Đắk Lắk triển khai phương án phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ

Chia sẻ Facebook
13/10/2022 17:16:22

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành công văn về phương án hành động tạm thời phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh.


Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, đến tháng 10/2022, WHO thông báo đã ghi nhận hơn 68.000 ca mắc Đậu mùa khỉ tại 106 nước và vùng lãnh thổ (gồm cả các quốc gia đang lưu hành dịch), trong đó có 28 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, ngày 3/10, ghi nhận ca bệnh mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh qua quá trình giám sát dịch tễ.

Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, dịch bệnh đã xâm nhập vào Việt Nam và có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng là rất lớn nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hiệu quả và kịp thời.

Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ với tinh thần và giải pháp là "sớm một bước, cao hơn một mức", không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, UBND tỉnh ban hành phương án tạm thời phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh với 3 tình huống gồm: Ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam nhưng chưa có ca bệnh tại tỉnh; xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào tỉnh; dịch có nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Các sở, ngành, địa phương căn cứ vào từng tình huống thực tế để triển khai công tác phòng, chống dịch với mục tiêu phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế tử vong đến mức thấp nhất và hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế-xã hội chung của tỉnh.

Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của tỉnh về kế hoạch, phương án, chuẩn bị nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất… để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở chủ động theo dõi diễn biến dịch bệnh, thường xuyên cập nhật chỉ đạo của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch để tham mưu đề xuất phương án phòng, chống dịch hiệu quả và phù hợp với tình hình, nguồn lực thực tế của địa phương; phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn về chuyên môn để người dân thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Đặc biệt, ngành Y tế chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch theo các mức độ dịch tương ứng; chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn ngành tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch trong các lĩnh vực về phát hiện điều trị cách ly, giám sát phòng, chống, truyền thông, chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, hóa chất vật tư, trang bị phòng hộ cho nhân viên y tế, có kế hoạch điều động nhân lực trong toàn ngành và các đơn vị y tế liên quan đóng trên địa bàn tham gia chống dịch. Kiểm tra đánh giá việc chuẩn bị cho công tác phòng, chống, bố trí khu cách ly, trang thiết bị để đảm bảo có thể tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân khi phát hiện và đảm bảo an toàn phòng, chống lây nhiễm trong cơ sở y tế; thiết lập đường dây nóng, nơi tiếp nhận thông tin để tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh đậu mùa khỉ.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo chính quyền các địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người các cấp của địa phương; lập kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện. Cùng với đó, kiểm tra việc chuẩn bị đáp ứng dịch tại các tuyến y tế, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn; thực hiện hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn quản lý và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Chia sẻ Facebook