Đảm bảo điều kiện chỉ áp dụng thu phí không dừng
Đầu tháng 6 tới, các trạm thu phí BOT trên cả nước sẽ chỉ còn duy nhất một làn thu phí hỗn hợp, các làn còn lại là thu phí không dừng (thu phí tự động không dừng - ETC).
Những chủ đầu tư BOT nào không hoàn thành đúng tiến độ việc lắp đặt hệ thống ETC sẽ bị xử lý, thậm chí bị buộc dừng thu phí.
Riêng tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - tuyến cao tốc trọng điểm sẽ chỉ thu phí không dừng . Hiện nay, việc lắp đặt thiết bị và đường truyền kết nối tín hiệu hệ thống đã được hoàn tất. Các đơn vị liên quan cũng chuẩn bị nhiều phương án để không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân vừa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Dừng xe, trả thẻ, nộp tiền tại trạm thu phí..., sau gần 1 tháng nữa, những hình ảnh như vậy sẽ không còn xuất hiện trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Toàn bộ các làn thu phí trên tuyến đường này sẽ chuyển sang thu phí điện tử không dừng.
"Đã là cao tốc thì các xe trả phí vô tình dừng có thể va chạm với nhau. Khi đã tự động thì xe cứ thế đi qua, giảm tốc độ, đảm bảo hơn nhiều", Anh Nguyễn Văn Thoan, Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội, cho biết.
Hiện trên các làn thu phí, chủ đầu tư BOT đã lắp đặt thiết bị thu phí điện tử không dừng. Chủ đầu tư và các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng đã phối hợp để kết nối tín hiệu vào hệ thống. Công tác tổ chức giao thông trên tuyến và tại trạm thu phí cũng được cơ quan quản lý lên phương án để đảm bảo cho việc triển khai thí điểm áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng.
"Chúng tôi tổ chức rà soát hệ thống biển báo giao thông trên toàn tuyến để thiết kế lại đảm bảo mục tiêu phân làn, phân luồng từ xa, thông báo cho các chủ phương tiện trước khi vào cao tốc về việc khi đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng phải đáp ứng điều kiện về thu phí điện tử không dừng", ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết.
Sai số cho phép của hệ thống thu phí điện tử không dừng là 2%. Điều đó có nghĩa với lưu lượng khoảng 60 nghìn lượt xe mỗi ngày đi trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì sẽ có khoảng 120 trường hợp bị lỗi.
Để hạn chế ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân chủ đầu tư BOT và các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ bố trí cán bộ trực tại trạm để xử lý tình huống. Tuy nhiên người dân cũng cần chủ động trong việc kiểm soát số dư tài khoản tránh trường hợp vào làn thu phí nhưng tài khoản không đủ tiền để đi qua.
"Đến trạm thu phí chúng ta có thể nạp ngay tại trạm nhưng sẽ mất thời gian hơn. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ liên thông ngân hàng, tức là từ tài khoản ngân hàng có thể đổ vào tài khoản giao thông để tự động chạy luôn khi qua trạm thu phí và hạn mức bao nhiêu là do khách hàng định mức", ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc VETC, nói.
Với dịch vụ liên thông ngân hàng, việc chuyển tiền vào tài khoản giao thông không bị thu phí, hạn mức chuyển cũng tùy thuộc nhu cầu của người sử dụng. Đây không chỉ là giải pháp tránh tâm lý e ngại bị chiếm dụng vốn, mà còn giúp người sử dụng dịch vụ tránh được sự cố số tiền trong tài khoản không đủ khi đi qua làn thu phí tự động không dừng.
Đảm bảo xử lý sự cố khi áp dụng thu phí không dừng
Có thể thấy, ở cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến nay, các hạ tầng phục vụ việc chỉ thu phí không dừng đến nay đều đã hoàn tất. Tuy nhiên, chủ đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ ở đây vẫn chuẩn bị sẵn những phương án dự phòng để xử lý những sự cố có thể phát sinh khi triển khai chính thức.
Từ tháng 6, các trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ không có làn thu phí hỗn hợp như hiện nay. Tuy nhiên ở mỗi trạm vẫn được bố trí 1 làn để xử lý những sự cố phát sinh.
