Đảm bảo an ninh lương thực, hướng đến xuất khẩu
Bộ NN&PTNT khẳng định dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, an ninh lương thực của Việt Nam luôn đảm bảo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 679 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Trong đó, đối với giá lương thực, thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.
Khẳng định này vừa được đưa ra trong bối cảnh tình hình thị trường lương thực thế giới còn nhiều diễn biến khó lường trong 6 tháng cuối năm.
Cụ thể, trước diễn biến giá thịt lợn có chiều hướng tăng trong tháng 7 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện một loạt giải pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm, phối hợp chặt với các địa phương để thúc đẩy tái đàn, tăng đàn, phối hợp với các Bộ liên quan ngăn chặn việc xuất khẩu thịt lợn mảnh, lợn xẻ qua đường tiểu ngạch, tiếp tục nhân rộng các mô hình chủ động từng phần nguồn thức ăn đầu vào để giảm chi phí chăn nuôi. Đại diện Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết cố gắng đảm bảo nguồn cung từ nay đến cuối năm.
"Tốc độ tăng trưởng 4,8% đối với đàn lợn, trên 28 triệu con. Chúng ta đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi, đây là công cụ rất quan trọng để chúng ta khống chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, lở mồm long móng, tai xanh cũng đã được khống chế tương đối tốt. Giá đầu ra tương đối thuận lợi thì tốc độ tăng trưởng của đàn lợn nói chung sẽ cao. Như năm 2021, chúng ta giết mổ 51 triệu con, thì năm nay chúng ta phấn đấu trên mức 51 triệu con. Đặc biệt, kể cả thịt gia cầm, thịt bò, thịt trâu, thịt lợn đều giữ được nhịp tăng trưởng phục vụ dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.