Đắk Lắk: Tăng cường phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Chia sẻ Facebook
19/09/2022 08:44:53

Thời tiết đang trải qua giai đoạn giao mùa, mưa nắng đan xen là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây bệnh sinh sôi và phát triển.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trong vòng 1 tháng, từ ngày 9/8 đến ngày 8/9, số người mắc COVID-19 là 873 người, trong đó TP. Buôn Ma Thuột có số người mắc cao nhất là 269 người, Cư M’gar 90 người, Krông Năng 69, Ea Sup: 65, Krông Buk 62 người, Buôn Đôn 61 người, Ea Kar 52 người, M’Đrắk 45, Krông Ana 26… Toàn tỉnh cũng ghi nhận 2.067 ca bệnh sốt xuất huyết, 111 ca mắc tay chân miệng.


Trước diễn tiến phức tạp của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguy cơ dịch chồng dịch (bệnh COVID-19 và sốt xuất huyết Dengue), khả năng xâm nhập, xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ và các dịch bệnh khác. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, ngành y tế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ban, ngành trong tỉnh khẩn trương tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung:

Đối với dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Duy trì tốt việc thực hiện khuyến cáo V2K (nghĩa là Vaccine - Khẩu trang - Khử khuẩn) trong phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm vaccine; thực hiện "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, nhất là những đối tượng nguy cơ cao, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân; phát huy tính chủ động, gương mẫu của công chức, viên chức, người lao động, các lực lượng cán bộ, chiến sĩ, quân nhân... trong việc tiêm vaccine; tổ chức các chiến dịch tiêm vaccine tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp; tiếp tục vận động người dân tham gia tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với dịch sốt xuất huyết Dengue, tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.

Đối với bệnh đậu mùa khỉ, tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng chống tạm thời. Đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời, đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, nông nghiệp và các sở, ngành liên quan trong việc quản lý buôn bán, sử dụng, phòng chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ cảm nhiễm cao.

Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh cần nắm vững "5 nguyên tắc vàng". Đó là tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch; bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch; giữ vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân; tăng cường vận động, tập luyện thể dục, thể thao; khi có những dấu hiệu bệnh, cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý mua thuốc, điều trị tại nhà, vì có thể khiến bệnh nặng hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Chia sẻ Facebook