Đảm bảo các cân đối vĩ mô của nền kinh tế
Tình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm tiếp tục đảm bảo các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế nhờ những chính sách linh hoạt và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ.
Về phía cung, chỉ số công nghiệp IIP tháng 8 tăng tới 16,2%, giúp mức tăng chung cả 8 tháng đầu năm tiệm cận với mức tăng ở thời điểm trước dịch, với công nghiệp chế biến chế tạo và nhiều ngành công nghiệp trọng điểm đều đạt mức tăng ấn tượng.
Dòng vốn đầu tư diễn biến tích cực, với lượng FDI thực hiện là 12,8 tỷ USD, tăng 10,5%, và là mức tăng cao nhất cùng kỳ 5 năm qua.
Còn về phía cầu, hoạt động thương mại và dịch vụ cũng khởi sắc, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu tháng 8 cũng có sự đột biến khi mức xuất siêu của riêng tháng này đã chiếm tới hơn 60% mức xuất siêu từ đầu năm đến giờ, với sự đóng góp đáng chú ý từ nhóm dệt may và da giày. Kết quả này càng nổi bật khi cùng kỳ 8 tháng năm ngoái vẫn còn nhập siêu.
Với những đóng góp vừa nêu, mức thu ngân sách đã tăng trưởng tích cực, 8 tháng đạt hơn 85% dự toán cả năm.
Còn lo ngại của năm nay là lạm phát, trong tháng 8, CPI gần như còn không tăng mấy so với tháng trước, là minh chứng rõ nhất thấy sự hiệu quả trong công tác kiểm soát giá của Chính phủ thời gian qua.
Sự chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô là nhân tố được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Mới đây IMF dự báo tăng trưởng GDP cả năm nay của Việt Nam sẽ đạt 7%, mà theo họ, với hàng loạt các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, sẽ giúp đẩy mạnh sản lượng sản xuất, cũng như sự phục hồi của lĩnh vực bán lẻ và du lịch.