Đắk Lắk: Thiết lập thêm mã vùng trồng khoai lang để phục vụ xuất khẩu

Chia sẻ Facebook
29/04/2023 10:09:37

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đang tập trung triển khai công tác thiết lập mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói khoai lang xuất khẩu.

Thiết lập thêm mã vùng trồng


Theo thông tin trên CTTĐT tỉnh Đắk Lắk, Đắk Lắk có diện tích trồng khoai lang tương đối lớn, biến động từ 7.000 – 10.000 ha/năm, năng suất khoảng từ 25 – 30 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Lắk, Krông Ana, Krông Búk...

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thông báo khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Chi cục đã vận động người dân thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để xây dựng vùng nguyên liệu lớn đủ điều kiện cấp mã vùng trồng.

Việc khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sẽ mở lối thoát cho khoai lang hiện nay vì đầu ra cho sản phẩm này sẽ ổn định. Ảnh: Quang Yên/ báo Nông Nghiệp Việt Nam

Về thiết lập vùng trồng, hiện có 5 vùng trồng được thiết lập, với tổng diện tích 418,1 ha. Về cơ sở đóng gói, 2 cơ sở đóng gói khoai lang (trong đó 1 cơ sở đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra trực tuyến hiện đang chờ kết quả phê duyệt; 1 cơ sở đã thiết lập hồ sơ và báo cáo Cục Bảo vệ thực vật chờ phía Trung Quốc kiểm tra).

Hiện nay Chi cục đã thiết lập xong hồ sơ, đề xuất cấp mã vùng trồng cho 500 ha để kiểm tra trong thời gian tới. Đồng thời, đã có hai doanh nghiệp (Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Vạn Hòa; Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hương Cao Nguyên) đã chuẩn bị xong hồ sơ để cấp mã cơ sở đóng gói. Hiện nay công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, chỉ còn chờ phía Hải quan Trung Quốc đánh giá và cấp mã để chuẩn bị cho công tác xuất khẩu khoai lang theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng kế hoạch để triển khai các lớp tập huấn vào quý II/2023 để hướng dẫn các hộ dân tại vùng trồng, các cơ sở thu mua, đóng gói khoai đảm bảo tuân thủ các quy định tại Nghị định thư.


Trao đổi với báo Lao Động , đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk - nhận định, việc khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sẽ mở lối thoát cho khoai lang hiện nay vì đầu ra cho sản phẩm này sẽ ổn định, giúp định hình các vùng sản xuất trọng yếu, đưa nông dân đến tiếp cận với sản xuất tập trung quy mô lớn, có lợi nhuận tốt hơn.

Tuy nhiên, sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sẽ phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập. Do đó, để khoai lang "rộng đường" sang thị trường Trung Quốc, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp và nông dân là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của nước bạn đặt ra.

Nâng cao chất lượng khoai lang để xuất khẩu bền vững


Về vấn đề này, trao đổi với báo Nông Nghiệp Việt Nam , ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Hương Cao Nguyên cho biết, để đảm bảo khoai lang đủ kiện xuất khẩu thì tiêu chuẩn và quy cách phải đáp ứng được yêu cầu của phía đối tác.

Theo ông Tùng, hiện nay, khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nói chung, khoai lang nói riêng là vấn đề dài hơi, phụ thuộc nhiều yếu tố. Đối với khoai lang, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sẽ càng khó khăn hơn vì có tính đặc thù mang tính chất mùa vụ.

“Để nâng cao chất lượng khoai lang cần sự vào cuộc, quản lý đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó thể hiện vai trò của các cơ quan liên quan của ngành nông nghiệp từ tỉnh xuống địa phương. Đối với người dân, nên tham gia kinh tế tập thể. Bởi khi tham gia kinh tế tập thể, bà con sẽ được sự giám sát, quản lý hỗ trợ của nhà nước về vận hành, kĩ thuật canh tác”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cho biết thêm, để góp phần giúp khoai lang phát triển ổn định, bền vững, doanh nghiệp sẽ đồng hành với nhà nước, nông dân trong liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm.

“Cơ quan quản lý nhà nước sẽ là cầu nối cho doanh nghiệp và nông dân trồng khoai lang. Doanh nghiệp ở đây sẽ có 2 trường hợp là có doanh nghiệp đầu vào và doanh nghiệp đầu ra. Khi làm tốt những yếu tố trên, mặt hàng khoai lang mới có thể phát triển bền vững được”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệc thực vật tỉnh Đắk Lắk, từ khi có thông tin xuất khẩu chính ngạch khoai lang sang Trung Quốc, cơ quan chức năng, doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh đều rất hồ hởi vào cuộc.

“Việc xuất khẩu chính ngạch thì có nhiều thuận lợi. Cụ thể, doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải liên kết với nông dân. Muốn liên kết với nông dân thì phải thành lập hợp tác xã/tổ hợp tác để làm đầu mối. Do đó, thời gian này, các địa phương của tỉnh cũng đang đẩy nhanh việc thành lập các hợp tác xã/tổ hợp tác sản xuất khoai lang để hình thành những vùng nguyên liệu chuyên canh lớn”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, khi doanh nghiệp liên kết với nông dân, sẽ thúc đẩy sản xuất theo một quy trình thống nhất từ khâu làm đất đến trồng, chăm sóc và thu hoạch.

“Một hộ nông dân thì có thể canh tác không đúng theo tiêu chuẩn nhưng khi tham gia vào hợp tác xã /tổ hợp tác, có liên kết với doanh nghiệp thì bắt buộc phải sản xuất theo quy trình cụ thể. Các thành viên trong hợp tác xã sẽ giám sát lẫn nhau vì một trường hợp làm không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến những người khác”, ông Thành nói.

Đặc biệt, khi hình thành chuỗi liên kết sản xuất, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp cùng tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khoa học để kiểm soát chất lượng, chuyển giao các tiến bộ mới về KH-CN, quy trình sản xuất tiên tiến, thuận tiện hơn trong việc phổ biến cho nông dân thực hiện đúng những quy định trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế... của nước nhập khẩu. Doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua với người dân theo đó cũng sẽ bắt buộc phải đảm bảo chất lượng. Nếu người dân sản xuất không đảm bảo chất lượng, bên đầu tiên chịu ảnh hưởng chính là doanh nghiệp.

Được biết, sau nhiều năm đàm phán giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, ngày 22/11/2022, Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm khoai lang của Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết. Điều này đồng nghĩa với việc mặt hàng khoai lang của Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Hiện diện tích trồng khoai lang trên cả nước khoảng 100.000 ha, với tổng sản lượng từ 1,2 - 1,3 triệu tấn. Có thể thấy, Việt Nam rất dồi dào sản lượng để xuất khẩu đối với mặt hàng này.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook