Đắk Nông: Bất chấp cơ quan chức năng kiểm tra, điểm khai thác đá vẫn hoạt động
Dù cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra ngay sau khi báo chí phản ánh, nhưng điểm khai thác đá trái phép trên đất rẫy không có dấu hiệu dừng hoạt động.
Chính quyền địa phương nói gì?
Sáng 4/1, PV Người Đưa Tin tiếp tục quay trở lại hiện trường khai thác đá trái phép trên đất rẫy tại thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, mà Người Đưa Tin đã phản ánh trong bài viết "Đắk Nông: Đột nhập “công trường” khai thác đá trái phép trên đất rẫy".
Tại đây, PV tiếp tục ghi nhận 3 chiếc máy múc đang nằm tại khu vực này.
Đáng nói, nếu như vào ngày 29/12/2022 (thời điểm PV ghi nhận và báo cho cơ quan chức năng), chỉ có một phần đồi bị đào xới nham nhở thì đến sáng 4/1, diện tích đất bị đào xới, đục khoét rộng hơn, quy mô hơn. Nhiều vị trí bị đào sâu xuống lòng đất khoảng 10m.
Cũng tại đây, hàng trăm khối đá đã được khai thác nằm ngổn ngang khắp nơi. PV liên hệ với lãnh đạo xã Đức Mạnh và lãnh đạo UBND huyện Đắk Mil để phản ánh về việc tái diễn tình trạng đào bới đất tại điểm khai thác đá ở thôn Đức Bình.
Làm việc với bà Ngô Thị Hương – Bí thư Đảng ủy xã Đức Mạnh, PV Người Đưa Tin đặt câu hỏi, vì sao sau khi cơ quan chức năng vào kiểm tra thì điểm khai thác đá trái phép tại thôn Đức Bình vẫn tiếp tục hoạt động?
Bà Ngô Thị Hương giãi bày: “Hoạt động khai thác này thường diễn ra ngoài giờ hành chính như thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, ban đêm... Trong khi đó, cán bộ địa phương mỏng, không thể ở đó 24/24 giờ để kiểm soát được”.
Bí thư Đảng ủy xã Đức Mạnh khẳng định, quan điểm của Đảng ủy xã là chỉ đạo xử lý quyết liệt, không bao che.
Cũng theo bà Ngô Thị Hương, để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác đá trái phép thì cần phải có sự vào cuộc, tham gia tích cực của nhiều ngành chức năng.
Trong khi đó, một lãnh đạo UBND xã Đức Mạnh cho hay, khu vực xảy ra khai thác đá mà PV phản ánh là đất của ông H. (trú tại xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil).
Theo khai báo của ông H., trong quá trình trồng cao su nhưng mủ không chất lượng. Do đó, ông H. đã phá cao su, cải tạo lại đất để trồng cà phê. Quá trình này, ông H. phát hiện 300 m3 đá nên báo lên chính quyền địa phương.
Cũng theo vị này, sau đó, xã đã làm báo cáo xin ý kiến của huyện để có chủ trương tịch thu 300m3 đá mà ông H. khai báo.
“Không thể nói là cải tạo đất”
Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Mil cho hay, vào ngày 29/12/2022, sau khi nhận được tin báo của PV, lãnh đạo xã Đức Mạnh đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra.
Theo báo cáo của xã, chủ đất đang tiến hành san lấp, cải tạo mặt bằng trên diện tích 2,4ha. Quá trình cải tạo mặt bằng, chủ đất đã phát hiện 300m3 đá và bàn giao cho xã.
Sau đó, UBND xã đã lập biên bản về hành vi san lấp làm biến dạng địa hình. Tuy nhiên, quá trình xử lý xét thấy vượt quá thẩm quyền nên UBND xã đã chuyển hồ sơ lên cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện.
Hiện nay, Phòng đang tham mưu cho huyện để xử lý vi phạm hành chính về hành vi san lấp làm biến dạng địa hình theo quy định.
Cũng theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, huyện đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về việc, người dân trong quá trình cải tạo mặt bằng, phát hiện khoáng sản, giao nộp cho chính quyền địa phương thì xử lý thế nào?
Theo vị này, Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời, hiện nay trong luật chưa quy định cụ thể nên Sở đang tổng hợp để xin ý kiến của Bộ. Trong thời gian chờ xin ý kiến, huyện đã có văn bản chỉ đạo cho xã quản lý chặt chẽ 300m3 đá nói trên.
Để làm rõ những vấn đề nói trên, PV đã có buổi làm việc với ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông.
Ông Minh cho biết, theo Quyết định 1661 của UBND tỉnh Đắk Nông, khoáng sản chưa khai thác thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ và xử lý.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cũng cho biết, vào ngày 29/12/2022, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của PV, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Phòng Khoáng sản của Sở liên hệ với huyện thì biết xã đã kiểm tra, lập biên bản nhưng đến nay chưa có báo cáo.
Trong quá trình làm việc, PV đã đưa ra những hình ảnh về việc sau khi cơ quan chức năng kiểm tra thì các máy múc vẫn có mặt tại khu vực khai thác đá, đồng thời diện tích bị đào bới rộng hơn, nhiều vị trí bị khoét sâu khoảng 10m đất.
Trong khi đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Mil lại cho hay, huyện có văn bản gửi Sở Tài nguyên Môi trường xin ý kiến xử lý về việc người dân trong quá trình cải tạo mặt bằng, phát hiện khoáng sản và có bàn giao cho xã.
Lúc này, ông Võ Văn Minh cho rằng, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường nói như vậy là theo nguyên tắc, theo lý thuyết. “Đưa máy móc vào đào thế này mà, cải tạo đâu”, ông Minh nói.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp lời: “Bản chất thực sự của người dân, ví dụ gặp đá nằm trong khu vực muốn cải tạo cho bằng phẳng để lấy đất sản xuất nông nghiệp, sau đó thu gom đá đó lại thì câu chuyện đó là cải tạo đất. Còn cái này, đưa máy móc thế này là khai thác khoáng sản trái phép... Nhìn cái địa hình đó thì không thể nói là cải tạo đất được mà phải đưa vào lỗi khai thác trái phép...”.
Ông Minh cũng cho rằng, trường hợp nói trên, kể cả cải tạo đất và gặp khoáng sản (đá) thì người dân phải báo cáo cấp có thẩm quyền mà trước hết là UBND xã, đến UBND huyện để tiến hành kiểm tra và dừng việc khai thác lại. Nếu xác định là khoáng sản thì phải thu hồi hoặc tổ chức đấu giá theo quy định. Vì khoáng sản là tài nguyên quốc gia.
"Đồi dốc thì người ta cải tạo ở một mức độ bình thường. Còn chuyện này, mình phải khẳng định với nhau câu chuyện là cải tạo có vấn đề", ông Minh nói.
Từ những phân tích nói trên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sẽ chỉ đạo Phòng Khoáng sản của Sở lập đoàn phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra để có hướng xử lý.
Đồng thời, sẽ đề nghị UBND xã tổ chức quản lý, bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng, nghiêm cấm không cho máy móc, thiết bị vào khu vực này. Nếu không xác định được chủ thì tiến hành tịch thu toàn bộ đá để tổ chức bán đấu giá.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.
Khánh Ngọc