Như vậy khi lưu thông qua trạm, dù phương tiện gặp sự cố về công nghệ thu phí không dừng hay những lỗi phát sinh của thẻ dán trên xe đều được nhân viên trạm thu phí xử lý. Đơn vị quản lý vận hành khai thác tuyến cao tốc này cũng đã giao trách nhiệm cho từng khâu thu phí.
Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được áp dụng theo hình thức thu phí kín. Điều đó có nghĩa khi phát sinh sự cố về đường truyền tại 1 trạm cũng có thể gây mất tín hiệu cho toàn tuyến. Để tránh những sự cố tương tự đã từng xảy ra, cơ quan quản lý cũng yêu cầu các đơn vị đảm bảo phương án dự phòng.
"Chúng tôi đã yêu cầu VIDIFI kéo thêm một đường cáp quang đấu nối dự phòng tại đầu Hải Phòng. Để đề phòng đứt ở giữa, chúng tôi đã yêu cầu VIDIFI bổ sung thêm tại mỗi trạm một đường truyền không dây sử dụng mạng 4G để dự phòng", ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết.
Thêm một đường truyền song song được bổ sung, thêm cả tín hiệu kết nối không dây dự phòng cho thu phí tự động, điều này có nghĩa là nâng khả năng phòng ngừa rủi ro của kết nối mạng lên 300%. Như vậy, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã sẵn sàng cho thu phí tự động 100% từ tháng 6 tới đây.
Lộ trình triển khai thu phí không dừng
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được thí điểm chỉ thu phí không dừng với mục tiêu hướng tới là khuyến khích thêm nhiều các chủ xe đi dán thẻ thu phí không dừng, qua đó tăng hiệu quả đầu tư hệ thống. Đồng thời, đây cũng là tiền đề, là mô hình mẫu để các trạm thu phí trên cả nước tiến tới mục tiêu là trạm thu phí không barie như các nước phát triển trên thế giới.
Theo kinh nghiêm từ các nước trên thế giới áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng lộ trình triển khai theo 3 giai đoạn.
Theo đó giai đoạn 1, các trạm thu phí vẫn tồn tại barie. Những xe có thông tin thẻ dịch vụ hợp lệ, có đủ số dư tài khoản thu phí khi đến trạm barie sẽ tự động mở cho xe đi qua. Xe chưa gắn thẻ dịch vụ, hoặc có gắn thẻ dịch vụ, nhưng không đủ số dư tài khoản, hệ thống chuyển sang chế độ thu phí một dừng.
Giai đoạn 2, tại các trạm thu phí không còn barrier, chỉ duy trì các giải phân cách các làn. Các phương tiện lưu thông tự do theo làn qua trạm thu phí, khi đó sẽ không tồn tại hình thức thu phí một dừng.
Giai đoạn 3, tại khu vực trạm thu phí chỉ còn duy trì giá long môn để gắn các thiết bị thu phí. Các phương tiện lưu thông tự do đa làn qua khu vực trạm thu phí.
Hiện nay, hệ thống thu phí điện tử không dừng của Việt Nam đang dừng ở giai đoạn 1.
Về tiến độ triển khai hệ thống thu phí không dừng, ngay từ đầu tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí không dừng tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý.
Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội; xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan nếu để chậm tiến độ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/6.
Trong đó, VEC được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khai thác 5 dự án đường cao tốc gồm: cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Đến nay, mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí ETC từ tháng 6/2021, các tuyến cao tốc khác vẫn thu phí một dừng.
Tính trên cả nước, đến nay, sau gần 7 năm triển khai, mới có hơn 570 làn ở gần 120 trạm là những làn thu phí không dừng, đạt tỉ lệ 70%. Tỷ lệ các xe đã dán thẻ thu phí là gần 60% tổng số xe. Trong số các xe đã dán thẻ cũng chỉ có 60% xe là nạp tiền vào thẻ để sử dụng dịch vụ. Những con số được đánh giá là còn khiêm tốn và phải khẩn trương hoàn thiện trong một khoảng thời gian ngắn tới đây, trong đó rất cần sự nỗ lực từ cơ quan quản lý, nhà cung cấp dịch và sự hợp tác của người dân.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc thí điểm thu phí không dừng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng góp phần tăng tỷ lệ các phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ.