi chấp nhận chịu phần thua thiệt về mình. Vì thế, nếu muốn duy trì một tình bạn đúng nghĩa thì cả hai bên cần thật lòng đối đãi với nhau từ những điều nhỏ nhất. Bạn có mặt lúc mình gặp khó khăn, lúc vui, lúc buồn thì đổi lại mình cũng cần làm điều tương tự với bạn. Chỉ có như vậy thì mối quan hệ mới có thể duy trì bền vững.
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi Camera Xóm để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.
Chẳng có ai mong muốn ngày cưới của mình lại là ngày giải tán hội bạn thân. Bởi một khi đã gọi nhau hai tiếng “bạn thân” chắc chắn đôi bên đã từng có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Chính vì thế, đừng để những tính toán thiệt hơn nhất thời làm mất đi những tình cảm đáng quý. Bên cạnh đó, hãy đặt mình vào vị trí của bạn để suy nghĩ. Nếu đôi bên có bất mãn về nhau thì cần thẳng thắn nói ra, cùng góp ý cho nhau. Đôi khi sự im lặng mới chính là thứ khiến khoảng cách giữa một mối quan hệ càng ngày càng gia tăng. Đến lúc đó sẽ thật khó mà cứu vãn dù là tình bạn hay tình yêu.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !